Những cuốn sách của Osho giúp bạn lấy lại cân bằng trong cuộc sống giữa mùa dịch COVID-19
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:10, 09/04/2020
Bộ sách này sẽ là niềm hi vọng đem lại sự bình an, an lạc trong tâm hồn và là liều thuốc chữa lành bạn trong những vết thương lòng, là điểm tựa vững vàng để bạn vượt qua mọi rào cản, sóng gió vượt lên chính mình, giúp tìm ra con đường đúng đích mà bạn đi tới.
Sách của Osho được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ và được xuất bản hơn 200 nhà xuất bản trên thế giới. Hàng trăm cuốn sách/ đĩa CD/video được mua và tải về mỗi ngày cho dù đã gần 30 năm trôi qua từ khi ông qua đời. Hàng năm, hàng nghìn người từ hơn 100 quốc gia trên thế giới vẫn tìm tới trung tâm thiền định Osho ở Pune, Ấn Độ để tìm về sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.
1. OSHO - HẠNH PHÚC TẠI TÂM
“Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc không có nghĩa là thành công, cũng không phải sống trong hy vọng, hay cố gắng có được tiền bạc, quyền lợi, danh tiếng. Hạnh phúc là khi ta làm một điều gì đó bằng ý thức, chứ không phải bằng ý chí”.
Đó là những lời diễn thuyết cực ý nghĩa mà tác giả Osho muốn nhắn gửi tới những ai khi cầm trên tay cuốn sách này: Osho - Hạnh phúc tại tâm - quyển sách này sẽ giúp bạn hiểu rằng hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay bên trong con người bạn. Với những lý giải tinh tế của Osho bạn đọc sẽ có những trải nghiệm thật thú vị khi đọc quyển sách này, hệt như bạn đang được nói chuyện với chính mình một cách thông minh nhất.
Trong “Hạnh phúc tại tâm”, Osho đã nêu lên những vấn đề bản chất của thời đại rằng con người đang đeo đuổi những thứ tạm bợ, tràn ngập trong khổ đau vì những quan điểm sai lầm về hạnh phúc. Con người ngày càng đánh mất đi sự vui vẻ của mình, ngày nay nếu một người mà suốt ngày vui vẻ thì ắt hẳn anh ta phải có vấn đề nào đó, còn nếu anh ta đau khổ thì đó là chuyện bình thường, và nhiều người sẽ đồng cảm với anh ta.
Trong cuốn sách, nhiều lúc chỉ có một vài dòng thôi nhưng khiến bạn phải ngừng lại để nghiền ngẫm và rút ra bài học cho mình. Bạn không cần phải hiểu chúng theo logic cặn kẽ, bạn chỉ nên có một cái “cảm”, cùng với đó là sự đối chiếu với cuộc sống của chính mình để nhìn nhận những điều mà Osho đã đề cập đến đúng với cuộc sống của bản thân như thế nào. Bởi vì sách Osho là ẩn chứa sự nghịch lý, sự mâu thuẫn, chúng hỗ trợ lẫn nhau. Nên nếu bạn yêu và hiểu được ông, bạn sẽ có thể tìm trong đó mọi thứ mà mình cần.
Bạn có thể hạnh phúc ngay bây giờ, và đúng hơn là bạn chỉ có thể hạnh phúc ở thời điểm này mà thôi.
2. OSHO - CAN ĐẢM BIẾN THÁCH THỨC THÀNH SỨC MẠNH
“Mỗi khi phải đối mặt với sự không chắc chắn, hay thay đổi trong cuộc sống, đó thực sự là một lý do để bạn vui mừng, thay vì bám víu vào những điều quen thuộc, chúng ta có thể xem những tình huống này là cơ hội khám phá và làm giàu sự hiểu biết về bản thân và thế giới xung quanh”.
Đó là lời khuyên của Osho xuyên suốt cuốn sách dành cho độc giả. Can đảm - Biến thách thức thành sức mạnh bắt đầu bằng một sự khám phá sâu sắc về ý nghĩa của lòng can đảm và cách nó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Không giống như những cuốn sách khác tập trung vào các hành động can đảm anh hùng trong những hoàn cảnh đặc biệt, điều đặc biệt ở cuốn sách này đó là phát triển lòng can đảm bên trong của mỗi người, từ đó có thể thoát ra khỏi sự nhút nhát, lo sợ để biến thách thức thành sức mạnh. Khi đó, chúng ta vững vàng để sống thật với chính mình.
