Khoả thân trong chiến tranh và hoà bình qua hai bức tranh của Otto van Veen
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:24, 17/06/2020
Vì những lí do nào đó đã khiến danh tính hoạ sĩ lẫn đề tài của chúng thường bị nhầm lẫn, tới thế kỉ 20 hai bức tranh còn được gán cho Peter Candid, một hoạ sĩ tiêu biểu của phong cách Hà Lan - Ý sống vào đầu thế kỉ 17, và rồi lại được gán cho Joseph Heintz. Trong danh mục năm 1991 của Bộ sưu tập tranh thuộc Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna, hai bức này lược liệt kê là tranh Hà Lan cuối thế kỉ 16, bức thứ nhất được đề tên Một cảnh từ lịch sử La Mã, và bức thứ hai: Mẹ và vợ của Coriolanus đang van xin (chàng đừng phá huỷ thành Rome); đó là những nhầm lẫn tiêu biểu. Tuy nhiên hai tác phẩm chưa bao giờ được liệt vào bộ sưu tập thường trực, vì vậy chúng không được triển lãm cho công chúng, và đáng lưu ý là luôn đi thành một cặp và được xếp vào "tranh đề tài lịch sử".
Cho tới năm 2014, Gerlinde Gruber, giám tuyển về Hội hoạ Flemish thời Baroque của Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna là người thực sự có công phát hiện trong kho lưu trữ, xác định được danh tính hoạ sĩ, đề tài và những chi tiết về lai lịch của chúng, và ông đã chính thức trình bày và chứng minh hai bức tranh này đích thực là tác phẩm của hoạ sư Otto van Veen, vốn là người thầy quan trọng đầu tiên của Rubens.
Năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna xuất bản tập san Point of View số 18 chuyên đề để rọi sáng vào hai bức tranh của Otto Van Veen, với sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và chuyên gia phục chế trước khi chúng được đem ra triển lãm thường trực.
Một phần bức tranh Nữ chiến binh Amazon và binh sĩ Scythia (1597 - 1599), sơn dầu trên ván, 135 x 193 cm tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna (Áo)
Hoạ sư Otto van Veen (1556 – 1629) người xứ Flanders vốn là hoạ sĩ và là học giả uyên bác đặc sắc trong thời của ông, và là người thầy quan trọng nhất trong thời kì đầu của Peter Paul Rubens. Vai trò hoạ sĩ theo tư tưởng nhân văn (a pictor doctus) và mẫu mực kinh điển Hy-La của Van Veen đã ảnh hưởng lên Rubens thời trẻ mà chính sau này Rubens cũng gánh vai trò như thầy mình. Giữa năm 1594 cho tới 1598 trong xưởng vẽ của Van Veen ở Antwerp, Rubens tới thụ giáo và đã sống tại nhà của thầy, có khả năng Rubens đã cộng tác vẽ hai tác phẩm này; hoặc ta có thể xem đây cũng là thời điểm để tìm hiểu phong cách hình thể phụ nữ về sau của Rubens.
Cả hai hoạ phẩm sơn dầu vẽ trên ván này của cùng một hoạ sĩ miêu tả những chủ đề lịch sử cổ đại rất khác thường, đặt trọng tâm vào những phụ nữ mạnh mẽ, chủ động tự bộc lộ qua hành vi thân thể (hoặc cả ngôn ngữ) từ đó tác động vào những tình huống nhất định trong lịch sử. Bức thứ nhất, Nữ chiến binh Amazon và binh sĩ Scythia, miêu tả những nữ chiến binh Amazon đang cởi bỏ giáp trụ và quần áo để ‘làm tình thay vì gây chiến’ và để sau đó chung sống hoà bình với phe từng là địch thủ. Còn bức thứ hai, Phụ nữ Ba Tư, miêu tả những phụ nữ cởi quần áo để ngăn những chiến binh của họ đừng bỏ chạy khỏi chiến trường. Tiêu đề cho hai bức tranh được trình bày dưới đây tạm gọi là "khoả thân hoà bình và khoả thân chiến tranh".
Khoả thân hoà bình
Bức tranh Nữ chiến binh Amazon và binh sĩ Scythia ( vẽ khoảng 1597 - 1599), sơn dầu trên ván, 135 x 193 cm tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna (Áo)
Bức tranh miêu tả cảnh tượng phụ nữ Amazon, vốn là những chiến binh kiêu hùng, đang thể hiện một hành vi chấm dứt giao tranh bằng một "hiệp ước hoà bình", tự buông khí giới, cởi hết áo giáp và quần áo trước đoàn quân Scythia đang trong hàng ngũ, tuần tự chờ từng nữ chiến binh trần truồng nhoài tới ôm lấy từng chàng lính trẻ, rồi từng cặp dẫn nhau vào trong rừng. Từ đó bắt đầu một dòng giống mới mà sau này người ta gọi là người Sarmatia, là bộ tộc tự do, nam nữ bình đẳng, hầu như không có sự phân biệt giới tính.
