Đồng tiền của kẻ sĩ​

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 21/06/2020

Cho đến giờ, thứ các triều đại để lại đầy đặn nhất trong các di chỉ khảo cổ chính là các đồng tiền, trong khi lâu đài cung điện hay văn khố nhiều phần đã ra tro bụi.

Người đàn ông theo mẫu mực truyền thống được mô tả là những người không phải bận tâm đến eo sèo tiền bạc, việc đó đã có bà nội trợ lo. Còn đàn ông buôn bán, tức là thương nhân, thì bị liệt vào hạng cuối của tứ dân. Nhà Nho coi tiền nong là thứ xấu, có thể làm hư chí quân tử, theo họ thì “Tiền tài như phấn thổ/ Nhân nghĩa tựa thiên kim”.

Nhưng mâu thuẫn nằm ở chỗ công việc quốc gia đòi hỏi các bậc chăn dân phải có tài kinh bang tế thế (chữ kinh tế từ đây mà ra), nền văn minh hàng hóa cũng sớm sinh ra các phương thức trao đổi thông qua vật trung gian là đồng tiền. Sự mâu thuẫn giữa tiền bạc và đạo đức tạo ra một tiêu chuẩn kép khá phiền toái cho các vị chính nhân quân tử xưa nay.

Trẻ con đeo kiềng có hình đồng tiền mang bốn chữ “Bản Mệnh Trường Sinh”, thường đeo để lấy khước (khỏe mạnh an lành). Tranh khắc gỗ trong Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger (1909).

Cho đến giờ, thứ các triều đại để lại đầy đặn nhất trong các di chỉ khảo cổ chính là các đồng tiền, trong khi lâu đài cung điện hay văn khố nhiều phần đã ra tro bụi. Hậu sinh căn cứ vào số tiền của những năm tháng xa xưa ông cha họ đã dùng để định giá vật chất, có thể nhận diện mức sống của thời quá khứ: Mẹ em tham thúng xôi rền/Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng...

Cảnh Hưng - niên hiệu gắn với đồng tiền trong bài ca dao trên cũng là niên hiệu dài nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam (1740-1786). Sự tồn tại 47 năm của niên hiệu Cảnh Hưng thuần túy mang ý nghĩa biểu tượng vì quyền lực thực tế trong tay chúa Trịnh, song ít nhiều gây ấn tượng về một sự ổn định, tất nhiên là nhờ cách trị vì rũ áo ngồi yên của vua Lê Hiển Tông: “Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Gần nửa thế kỷ của niên hiệu Cảnh Hưng liệu thực sự bình an hay loạn lạc, để đồng tiền Cảnh Hưng như câu ca dao là thứ giá trị để bà mẹ cao giọng thách cưới? Có một sự bí ẩn nào đó của giai đoạn này khi nền kinh tế Đàng Ngoài thịnh vượng, có đến 80 loại tiền Cảnh Hưng được thống kê. Hai chữ “Cảnh Hưng” vang lên giữa bài ca dao như tiêu chuẩn mức sống giữa một triều đại bị gọi bằng cái tên không vẻ vang gì: “Lê mạt”.

Đàn bà đếm tiền, tranh khắc gỗ trong Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger (1909).

Dĩ nhiên, khi đã gọi là “mạt” thì người ta đã hàm ý so sánh với những thời thịnh trị kiểu Hồng Đức, đỉnh cao chế độ quân chủ Đại Việt. Chính sử dùng cái tên “Trung hưng” ít nhiều gỡ gạc chút hào quang cho triều Lê, song không ai phủ nhận triều đại này chỉ còn hư vị và các sử gia về sau mặc nhiên coi xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII trên đà suy thoái. Tuy nhiên nhìn ở góc độ cởi mở, sự “mạt” của nhà Lê góp phần xô đổ những nguyên tắc thủ cựu. Đây là thời mà các kẻ sĩ được tự do chọn minh chủ, họ thấy cửa thi thố tài năng của mình không còn chật hẹp như trước.

Cuộc phân tranh quyền lực giữa bốn dòng họ Lê Mạc Trịnh Nguyễn đem lại cho họ bài học về chọn vua hay chúa để thờ, chọn Đàng Ngoài hay Đàng Trong miễn được đắc dụng. Thậm chí một người từng làm quan to ở Trịnh phủ có thể cộng tác với triều đại mới đã lật đổ nhà Trịnh, như trường hợp Ngô Thì Nhậm khi đi theo Tây Sơn. Đạo trung quân nhường chỗ cho sự linh hoạt của tư duy “thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”, tương truyền là vế đối của Ngô Thì Nhậm khi bị nhà Nguyễn luận tội sau khi Tây Sơn sụp đổ.