Can đảm - Biến thách thức thành sức mạnh giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về nỗi sợ hãi: nguồn gốc của nỗi sợ và làm thế nào để hiểu chúng và cách tìm thấy can đảm để đối mặt với chúng.
Qua cuốn sách, độc giả sẽ hiểu hơn về sự can đảm là đánh đổi cái đã biết để tìm đến cái hư vô, đánh đổi cái quen thuộc để tìm đến những điều xa lạ, đánh đổi sự tiện nghi ấm cúng để tìm đến cái bất tiện, đánh đổi cuộc hành hương gian nan để tìm đến một nơi vô định. Không ai biết được liệu mình có làm được hay không cho đến khi chính chúng ta phải bước vào những nỗi đau, khi đó chúng ta mới tin rằng không có điều gì là giới hạn trong sự chế ngự của sức mạnh can đảm ở mỗi con người.
3. OSHO - THÂN MẬT
“Thân mật có nghĩa là mọi cánh cửa của trái tim đều mở ra chào đón bạn: bạn được mời vào và được đón tiếp như một vị khách. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu bản năng giới tính của bạn không bị đè nén, lòng bạn không sục sôi những điều trụy lạc, và tâm hồn bạn phải thuần khiết. Tự nhiên như cây cỏ, trong sáng như một đứa trẻ - khi đó bạn sẽ không còn ngại thân mật."
Đó chính là điều mà Osho dạy chúng ta, hãy từ bỏ lớp rào chắn bảo vệ, hãy cởi mở chân thành tuyệt đối, ở đó chúng ta sẽ trao nhau hạnh phúc chân thật.
Trong tác phẩm Thân mật - Cội nguồn của hạnh phúc, Osho chỉ ra mâu thuẫn thường gặp khi đề cập đến những cử chỉ thân mật. Osho cho rằng “thân mật” có thể hiểu là sự cởi mở với nhau, không có sự e ngại hay bất cứ sự che giấu nào giữa hai người. Nhưng thực tế, người ta không chỉ cố che giấu với người khác, mà còn không thành thật với chính bản thân mình.
Có những người sống cả đời vào niềm tin của người khác, tin và phụ thuộc vào những gì người khác nói. Osho phản bác rằng: “Bất kỳ cái tôi nào được tạo ra từ quan điểm, ý kiến của người khác đều phải để lại sau lưng”. Bạn càng phụ thuộc vào người khác, bạn càng e dè với chính bản thân, dần dần bạn sẽ đánh mất cái tôi vốn có. Với Osho, bạn cần yêu thương và chấp nhận bản thân trước khi học cách yêu thương, thân thiết với người khác.
Osho đưa ra bốn cạm bẫy cản trở sự thân mật giữa các mối quan hệ. Theo đó, cạm bẫy đầu tiên là thói quen phản ứng dựa trên những trải nghiệm không vui trong quá khứ; Cái bẫy thứ hai là luôn gắn một mối quan hệ trong trạng thái an toàn nên đánh mất đi sự quyến rũ của mối quan hệ đó; Đấm bóng chính là cạm bẫy tiếp theo: Bạn cứ mãi chạy theo lý tưởng rồi tự dằn vặt, buộc tội mình; Cuối cùng chính là việc đuổi theo những giá trị ảo, chỉ mang tính hình thức khiến bạn đánh mất đi giá trị thật.
Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc sẽ giúp bạn giải quyết bốn cạm bẫy trên bằng bộ công cụ mang đến sự thay đổi trong chính bản thân bạn, cổ vũ con người sống thật với bản thân và yêu thương người khác.
4. OSHO SÁNG TẠO
“Người sáng tạo không thể bước theo lối mòn cũ kỹ. Anh ta phải tự vạch ra hướng đi riêng cho mình, phải tự khám phá những bí ẩn của cuộc đời. Anh ta phải dấn thân, phải vượt ra khỏi tâm trí bầy đàn, a dua, a tòng, thấy đám đông chạy mình cũng chạy, thấy đám đông dừng mình cũng dừng mà không hiểu tại sao. Tâm trí này thiếu sự trải nghiệm và phân tích. Tuy vậy, tính bầy đàn cũng có sức cám dỗ của riêng nó; những ai một mực cho rằng lựa chọn của đám đông là hướng đúng đắn duy nhất thì sẽ được tôn trọng, kính nể.”