Trong thần thoại Hy Lạp và sử thi Illiad đều cho thấy bộ tộc nữ chiến binh Amazon mà người Hy Lạp vốn xem là kẻ thù chính và luôn sợ hãi quyền lực của những phụ nữ này sẽ lấn át nam giới, vì vậy mỗi anh hùng từ Hercules tới Theseus và Achilles muốn trở nên vô địch phải chứng minh khí phách của mình bằng cách giao chiến với một nữ hoàng chiến binh mạnh mẽ, điển hình như câu chuyện trong cuộc chiến thành Troy giữa Nữ hoàng Penthesilea và Achilles.
Sử gia Herodotus đã thuật lại khá trung thực và ly kỳ trong quyển 4 của bộ Sử kí của ông, mà Otto van Veen đã lấy đó làm đề tài bức tranh:
‘Về nguồn gốc bộ tộc Sarmatia, câu chuyện như sau: khi quân Hy Lạp đánh bại tộc Amazon tại sông Thermodon (thuộc miền bắc Thổ Nhĩ Kì ngày nay), họ giong buồm ra khơi để trở về Hy Lạp mang theo số tù binh đã bắt sống được, chở đầy và giam trong ba con tàu. Ở trên biển, các nữ chiến binh đã vùng dậy, cướp được vũ khí, rối tấn công và giết tất cả lính Hy Lạp và thuỷ thủ đoàn. Nhưng vì vốn là dân cưỡi ngựa nên họ không biết cách lái tàu, bẻ bánh lái, mái chèo hoặc căng buồm ra sao nên đành phó mặc cho sóng và gió, tới khi tàu cập được vách đá bờ hồ Maeotis (tức thuộc Crimea ngày nay) là xứ của người Scythia. Những nữ chiến binh lên bờ, họ bắt đầu hành trình ở vùng đất mới, chẳng bao lâu họ chiếm được bầy ngựa mà họ thấy đầu tiên, rồi rong ruổi, và đột kích những vùng đất ở Scythia.
Người Scythia không hiểu được sự việc, vì họ không nhận ra được ngôn ngữ, y phục và những phụ nữ này thuộc dân tộc nào và từ đâu tới, mới đầu họ tưởng rằng tất cả là đàn ông có cùng độ tuổi; cho tới khi hai bên đụng độ. Sau trận đánh, xem lại xác người lạ họ mới biết được đối thủ của họ đều là phụ nữ. Vì vậy, sau khi bàn tính kĩ, họ tìm cách giải quyết bằng cách không giết những nữ chiến binh như trước nữa mà muốn thu phục, họ bèn phái những chàng trai trẻ nhất đi, với số người tương ứng như họ đoán bằng với con số các nữ chiến binh. Họ chỉ đạo những chàng trẻ này tới cắm trại gần chỗ chiến binh Amazon và làm giống theo hoạt động như bên đối thủ, nếu đám phụ nữ có đuổi thì không đánh trả mà cứ bỏ chạy, cho tới khi không bị rượt nữa thì quay về trại. Đây là kế hoạch của người Scythia, vì họ muốn có những đứa con được sinh ra từ những người phụ nữ mạnh mẽ này. Các chàng trai được gửi đi đã làm theo y như được chỉ dẫn.
Khi phụ nữ Amazon nhận thấy các chàng trai không có ý làm hại, họ đã để cho các chàng trai Scythia được yên ổn; nhưng mỗi ngày hai trại cứ xích lại gần nhau hơn. Giờ đây các chàng trai có đời sống trở nên giống như các nữ chiến binh Amazon, cũng cưỡi ngựa và sử dụng vũ khí, cũng đi săn bắn và cả cướp bóc.
Vào ban trưa, các phụ nữ Amazon sẽ phân tán, chia nhau ra đi lẻ hoặc từng đôi lang thang dạo trong rừng. Người Scythia để ý thấy điều này và cũng làm như vậy. Và khi cô gái Amazon lang thang một mình thì một chàng trai tới nắm lấy, nhưng cô ta không kháng cự mà để anh ta làm theo ý muốn, nhưng bởi vì rào cản ngôn ngữ của hai bên, cho nên cô ta ra dấu bằng tay rằng anh ta sẽ tới cùng chỗ này và mang theo một chàng khác tới, còn cô sẽ mang theo một cô bạn khác. Chàng này đi về và nói lại với đồng bạn, ngày hôm sau anh ta đến với một người bạn, ở đó anh ta gặp lại cô Amazon cùng một cô khác đang chờ họ. Cứ như thế, cho tới khi những chàng trai còn lại biết tới, họ đã giao hoan với những cô gái Amazon còn lại.
