Chuyện cúng rằm (kỳ 2)
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:37, 09/02/2020
Lại quành về chuyện rằm. Những người Việt xài âm lịch (phải biên rõ vậy bởi người Việt theo đạo Gia Tô chỉ dùng dương lịch) tháng nào cũng cúng rằm, ngày trăng tròn. Thành ngữ có câu “ngày rằm mùng một”, tức là trong tháng âm có hai ngày cần soạn lễ cúng, đầu tháng và giữa tháng. Hồi tôi còn bé, ở nông thôn, thấy thày bu tôi và những nhà khác trong làng chỉ cúng rằm chứ không cúng mùng 1, có lẽ một phần muốn đơn giản gọn nhẹ, phần khác do nghèo túng, bữa ăn hằng ngày chả đủ chả no, lấy đâu cúng lắm thế.
Trong các rằm, chỉ trừ rằm tháng bảy, những rằm còn lại gia chủ cúng khá đơn giản. Mỗi lần gần tới rằm, thày tôi lại nhắc nội tướng đi chợ nhớ mua ký gạo nếp. Nếp là thứ hiếm hoi thời những năm thập niên 50 - 70 ở miền Bắc. Hầu hết ruộng đất đều để cấy lúa tẻ hoặc trồng hoa màu, còn nếp bị liệt vào thứ ăn chơi nên không có đất. Ngay cả những nhà cày cấy trên ruộng 5% cũng chỉ quanh quẩn với mấy giống lúa tẻ như chân trâu lùn, nông nghiệp 1, ba giăng bởi chúng ngắn ngày, cho năng suất cao, ngoài phần làm nghĩa vụ cho nhà nước “thóc không thiếu một cân”, dư chút ít còn có cái bỏ vào mồm. Nhà nào cấy lúa nếp phải thuộc diện tay chơi lắm, hoặc có con cái đi thoát ly gửi tiền về nuôi gia đình, mới dám “xé rào”.
Có gạo nếp rồi, đỗ xanh nhà trồng được, thày tôi chuẩn bị kỹ lưỡng nồi xôi cúng rằm. Gạo nếp và đỗ đã xay được ngâm từ chiều, tới tối thày vo kỹ, đãi đỗ, đồ trong chõ xôi. Nắn nót cẩn thận tới mức như đang làm thứ sản phẩm gì đó cực kỳ giá trị. Không một hạt nếp nào bị bỏ, có lỡ văng ra ngoài cũng được thày nhặt lại. Thày bảo hạt gạo tẻ đã quý, gọi nó là ngọc thực, hạt gạo nếp hiếm nên càng quý hơn. Xôi chín, được đơm ra đĩa, bày lên bàn thờ. Kèm với xôi thường là chè, hai món xôi chè luôn đi với nhau trong lễ cúng rằm. Tháng nào “có điều kiện”, sang hơn một chút thì thịt con gà, luộc lên cúng với xôi. Cũng nhiều tháng chỉ thấy xôi với chuối, lễ cúng rằm qua đi trong sự đạm bạc, thiếu thốn. Chả thánh thần nào nỡ quở trách, giận dỗi người nghèo.
Cũng liên quan tới rằm tháng giêng, nói thêm tí nữa. Theo quan niệm dân gian, tháng giêng là tháng ăn chơi nên những nhà giàu có, nhất là dân phố, cúng rằm xong lại đi chơi tiếp. Đủ thứ hội hè lễ lạt, hết miền ngược lại miền xuôi. Người ta chê trách dân xứ bắc ăn chơi nhiều cũng một phần bởi vậy. Nhưng thực ra với nông dân Bắc, nhất là thời những năm chiến tranh và bao cấp, nào có chơi bời mấy. Nói đâu xa, người quê tôi, vùng duyên hải Hải Phòng, vừa hết mùng 3 tết là rảo cẳng ra đồng. Chưa kịp cấy thì vội cấy ngay kẻo mạ già, cấy rồi thì mau tát nước, bỏ phân cho lúa đang kỳ sinh trưởng. Nhiều người chụp được những tấm ảnh lúa xuân xanh mướt, đồng quê dập dờn, nào có biết đằng sau nó là cả sự vất vả cần lao của người nông dân suốt tháng giêng. Tôi khi còn bé, không hiếm tết, sáng mùng 2 đã theo thày bu ra ruộng tát nước lúa, dỡ khoai tây, hái cà chua, chặt su hào về đem đi chợ, bởi để lâu ngoài ruộng sẽ hỏng, sẽ già, chả bán được cho ai. Nông dân thời ấy không có thói ăn chơi tháng giêng, còn bây giờ, cuộc sống khá lên rồi, phú quý sinh lễ nghĩa, thành thị cũng như nông thôn lại kéo đàn kéo lũ tận hưởng hậu tết. Cũng chả trách được, thời thế nó vậy.