Tựa sách mang tên là Sáng tạo nhưng có lẽ đọc cả cuốn sách không phải mục nào thiền sư Osho cũng nói về tính sáng tạo. Thay vào đó, ông dẫn dắt người đọc đi từ những quan sát tinh nhạy về chủ thể bản thân, yếu tố bên ngoài từ đó dẫn người đọc đến với tính sáng tạo tối thượng nhất. Và đúng như vậy, không phải một mớ nguyên tắc được đề xuất cho chúng ta thực hiện theo, không phải mớ lý thuyết ngán ngẩm, Osho đã thực sự để người đọc tự sáng tạo theo cách riêng của mình.
Theo đó, sáng tạo là sự nổi loạn ngoạn mục nhất trong cuộc sống. Để sáng tạo, chúng ta phải thoát khỏi mọi khuôn phép; bằng không, sự sáng tạo chỉ là một bản sao chép không hơn không kém. Chúng ta cũng chỉ có thể sáng tạo khi bạn tồn tại như một cá thể riêng biệt, độc đáo và tách rời khỏi tâm lý đám đông.
Sáng tạo – Bừng cháy sức mạnh bên trong sẽ dẫn dắt độc giả đi vào thế giới của sự sáng tạo từ những bước chuẩn bị ban đầu, đến những trở ngại, khó khăn, những thắc mắc và cuối cùng không gì khác hơn là sự sáng tạo. Ở đó, chúng ta sẽ nhận thấy ý nghĩa cuộc sống là một vũ điệu chứ không phải một tảng đá trước mặt. Nó cũng chính là âm nhạc. Và chúng ta là người tạo ra nó chứ không phải là tìm thấy nó.
5. OSHO ĐẠO
Đạo xem trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám đông. Đạo xem trọng tự do chứ không phải tuân thủ. Đạo không có truyền thống. Đạo là nổi loạn, sự nổi loạn vĩ đại nhất trần đời mà chỉ Osho mới khám phá ra được.
Cuốn sách Đạo – Con đường không lối được ghi lại từ bài nói chuyện của Osho về năm câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn Liệt Tử (hay Liệt Ngự Khấu, một nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên). Trong phần trình bày của mình, tác giả đã thổi vào đó những diễn giải mới mẻ của đương đại. Qua đó, ông muốn người nghe khám phá sự đối lập thực sự giữa lý trí – phi lý trí, giữa tính dương – tính âm, giữa sự tuân thủ luật lệ - sự tự nhiên nhi nhiên.
Đạo – Con đường không lối gồm 5 chương, cùng một phần Hỏi – Đáp. Trong phần Hỏi – Đáp, thông qua việc trả lời những thắc mắc, Osho đã chỉ ra cách áp dụng sự uyên nguyên của triết lý Đạo giáo vào cuộc sống hàng ngày với 5 ý lớn:
- Ai mới là người hạnh phúc? - Lý giải làm sao mà nỗi khổ sở lại được khởi phát từ sự tồn tại của cái tôi, của bản ngã.
- Người biết cách tự an ủi - Chỉ ra một sự thâm sâu hơn trong cách nhìn nhận những niềm hân hoan luôn lồ lộ ra bên ngoài của con người.
- Không hối tiếc - nói về sự khác biệt giữa trí tuệ có được từ sự gom góp từ bên ngoài, đối sánh với cái biết khởi sinh từ bên trong.
- Sống thì không có nghỉ ngơi - một cuộc đối thoại giữa học trò với thầy mình, qua đó sẽ hiển lộ cho chúng ta thấy những giới hạn của mọi ngành triết học lẫn hệ quả bấp bênh khi người ta sống chỉ vì mong cầu một kết quả trong tương lai.
- Tốt nhất là tĩnh lặng, tốt nhất là trống rỗng - luận bàn về hai con đường đến được với thượng đế tối cao. Đó là con đường khẳng định của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo; và con đường phủ định (hay con đường huyền môn) của Phật và Lão Tử
Trí Việt