Cần Thơ: Khôi phục lễ giỗ Ông Đề
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:31, 04/03/2020
Trưởng thành từ 1 đứa trẻ quê lam lũ bên con rạch mang tên Ông Đề của quê hương Phong Điền, doanh nhân Lê Hải Phúc - chủ nhân làng du lịch sinh thái nổi tiếng Ông Đề, cho biết: “Như 1 đứa con tìm về cội nguồn, ngay từ lúc còn là 1 đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, lòng tôi luôn đau đáu câu hỏi: “Ông bà Đề là ai? Tại sao con rạch luôn ăm ắp nước chở nặng phù sa vun bồi ruộng vườn này lại mang tên Ông Đề?”. Và tôi bắt đầu đi tìm lời đáp cho câu hỏi ấy trong suốt thời gian qua…”.
Lần ngược lịch sử, trong 1 cuốn địa phương chí do người Pháp ấn hành năm 1904, đã thấy xuất hiện cái tên Ông Đề bên cạnh địa danh Phong Điền. Khi ấy Phong Điền chỉ là tên 1 ngôi chợ thuộc làng Nhơn Ái tổng Định Bảo.
Khu du lịch Ông Đề nằm ven con rạch Ông Đề, sẽ là nơi tổ chức lễ giỗ - Ảnh: CTV
Theo các nhà biên khảo cho rằng, Phong Điền ngoài ý nghĩa là một vùng đất trù phú thì còn có một nguyên do khác: trong cuộc hành trình khẩn hoang đất phương Nam những lưu dân xa xứ của 2 dòng họ Lê, Trần từ H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn nơi đây để định cư. Nhớ quê, họ lấy địa danh quê nhà đặt tên cho vùng đất mới. Cái tên con rạch Trường Tiền của Phong Điền ngày nay cũng khởi nguồn từ nguyên do ấy.
Thuở khai hoang lập ấp, trong dòng lưu dân trôi giạt đến từ miền Trung có đôi vợ chồng trẻ Lê Đề siêng năng, giỏi giang. Ở vùng đất mới hoang sơ, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, đêm còn nghe tiếng cọp rống này, con người ngoài sự chịu thương chịu khó còn phải mạnh mẽ mới tồn tại hài hòa được với thiên nhiên.
Ngày họ cày cuốc, khai hoang, đêm về còn phải đốt đuốc trần lưng đắp bờ bao giữ nước. Nhưng đất không phụ công người, cuộc sống của vợ chồng Lê Đề ngày càng khấm khá hơn. Trong nhà lúa đầy bồ, ngoài vườn cây trái lúc lỉu, gà vịt tung tăng… Đất lành chim đậu. Cư dân tứ xứ kéo về nơi đây sinh sống và họ đều nhận được sự trợ giúp chí tình của vợ chồng ông Lê Đề.
Thậm chí vợ chồng ông còn cho họ mượn tiền, vàng… dựng vợ gả chồng, giúp họ ổn định cơ ngơi ban đầu. Bằng uy tín của mình, vợ chồng Lê Đề còn đứng ra bảo lãnh với chính quyền địa phương cho những người không có giấy tờ, thất lạc nhân thân giúp họ yên tâm làm ăn, sinh sống.
Khách chèo xuồng tham quan tại khu du lịch Ông Đề - Ảnh: CTV
Một sáng mùa xuân năm 1896, cả làng quê nằm bên con rạch hiền hòa này ngơ ngác trước tin ông Lê Đề về với tổ tiên. Và chỉ 1 năm sau, người vợ thủy chung cũng theo chân người chồng về bên kia thế giới. Để tỏ lòng tiếc thương, ghi nhớ công ơn bậc tiền hiền, dân làng đặt tên con rạch trước nhà là rạch Ông Đề. Ông mãi hiện hữu trong tâm thức của cư dân nơi đây qua hình ảnh con rạch đưa nước về tưới mát ruộng vườn…
Theo doanh nhân Lê Hải Phúc thì vào ngày 13.3 (tức 20.2 âm lịch) tại làng du lịch Ông Đề (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) sẽ tiến hành lễ khánh thành đền thờ và cúng giỗ cho ông Lê Đề nhằm tri ân công đức người khai sinh cho một vùng đất.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.Cần Thơ, H.Phong Điền là 1 trong 5 địa bàn trọng điểm với vai trò “Du lịch sinh thái miệt vườn, đô thị du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tâm linh; tham quan chợ nổi”, là một phần không thể thiếu trong hệ thống du lịch Ninh Kiều. Việc xây dựng đền tưởng niệm bậc tiền hiền trong làng du lịch này như một thái độ trân trọng quá khứ.
Nhóm PV