Hôn nhân đồng tính mang lại 3,8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ sau 5 năm

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:42, 03/06/2020

Hôn nhân đồng giới không chỉ mang ý nghĩa về mặt nhân quyền mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Ảnh: Getty

Ngày 26.6.2015, Toà án tối cao Mỹ tuyên bố việc cấm những người cùng giới kết hôn là vi hiến trong vụ kiện mang tính lịch sử Obergefell - Hodges, trực tiếp hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng trên phạm vi liên bang.

Kể từ đó đến nay, hơn 293.000 cặp đôi đồng tính đã đăng ký trở thành bạn đời hợp pháp. Theo Viện Williams trực thuộc trường luật của Đại học Los Angeles, các đám cưới này đã mang đến 3,8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng đầu tiên, 96.000 cặp đôi đã trao lời thề nguyện bên nhau trọn đời. Và họ đã chi 813 triệu USD cho những buổi lễ tôn vinh việc ấy.

Nếu tính luôn các cặp đôi kết hôn từ trước đó tại từng tiểu bang (2004-2015, bắt đầu từ bang Massachusetts), Mỹ đã ghi nhận 513.000 cặp đôi đồng tính đăng ký kết hôn.

Đặc biệt, 22% gia đình đồng tính hiện nay có con nhỏ, khoảng 112.000 hộ.

Theo các nhà nghiên cứu, chi tiêu cho đám cưới đồng giới đã đóng góp 244 triệu USD tiền thuế cho chính quyền liên bang và địa phương. Ngoài ra, chúng còn cung cấp 45.000 việc làm trong một năm. Việc thúc đẩy kinh tế này diễn ra bất chấp thực tế là các cặp đôi đồng tính chi ít tiền hơn so với những cặp đôi dị tính – 11.000 USD so với 15.000 USD. Con số này được đưa ra từ một cuộc khảo sát thực hiện năm 2016.

Ngoại trừ các chi phí cơ bản cho đám cưới, chi phí các khách mời đến từ những tiểu bang khác cũng là con số không nhỏ. Ước tính, trung bình mỗi đám cưới đồng tính có 16 khách mời ngoài bang tương đương 4.688.000 khách trong 5 năm qua. Số tiền họ bỏ ra là 543,8 triệu USD.

Christy Mallory – tác giả chính của cuộc nghiên cứu, giám đốc phụ trách mảng chính sách tiểu bang và địa phương của viện Williams - cho biết: “Hôn nhân bình đẳng đã thay đổi cuộc sống của các cặp đồng tính và gia đình họ. Nó cũng mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp lẫn chính quyền tiểu bang và địa phương”.

Mai Thảo