Quê người trọn kiếp lưu đày
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:25, 11/02/2020
Trong tuyển tập Kẻ ly hương, không giống những tác giả khác, Thi Bui - nhà văn người Mỹ gốc Việt đã chọn vẽ thay vì viết. Ở bức tranh đầu tiên ta có thể thấy chia ra thành hai khung hình, hai thế giới rõ rệt. Phần trên miêu tả một phụ nữ lỉnh kỉnh hành lý, với nào nước hoa, quần áo, thẻ tín dụng và nữ trang... đang trong chuyến du lịch năm 2017.
Phần dưới vẫn cô gái ấy, trong dáng hình một đứa trẻ cùng những anh chị em của mình, với lỉnh kỉnh hành lý, quần áo..., họ là những người tị nạn từ hồi năm 1978. Hai bức tranh miêu tả hai chặng đời của một cô gái, vẫn trong một cuộc lữ hành, vẫn những món hành lý căn bản, nhưng khác biệt như thiên đường và địa ngục.
Ở một bức tranh khác, Thi Bui vẽ một cô gái trơ trọi giữa những mảnh vỡ gia đình, bạn bè, văn hóa, ngôn ngữ... Một sự đổ vỡ mà những người tị nạn chắc chắn phải chấp nhận khi đứng trước chọn lựa ra đi. Họ không chỉ thiếu quê hương, họ còn chấp nhận đánh mất quá khứ, với họ tổ quốc cũ đã thành quá vãng, nhưng đồng thời họ cũng không thuộc về tổ quốc mới, khi mà không phải lúc nào, nơi họ đến, những người bản xứ cũng sẵn sàng chào đón họ.
Nhà văn, nhà thơ Ocean Vuong - Ảnh: TLNG
Bao nhiêu người nhập cư trú ẩn trong những lều trại tạm bợ trĩu nặng tuyết, trong những cánh rừng mùa đông khắc nghiệt nhất của nước Nga. Cùng một dạng mùa đông đã góp phần suy yếu các quân đội thiện chiến của Napoléon, của Hitler.
Bao nhiêu đứa con của miền nhiệt đới đã không chịu nổi những mùa đông dài và khắc nghiệt như thế, bao nhiêu người sau một ngày buôn bán ở chợ, về nhà buông mình xuống giường, đánh một giấc rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Họ là những người du mục mới của thế kỷ 21, lang thang đi tìm miền đất hứa. Vùng đất mà đôi tình nhân của Mohsin Hamid trong Thoát đến phương Tây chỉ ao ước có một cánh cửa thần kỳ để mở ra một lối thoát trốn chạy khỏi cuộc nội chiến, để đi tìm một chốn bình yên.
Nhà văn Viet Thanh Nguyen đã tìm thấy sự đồng cảm của thân phận lưu dân ở tác phẩm này, trong một bài viết trên The New York Time Book Review có đoạn: “Thoát đến phương Tây không mở lối đến một xã hội lý tưởng, mà đến một tương lai gần, đến với những hình thù mờ ảo của những kẻ xa lạ mà chúng ta có thể thấy qua một ô cửa phía xa. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là bước qua ô cửa đó vào gặp họ”.
Nhưng điều gì xảy ra khi những người nhập cư bước qua cánh cửa rồi nhưng vẫn gặp toàn người lạ? Liệu cả đời họ có thoát khỏi mặc cảm lưu vong khi sống trong cái “thiên đường” mà họ đã chọn lựa. Trong tập tiểu luận được viết bởi những nhà văn nhập cư, Kẻ ly hương, ta có thể bắt gặp những khuôn mặt đến từ nhiều nơi trên thế giới, họ đã rời khỏi quê hương mình bởi nhiều lý do, bằng nhiều phương tiện, kể lại đời sống gian truân của mình trong quá trình hòa nhập với miền đất mới.
Nhà văn Thi Bui - Ảnh: TLNG
Những năm gần đây, văn học từ các nước nói tiếng Anh chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt tiểu thuyết của nhà văn gốc Á viết về người nhập cư, một trong số đó phải kể đến những tác phẩm được dịch ra tiếng Việt như: Đừng nói chúng ta không lợi quyền của Madeleine Thien (tên theo âm Hán Việt là Đặng Mẫn Linh, nhà văn người Canada gốc Hoa), Pachinko của Min Jin Lee (nhà văn người Mỹ gốc Hàn) và Thoát đến phương Tây của Mohsin Hamid (nhà văn người Mỹ gốc Pakistan). Văn chương mở ra một lược sử của những người tị nạn trên khắp thế giới, cho những kẻ không tiểu sử, không khuôn mặt có một chân diện.