Chẳng bao lâu, hai trại đã sáp nhập lại và sống chung, mỗi cặp đã gặp nhau và giao hoan lúc ban đầu nay trở thành vợ chồng. Lúc đó đám đàn ông Scythia không thể học được ngôn ngữ Amazon, nhưng đám phụ nữ thì dần thạo tiếng của phía bên kia. Và rồi khi họ đã hiểu nhau, đám đàn ông nói với đàn bà Amazon, ‘Chúng tôi có cha mẹ và tài sản; vì thế thôi đừng sống như thế này nữa mà hãy trở về bộ tộc chúng tôi và sống chung với họ; các cô vẫn là những người vợ của chúng tôi chứ không có ai khác.’
Thế nhưng, những phụ nữ Amazon trả lời: "Chúng tôi không thể sống với những phụ nữ của các anh; vì chúng tôi và họ không có cùng lối sống. Chúng tôi cưỡi ngựa, bắn cung và phóng lao mà chưa bao giờ học công việc của phụ nữ; còn phụ nữ của các anh không như chúng tôi, họ ở trong lều và làm công việc nội trợ chứ không ra ngoài săn bắn hoặc đi bất cứ nơi nào khác. Vì thế chúng tôi chẳng thể nào hoà hợp được với họ. Nếu các anh muốn giữ chúng tôi làm vợ và muốn sự công bằng thì hãy về gặp cha mẹ và xin họ chia phần tài sản rồi sau đó trở lại đây và chúng ta sẽ rời đi và tự sống theo cách của chúng ta". Những chàng trai đồng ý và làm theo đúng như vậy.
Sau khi đàn ông Scythia đã được chia phần tài sản rồi quay trở lại, những phụ nữ Amazon nói rằng: "Chúng tôi lo ngại và kinh động vì cách mà chúng tôi sống ở vùng đất này sau khi đã tước đoạt các anh khỏi cha mẹ và làm nhiều điều có hại tới vùng đất của các anh. Bởi vì các anh đã đề nghị lấy chúng tôi làm vợ, thì hãy làm việc này cùng chúng tôi: giờ chúng ta hãy rời bỏ xứ sở này mà qua sống ở phía bên kia sông Tainais. Các chàng trai cũng đồng ý, và họ đã băng qua sông Tainais, từ đó đi tiếp ba ngày sang hướng phía đông, và từ hồ Maeotis họ đi tiếp ba ngày tiến lên phía bắc; họ đã tìm thấy vùng thảo nguyên và định cư ở đó. Kể từ đó những phụ nữ của bộ tộc Sarmatia vẫn sống theo lối sống trước đó; họ cưỡi ngựa đi săn cùng với hoặc không có đàn ông; họ tham chiến, và ăn mặc như đàn ông. Ngôn ngữ của Sarmatia là tiếng Scythian nhưng không theo đúng lối cổ, vì người Amazon không bao giờ học nó một cách chính xác. Về hôn nhân, theo phong tục, không có cô gái nào được kết hôn nếu chưa từng giết chết một kẻ thù; cũng vì vậy mà có một số chết già mà chưa kết hôn vì không thể hoàn thành luật lệ này".
Khảo cổ học ngày nay đã tìm ra xung quanh Biển Đen rất nhiều ngôi mộ của những nữ chiến binh Amazon chết trận, gồm những bộ xương bị gãy hoặc đầy vết thương cùng với những vũ khí như cung tên, kiếm, giáo, dao găm, khiên và cả áo giáp. Họ đã sống, chiến đấu, và chết như người đàn ông, nhưng không chỉ thế, những phụ nữ Amazon đã sống tự do, đã yêu trong tự do, và chết trong tự do.