Cũng chính thời Cảnh Hưng, văn học sử ghi nhận sự ra đời của những tác gia văn học làm nên một thời đại có phẩm chất phóng túng khi họ viết ra truyện thơ Nôm về thân phận những kẻ bên lề kiểu cô kỹ nữ Thúy Kiều, kẻ nổi loạn Phạm Thái hay cung nữ oán vua. Sự phóng túng có màu sắc baroque khiến chúng ta đọc thấy ở các tác giả này một phẩm chất nghệ sĩ, khác với kiểu tác giả đạo mạo truyền thống.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, người sinh năm 1765, là một truyện thơ Nôm kể về cuộc mua bán để trả nợ, kéo theo bằng những giao kèo tiền bạc và hệ quả suốt 15 năm lưu lạc của nữ nhân vật chính. Cho dù mượn cốt truyện Trung Quốc, những chỗ nói đến tiền bạc của Truyện Kiều chắc hẳn rất thời sự nước Nam khi ấy như “có ba trăm lạng việc này mới xong” và “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”.

Tiền tài vật chất hình thành hẳn một “hệ sinh thái” trong xã hội Truyện Kiều. Các nhân vật hít thở, tính toán tiền nong một cách sinh động, thậm chí được mô tả trong những câu thần tình như “tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.

Cho dù tiền bạc là nguyên nhân đẩy gia đình Kiều vào vòng ai oán nhưng nhìn chung, các nhân vật sống đúng nghĩa trong một xã hội có thị trường, họ chấp nhận quy luật của đồng tiền. Không khí ấy khác hẳn những bài thơ có giọng đạo lý không mấy thiện cảm với tiền bạc của Nguyễn Trãi thế kỷ XV hay Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVI: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.

Còn giờ đây, thời mà các vị vua như Lê Hiển Tông lấy việc “hưởng cái vui” làm trọng thì các áng văn chương của bề tôi, nói theo ngôn ngữ hành chính thời nay, quả thực cũng dễ dàng tuyên bố “mua vui cũng được một vài trống canh”.

*

Quay trở lại với bài ca dao đã bàn, người mẹ của cô gái tham đồng tiền Cảnh Hưng, tham những thứ vật chất rõ ràng đo đếm được, trong khi cô ước vọng một địa vị tiến thân nhờ con đường khoa cử của vị hôn phu - song mơ hồ:

Chẳng tham ruộng cả ao điền
Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ

Mâu thuẫn trong ước vọng của giới bình dân phản ánh sự xung đột quan niệm giá trị của xã hội, hay chính là sự xung đột giữa danh và lợi. Sự khao khát kiếm một tấm chồng làm nên danh phận còn khiến người phụ nữ coi việc nuôi chồng ăn học để đỗ đạt là bổn phận đương nhiên. Dễ dàng để ta kể ra một câu chuyện cổ tích mà trong đó, cô thôn nữ ngày ngày chăn tằm dệt vải, đợi chờ cái cảnh đức lang quân vinh quy bái tổ, để rồi cô thành phu nhân của ông nghè ông cống. Tiền bạc với họ, tất cả là để dành cho cái ngày mai đó: “Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” (Thời trước - Nguyễn Bính, 1936).

Chẳng những nuôi chồng, họ cũng có khi phải nuôi bạn chồng ăn học như nàng Châu Long, và tất nhiên “năm con với một chồng” như bà Tú Xương nổi tiếng. Trong khi đó, ông Tú Xương nằm trong danh sách dài miên man những người đàn ông có tiếng tăm hay địa vị xã hội trong suốt chiều dài lịch sử trung đại mà ai nấy đều có những vần thơ than nghèo.

Các tác gia từ quan đầu triều Nguyễn Trãi đến đại khoa Nguyễn Khuyến ai nấy đều có những câu thơ tả cảnh nhà đạm bạc như “Cơm rau nước lã miễn tri túc” hoặc “Năm gian nhà cỏ thấp le te”. Nguyễn Công Trứ còn có hẳn bài “Than cảnh nghèo”!

Tiền “Cảnh Hưng thông bảo” và so sánh kích cỡ với tiền thời Nguyễn, bảo tàng Hải Phòng.

Xem ra, để minh định độ bần bạch của các vị túc nho xưa, chúng ta phải len lỏi trong một khu rừng ngôn từ nhiều uyển ngữ, ngẫm ra có phần thuộc về lối từ chương bảy phần thực ba phần hư. Cách diễn đạt này phản ánh một nhân sinh quan pha trộn Nho Lão mà mỗi người đàn ông có học cần khoác lên mình một cái áo vô vi sẵn sàng phòng khi thất chí. Khi mà mối quan hệ sĩ-nông quanh quẩn câu “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” thì cảnh một vị “rắp tâm treo ấn từ quan” sẵn sàng sống cuộc đời “tương cà gia bản” cũng không quá đỗi gây sốc.

