‘Khách sạn tình yêu’ ở Nhật bị cảnh sát khiển trách do từ chối cặp đôi đồng tính
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:43, 25/05/2020
Ngày 5.5, một đôi đồng tính đã đến hai “khách sạn tình yêu” tại thành phố Amagasaki thuộc tỉnh Hyogo để nghỉ qua đêm nhưng bị từ chối. Hai ngày sau, một trong hai người đã đến sở cảnh sát để trình báo vụ việc.
Ngay sau đó, cảnh sát đến hai khách sạn và nhắc đội ngũ quản lý rằng theo luật hiện hành, họ không được từ chối các cặp đôi đồng tính.
Năm 2018, Bộ Y tế Nhật Bản đã cấm các khách sạn và nhà trọ theo luật kinh doanh khách sạn từ chối khách dựa trên cơ sở xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới. Tuy nhiên, một khách sạn tuyên bố họ đã từ chối cặp đôi này vì một lý do khác chứ không phải vì là người đồng tính.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong ngành khách sạn của thành phố để không làm cho những người thiểu số tình dục cảm thấy khó chịu”, một quan chức thành phố cho biết.
Diễu hành tự hào đồng tính tại Nhật - Ảnh: Instagram
Amagasaki là một trong 51 thành phố ở Nhật Bản cấp giấy chứng nhận hợp tác đặc biệt cho các cặp đồng tính. Mặc dù được xem là tương đương với giấy chứng nhận kết hôn, thế nhưng nó vẫn thiếu rất nhiều quyền lợi quan trọng và các nhà vận động quyền LGBT+ ở Nhật Bản vẫn đang đấu tranh cho hôn nhân bình đẳng.
Ngày 17.4, 96 tổ chức nhân quyền đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Shinzo Abe thông qua luật chống kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới trên toàn quốc.
Khách sạn tình yêu
Emoji "khách sạn tình yêu"
Cái tên “khách sạn tình yêu” được lấy cảm hứng từ một khách sạn có tên tương tự tại Osaka, gần Amagasaki, được xây dựng vào năm 1968. Chúng rất phổ biến ở Nhật Bản và kiếm được 40 tỉ USD mỗi năm - một con số khổng lồ.
Các “khách sạn tình yêu” được thiết kế khá đặc biệt. Chúng có lối vào riêng biệt và một số nơi còn có những lối đi nhỏ giúp khách đến và đi lặng lẽ. Điều này bắt nguồn từ thế kỷ 17 khi Nhật Bản có những quán trà hoặc nhà trọ với lối vào riêng biệt và thậm chí là các đường hầm thoát hiểm.
Ngay cả bên trong, sự thận trọng vẫn được ưu tiên. Khách thường thanh toán bằng máy tự động hoặc trao tiền cho nhân viên ẩn sau tấm màn. Phòng cho thuê theo giờ hoặc qua đêm.
Đa số “khách sạn tình yêu” là giá rẻ. Tuy nhiên, một số khách sạn đã nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất để thu hút đối tượng giàu có hơn. Ví dụ như các tấm ảnh minh họa gợi cảm theo phong cách anime, giường xoay, gương trần, máy karaoke, đèn disco hoặc thiết kế theo phong cách S&M.
Gần đây, mô hình này đã lan sang Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Canada.
Mai Thảo