Cũng trong năm 2019, tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous của Ocean Vuong ra đời, bước vào hàng ngũ những người tị nạn cất lên tiếng nói đại diện cho cộng đồng của mình. Sinh năm 1988, khác với nhiều tác giả gốc Việt, Vuong không mang nặng ký ức chiến tranh, nhưng như một dân nhập cư gốc Việt, có một phần nào đó trong anh gắn với cuộc chiến đó, như thể nó được truyền lại từ người bà, qua một nụ hôn, giống trong bài thơ Hôn kiểu Việt Nam. Một nụ hôn có thể thổi vào những “người rơm” một linh hồn.
“Người rơm”, cái tên mà báo chí Anh dùng để gọi những người nhập cư, những người không danh phận, sinh mệnh như rơm rác, chịu đói, chịu rét và chịu chết. Nó làm ta nhớ đến một câu cổ xưa trong Đạo đức kinh: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu”. Trước cái nghiệt ngã của cuộc đời, con người cũng chỉ như “chó rơm” (sô cẩu). Mấy ngàn năm sau, những sinh mệnh “người rơm” cũng không khác gì hơn.
“Ly hương” là một từ nói giảm đi rất nhiều của “tị nạn” hay “di cư”, có nhiều lý do để một người lìa bỏ tổ quốc, băng mình vào thế giới khác. Cuộc đời trước của họ dù giàu sang hay bần cùng thì trên đất khách họ đều mang chung một thân phận người tị nạn.
Trong cuộc thiên di của những người trong thế kỷ 21, có vinh quang và cay đắng, có thành công và thất bại. Có người nằm lại khi vừa mới đặt chân đến biên giới, có những giấc mơ đổ vỡ trên đất khách, có những người sống quá nửa đời mình ở đó nhưng vẫn không được thừa nhận như một công dân. Nhạc sĩ Lữ Liên trong những ngày ở khung trời viễn xứ đã thả lại lời thơ vào khúc nhạc ngoại để thành hình ca khúc Đôi bờ.
Thoạt nghe, bài hát như lời tự tình của tình yêu nam nữ, nhưng ẩn trong đó còn là thứ tình quê hương, là cảnh chia tay gợi nhắc đến những con thuyền lênh đênh biển khơi của non nửa thế kỷ trước với những câu như “Bóng con thuyền vượt nghìn trùng lệ trào dâng” và lời bộc bạch xé lòng: “Buồn thương thân lang thang quê người trọn kiếp lưu đày”. Đôi bờ, có lẽ là hình ảnh lột tả đủ đầy nhất tâm thế của người nhập cư, giữa họ và quê hương có thể là dòng sông, là biển cả, là sa mạc hoặc giản đơn là những bức tường rào.
Có quá nhiều cuộc đời nhưng quá ít tiếng nói. Dường như có một giao ước ngầm trong cộng đồng những người nhập cư, im lặng, nhẫn nhục mà sống, để tránh càng xa giới công quyền càng tốt, để được an ổn.
Không có những nhà văn, những con người ấy chỉ còn là những ký hiệu, những con số trong các bản báo cáo của cơ quan lưu trú, các đồn biên phòng, các bản báo cáo về một thảm họa nhân đạo. Cái thế giới mà nhà văn dựng lên có lẽ không trùng khít với bất kỳ một hiện thực nào, một tự sự cá nhân nào nhưng từ hư cấu của họ, sự thật quay về. Những sự thật được che giấu hay tự nó phải vùi sâu xuống, và ngòi bút của họ góp phần khơi nó dậy.
Nếu nền điện ảnh ở Hollywood luôn bị than phiền quá ít đất diễn cho những diễn viên châu Á, thì sự bùng nổ của những tác giả như Medeleine Thien, Mohshin Hamid, Min Jin Lee hay Viet Thanh Nguyen giúp những người nhập cư châu Á bớt lạc lõng trong thế giới phương Tây rộng lớn mà trống trải này.
Huỳnh Trọng Khang/Báo Người Đô Thị