Những năm rồi, cứ rằm tháng giêng, giới văn nghệ, nhất là thi nhân, lại túm tụm về Văn Miếu ở thủ đô để thả thơ thả thính. Có nhẽ do tháng giêng là tháng của văn nghệ nên việc tổ chức hội thơ cũng có lý, cũng là cách cúng rằm. Cường quốc về thơ nên cách cúng cũng rất thơ. Nhiều năm vui lắm, cả nước kéo về, còn đông hơn sĩ tử tới sờ đầu rùa cầu may mùa thi tháng 7 tây. Già trẻ lớn bé, tóc bạc đầu xanh, nam thanh nữ tú chen nhau đọc thơ thả thơ cúng rằm Nguyên tiêu. Hay nhiều, dở cũng chẳng ít. Nhất là thơ trên mấy tấm phướn đỏ thả lên giời. Tất nhiên có những bài rất hay, chẳng hạn bài thơ Nguyên tiêu của cụ Hồ, hoặc thơ của ông vua-thi sĩ Trần Nhân Tông…, nhưng nhà tuyển chọn cũng thả lên không ít câu dở, cực dở. Thỉnh thoảng bên bàn trà hoặc tụm ba tụm năm cà phê, người ta lại đọc và cười phe phé với nhau về một câu thơ được thả năm ấy “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”. Thơ thế mà đem cúng rằm Nguyên tiêu, mà thả lên giời, giời nào dám nhận. Ông bạn tôi, một nhà thơ đích thực, thi sĩ tiếng tăm, bảo thực ra câu ấy nằm trong bài thơ viết về biển của thi sĩ Trần Anh Trang từ thập niên 1960 cơ, cả bài hay lắm, nhưng chúng nó trích thế thì bằng giết người ta. Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau là vậy.
Lịch âm, từ tháng hai tới tháng sáu đều cúng rằm, cũng chỉ đơn giản đĩa xôi nải chuối, nhưng tới rằm tháng bảy thì cực to. Như đã nói, “cả năm mới có rằm tháng bảy”, người ta chuẩn bị cho cúng rằm này từ mấy ngày trước đó. Rằm tháng bảy, gọi theo kiểu Tàu là Tết Trung nguyên. Với người Việt, cúng rằm tháng bảy chủ yếu để bày tỏ sự tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, báo hiếu những bậc sinh thành. Ở quê tôi, dù nghèo cũng cố biện được mâm cơm cúng, có thịt lợn kho, gà luộc, con cá rán, đĩa miến xào, bát canh xương hầm… Cứ rằm tháng bảy, hợp tác xã lại bán cho mỗi nhà vài lạng thịt trâu, có nhẽ là lần ăn thịt trâu duy nhất trong năm bởi con trâu được xếp vào sức kéo, được bảo vệ đặc biệt, chả khác gì yếu nhân. Ai mà giết trâu chui, bị phát hiện, phạt rất nặng, có thể đi tù.
Đám trẻ con chúng tôi nhịn đói quanh năm, quen với sự thèm này thèm nọ rồi, nhưng hầu như đứa nào cũng mong tới rằm tháng bảy. Ít nhất thì cũng được một chầu lúy túy măm đồ ăn ngon sau suốt thời gian dài từ Tết tới giờ. Và lại ngóng cổ chờ rằm tháng tám. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Kỳ 1: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-cung-ram-131351.html