Khi các ‘thiên thần’ bị đày xuống địa ngục: Sự thật trần trụi đằng sau vẻ hào nhoáng của Victoria’s Secret (Kỳ 1)

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:06, 04/02/2020

Bài phóng sự điều tra của New York Times đăng ngày 1.2 đã cho thấy góc khuất đằng sau Victoria's Secret - thương hiệu đồ lót hàng đầu tại Mỹ. Theo đó, các người mẫu nữ đã bị xem thường, quấy rối tình dục và lừa gạt bởi những gã đàn ông đầy quyền lực.
Adriana Lima trong Victoria s Secret Fashion Show 2018 - Ảnh: Getty

Trong 3 thập niên qua, Victoria’a Secret đã định nghĩa lại “nữ tính” cho hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới thông qua Victoria’s Secret Fashion Show và các catalogue của mình. Đối với người mẫu, được chọn làm “thiên thần” đồng nghĩa với danh tiếng và tiền bạc.

Mặc dù vậy, bên trong L Brands – công ty mẹ của Victoria’s Secret, hai vị trí quyền lực nhất lại thuộc về hai người đàn ông. Cùng với nhau, Leslie Wexner và Ed Razek đã tạo ra văn hóa coi thường và bắt nạt phụ nữ. Đây là đúc kết từ việc phỏng vấn hơn 30 giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của L Brands cũng như nhân viên, nhà thầu, người mẫu cùng hồ sơ tòa án và các tài liệu khác.

Leslie Wexner và Ed Razek (phải) - Ảnh: Getty

Ed Razek – cựu giám đốc tiếp thị của L Brands – đã bị nhiều người tố cáo có hành vi không phù hợp. Ông từng thử hôn người mẫu, yêu cầu họ ngồi lên đùi và thậm chí chạm vào đáy quần của một người mẫu trước khi diễn ra Victoria’s Secret Fashion Show 2018.

Các giám đốc điều hành đã cảnh báo tỉ phú Leslie Wexner – nhà sáng lập và giám đốc điều hành của L Brands – về hành vi của phó tướng. Thế nhưng, vài người dám lên tiếng đã vấp phải sự trả thù. Người mẫu Andi Muise cho biết Victoria Secret đã ngừng tuyển dụng cô cho các buổi trình diễn thời trang sau khi cô từ chối những yêu cầu của Ed Razek.

Nhiều người mẫu đã đồng ý chụp ảnh khỏa thân, thường là không được trả công, cho một nhiếp ảnh gia quen thuộc của Victoria’s Secret để rồi bộ ảnh đó được in thành sách và bán với giá vài ngàn USD.

Ed Razek luôn được các thiên thần công khai ca ngợi là người tử tế và giỏi giang - Ảnh: AP

Trong mắt nhân viên cấp dưới, Ed Razek là hiện thân của Leslie Wexner và bất khả xâm phạm. Nhiều lần, Leslie Wexner đã đích thân nghe phàn nàn từ các phụ nữ làm việc cho L Brands.

“Điều đáng báo động đối với tôi chính là hành vi này đã cắm rễ quá sâu”, Casey Crowe Taylor – một cựu nhân viên quan hệ công chúng của Victoria’s Secret từng chứng kiến hành vi đồi bại của Ed Razek – cho biết. “Sự lạm dụng này được chấp nhận như bình thường. Nó giống như bị tẩy não vậy. Và bất cứ ai cố gắng thay đổi đều bị phớt lờ hay đuổi việc”.

Năm ngoái, Leslie Wexner đã trở thành tâm điểm của truyền thông do mối quan hệ thân thiết giữa ông với tỉ phú ấu dâm Jeffrey Epstein. Với vai trò tư vấn và quản lý khối tài sản khổng lồ của Leslie Wexner, Jeffrey Epstein đã dụ dỗ nhiều người mẫu nữ bằng cách hứa hẹn một vị trí trong Victoria’s Secret Fashion Show.

Rắc rối của L Brands – công ty đồng thời sở hữu Bath & Body Works – không dừng ở đó.

Jeffrey Epstein - Ảnh: Getty

Doanh thu của Victoria’s Secret đã giảm mạnh trong 2 năm qua. Rating của Victoria’s Secret Fashion Show thấp đụng nóc vào cuối năm 2018 và chính thức bị hủy bỏ vào năm ngoái sau 2 thập niên làm mưa làm gió trên sóng truyền hình. Ed Razek rời khỏi L Brands vào 8.2019. Theo một nguồn tin thân cận cho biết, Leslie Wexner đang tìm cách bán công ty đồ lót và có kế hoạch nghỉ hưu.

Trả lời các câu hỏi của New York Times, Tammy Roberts Myers - phát ngôn viên của L Brands - đã đưa ra một tuyên bố thay mặt cho hội đồng quản trị. Cô nói rằng công ty hiện tập trung vào công tác quản trị, môi trường làm việc, tuân thủ luật lệ và “đã có những bước phát triển rõ rệt”. “Chúng tôi rất tiếc về bất kỳ trường hợp nào không đạt được mục tiêu này và cam kết cải tiến liên tục và hoàn thành trách nhiệm giải trình”, cô nói.