Khoả thân chiến tranh
Bức tranh Phụ nữ Ba-tư (vẽ khoảng 1597 -1599), sơn dầu trên ván gỗ sồi, 135 x 193 cm tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna (Áo)
Ở trung tâm bức tranh, một người lính trên lưng ngựa, thanh kiếm nhuốm máu, vó ngựa đang chồm tới nhưng khựng lại trước một đám phụ nữ đang vén váy lên phô bày chỗ kín. Người đàn bà cao tuổi nhất trong ba người ở đằng trước nắm lấy vạt áo choàng của chàng kị sĩ như buộc anh ta nhìn vào chỗ của bà, chàng kị sĩ đưa cánh tay lên che mặt tránh nhìn vào những bộ phận sinh dục giơ ra phía trước. Ở phía bên phải có một toán phụ nữ trẻ hơn cũng đều tốc váy lên, vì vậy buộc những chiến binh ở phía bên trái đang đào thoát chiến trường và phóng ngựa hướng tới đám phụ nữ đã phải quay đầu ngựa vòng trở lại để chiến đấu. Cảnh tượng miêu tả ở đây, thực sự là một câu chuyện được Plutarch kể lại, trong chương “Gương dũng cảm của phụ nữ’ trong tác phẩm Đạo đức luận (Moralia):
Vào thời điểm vua Cyrus phát động người Ba Tư nổi dậy chống triều đình Medes của vua Astyages nhưng bị thua trận, và trong khi quân Ba Tư tháo chạy muốn trở lại thành đang khi bị kẻ thù truy đuổi rất gấp thì lúc đó đám đàn bà con gái kéo nhau ra ngoài cổng thành chận đường lại, toàn thể họ vén váy lên để lộ chỗ kín và la lên rằng “Sao các anh hèn nhát vội chạy trốn đi đâu vậy? Liệu các anh có núp vào cái chỗ này được không, chỗ mà các anh đã chui ra?”. Những người lính Ba Tư đỏ mặt xấu hổ trước cảnh tượng và những lời lẽ đó, họ tự trách mình, rồi tập hợp binh mã quay trở lại tiếp tục chiến đấu và đã đánh bại kẻ thù. Vì vậy, kể từ đó có luật, hễ khi có vị vua nào cưỡi ngựa vào thành thì mỗi phụ nữ nhận được một đồng tiền vàng. Người ban hành luật này là Cyrus. Nhưng người ta nói vua Ochus là người bần tiện và tham lam trong số các vua, ông không vào trong thành mà chỉ đi lượn bên ngoài để tránh cho tiền phụ nữ. Còn Alexander Đại đế đã vào thành này hai lần, riêng đối với những phụ nữ có con thì cho tiền gấp đôi.
Trong bức Phụ nữ Ba Tư, những phụ nữ dũng cảm không ngại lột quần áo và phô bày chỗ kín ra làm xấu hổ những ‘nam nhi đại trượng phu’ hèn nhát, buộc họ phải quay lại chiến trường. Trong thời của Otto van Veen, phong trào chống cải cách đang lên hết sức mạnh mẽ trên khắp xứ Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, vì vậy sự miêu tả nữ khoả thân là một vấn đề "nhạy cảm". Thế nhưng, hai bức tranh này lại phô bày lộ liễu tới mức khiêu khích đáng ngạc nhiên, mà như ta thấy không có tác phẩm nào của Rubens mà bộ phận sinh dục phụ nữ được phô bày theo cách này. Để hiểu tại sao những tác phẩm này đã tránh được sự kiểm duyệt gắt gao, đó là do người sở hữu chính là Hoàng đế Rudolf 2 ngự trị ở Prague.
Như vậy, cả hai bức tranh đều đã chứng kiến đời sống văn hóa sôi động trong thời của chúng ở Antwerp vào đầu thế kỷ thứ 17. Đây là thời kì hỗn loạn chính trị, nhiều đề tài mới đã nảy sinh từ những xung đột trong cuộc tái thiết và chống cải cách, theo một cách nào đó, chúng là thành quả của những thời điểm biến động này.
Chủ đề của hai bức tranh khoả thân chiến tranh và khoả thân hoà bình xem ra cũng gần với trào lưu nữ quyền thời hiện đại, điển hình là cuộc cách mạng "đối lưu văn hoá" (counterculture) của thập niên 1960 và 70 ở Mỹ, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam tới độ khốc liệt nhất. Cùng với cuộc cách mạng tính dục của phụ nữ hướng tới quyền làm chủ bản thân, một khi y phục của họ được trút bỏ, thân thể được dùng như khí giới chính trị để phản kháng hoặc để xác định tự thân, đặc biệt trong hình thái nghệ thuật thân thể (Body Art).
Giờ đây, hai bức tranh Baroque của Otto van Veen với chủ đề nữ quyền từ thời cổ đại đã được "phục sinh" cùng với tinh thần của chúng, hiện bức tranh đươc trưng bày thường trực tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật ở Vienna.
Hà Vũ Trọng (họa sĩ từ Canada)