Mặc dù vậy, tuyên bố của L Brands không hề nhắc đến bài báo của New York Times.

Ed Razek viết trong email gửi cho báo chí: “Những lời buộc tội trong bài báo là không đúng sự thật, bị hiểu sai hoặc đưa ra khỏi bối cảnh. Tôi đã may mắn được làm việc với vô số người mẫu đẳng cấp thế giới và các chuyên gia tài năng. Tôi rất tự hào về sự tôn trọng mà chúng tôi dành cho nhau”.

Thomas Davies - phát ngôn viên của Leslie Wexner - từ chối bình luận.

Bùng nổ

Một cửa hàng Victoria s Secret tại Bắc Kinh - Ảnh: AP

Victoria Secret – công ty mà Leslie Wexner đã mua với giá 1 triệu USD vào năm 1982 và sau đó biến thành một đế chế - đang gặp khó khăn và trên bờ vực sụp đổ.

Chuẩn mực về vẻ đẹp của phụ nữ trong xã hội đã thay đổi nhanh chóng trong mấy năm qua và ngày càng trở nên đa dạng dựa trên màu da, bản dạng giới và đặc thù của từng cơ thể. Đáng tiếc, Victoria’a Secret đã không theo kịp. Công ty này vẫn trung thành với việc xây dựng hình ảnh phụ nữ đẹp bốc lửa như đoạn clip quảng cáo do Michael Bay thực hiện: các cô gái diện đồ lót và áo choàng sải bước trước máy bay và vụ nổ dữ dội. Nó giống như một cơn ảo mộng dành cho đàn ông nhiều hơn là những gì mà phụ nữ thật sự cần.

Với doanh số giảm, Victoria Secret đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Cổ phiếu của L Brands đã giảm hơn 75% so với mức đỉnh vào năm 2015.

Cửa hàng lớn nhất của Victoria s Secret tại thành phố New York - Ảnh: VS

6 giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của L Brands cho biết khi họ cố gắng lèo lái công ty ra khỏi cái mà người ta gọi là “hình ảnh khiêu dâm”, họ đã bị từ chối và 3 người trong số đó đã bị đuổi việc.

Sự chỉ trích về chiến dịch tiếp thị lỗi thời của Victoria Secret lên đến đỉnh điểm vào năm 2018 khi Ed Razek bày tỏ quan điểm không mời người mẫu chuyển giới và quá khổ tham gia buổi trình diễn thời trang thường niên. Sau đó vài tháng, Jeffrey Epstein bị buộc tội mại dâm đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Leslie Wexner từng trao cho Jeffrey Epstein quản lý hàng tỷ USD của mình, giúp hắn nâng cao địa vị và có được một lối sống xa hoa. Leslie Wexner khẳng định mối quan hệ này đã kết thúc vào năm 2007 - một năm sau khi các công tố viên ở bang Florida buộc tội Jeffrey Epstein phạm tội tình dục.

Jeffrey Epstein và Donald Trump - Ảnh: Getty

Theo hồ sơ từ tòa án, từ năm 1995 đến năm 2006, Jeffrey Epstein đã nói dối nhiều người mẫu tham vọng, mời họ làm việc cho Victoria’s Secret và hứa hẹn giúp họ ký được hợp đồng quảng cáo. Ông đã mời họ đến buổi casting và kết thúc bằng việc tấn công tình dục.

“Tôi đã dành tất cả tiền tiết kiệm của mình để mua đồ lót Victoria’s Secret nhằm chuẩn bị cho những gì tôi nghĩ sẽ là buổi casting catwalk”, Jane Doe (tên giả) nói trong phiên tòa xét xử Jeffrey Epstein vào năm ngoái. “Thay vào đó, nó giống như một buổi casting cho việc mại dâm. Tôi cảm thấy như mình đang ở địa ngục”.

Ba giám đốc điều hành của L Brands cho biết Leslie Wexner đã được cảnh báo vào giữa thập niên 1990 về những nỗ lực tuyển dụng phụ nữ của Jeffrey Epstein nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy vị chủ tịch này phản ứng với khiếu nại.

Sau khi Jeffrey Epstein bị bắt vào mùa hè năm ngoái, L Brands cho biết họ đã thuê công ty luật Davis Polk & Wardwell tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này theo yêu cầu của ban giám đốc. Thế nhưng, trọng tâm của bản đánh giá không rõ ràng. Tháng 8 cùng năm, Jeffrey Epstein tự sát trong tù trong khi chờ xét xử về tội buôn bán tình dục cấp liên bang.

Điều kỳ lạ là các giám đốc điều hành của L Brands cho biết Davis Polk & Wardwell – công ty cũ của vợ ông Leslie Wexner - chưa từng liên lạc với họ.

Sự thật trần trụi đằng sau vẻ hào nhoáng của Victoria’s Secret (Kỳ cuối)

Mai Thảo (theo New York Times)