Về làng xã, họ mặc nhiên vẫn thuộc về tầng lớp trên, được ngồi ở chiếu trên nơi đình làng. Trong tâm thế xã hội, vật chất là quan trọng (“có thực mới vực được đạo”) song khi phải nói những lời văn vẻ, chữ nghĩa được vận dụng thành phương tiện gột sạch cám dỗ của đồng tiền.

Vậy là có hai thế giới song song được vận hành xoắn quyện với nhau một cách tài tình trong xã hội Việt Nam. Một thế giới thanh bần, tiền bạc đứng ngoài, bên trong ai nấy tiên phong đạo cốt, “người quân tử ăn chẳng cầu no”. Một thế giới rủng rỉnh tiếng kim loại, tràn ngập những câu châm ngôn dạy người ta về sức mạnh của đồng tiền: “Tiền tươi thóc thật”, “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Con người Việt Nam tựa như quả lắc dao động giữa hai thế giới. Người ta vẫn nói, trong mỗi người Việt không chỉ có một ông quan và một thi sĩ, song chính xác hơn thì phải kể thêm một nhà phân tích tài chính thực dụng.

*

Câu chuyện tiếu lâm Việt Nam quen thuộc nhất về mối quan hệ tam đại đồng đường là “tam đại gàn”. Chuyện kể ông nội sai cháu ra chợ mua một đồng mắm và một đồng tương. Đứa cháu vác hai cái bát chạy đi nhưng rồi sực nhớ ra, chạy về hỏi: “Ông ơi đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương?”. Người ông bảo, đồng nào cũng được. Lúc sau đứa bé chạy về, cầm hai cái bát không, hỏi tiếp: “Ông ơi bát nào đựng mắm, bát nào đựng tương ạ?”. Ông tức quá, cầm roi đánh cháu.

Đoạn sau thì nhiều bạn đọc đã biết, người bố về mắng ông nội, “ông đánh con tôi thì tôi đánh con ông” và lấy roi tự đánh mình. Người ông điên tiết không chịu kém miếng, “mày đánh con tao thì tao treo cổ bố mày lên”, rồi đi tìm dây thừng để treo mình lên.

Người Việt đọc câu chuyện này thoạt tiên bật cười vì sự “gàn” từ lý lẽ cứng nhắc của ba thế hệ nam giới, nhưng là những lý lẽ rành mạch không bắt bẻ được. Mâu thuẫn chính là ở chỗ, những lý lẽ về sự chính xác của ba nhân vật bị xem như lạc quẻ với văn hóa sống tùy biến của xã hội. Xã hội đòi hỏi mọi người từ khi là đứa trẻ con ngây thơ đã phải nghiễm nhiên hiểu và vận dụng sự tùy biến trong ứng xử, từ nhà ra chợ.

Nhưng vì sao lại phải là đồng tiền và cái bát? Hình như chính hai món đồ này mới là thứ khiến tiếng cười của người Việt khoái trá hơn. Chúng bắt nguồn từ tính biểu tượng trong trường văn hóa của họ. Đồng tiền là ẩn ức về khả năng trí tuệ cơ bản, là chỉ dấu giáo hóa, là năng lực giao tiếp xã hội của một cá nhân - chưa biết tiêu tiền thì chưa trưởng thành.

Có điều, làm sao để một đứa trẻ biết được hai đồng tiền ông nội đưa cho đều ngang giá trị, hay hai cái bát trong mắt ông nó (và cả xã hội) chẳng khác gì nhau, trừ khi cái lành cái mẻ? Nhỡ đâu người ông thích đựng mắm vào cái bát có cái vết hoa dây chìm? Còn tương thì đựng vào cái bát có màu nhạt hơn? Nhưng các câu chuyện tiếu lâm Việt Nam hiếm khi dành chỗ cho những tư duy vi tế như vậy. Chúng khá thô bạo khi chế giễu không thương tiếc những lối tư duy khác biệt trong hành vi xã hội. Chúng giống như các giám khảo dừng lại trước các vật dụng biểu tượng và không giải thích gì thêm, các thí sinh người đọc vật lộn tìm câu giải đáp.

Mặt trước và mặt sau tờ “giấy bạc Cụ Hồ” 100 đồng.

Tiền là vật dụng mang tính phổ thông nhất của một quốc gia, vì thế sau thời những đồng xu đục lỗ xâu được, tiền giấy có cơ hội ghi dấu ấn thời đại rõ nét hơn. Người ta đã biết thời nhà Hồ có tiền giấy “Thông bảo hội sao”, vẽ rau rong, sóng nước, đám mây, tứ linh, song chết yểu như triều đại vắn số, và ngày nay không ai biết mặt mũi những đồng tiền ấy ra sao.

Phát hành tháng 10.1946, “giấy bạc Cụ Hồ” 100 đồng được nhân dân dùng với tên gọi “tờ Con trâu xanh” đã phổ biến đến độ thành một biểu tượng của nền tài chính nước Việt Nam non trẻ, thay thế những đồng tiền của chính quyền thực dân. Con trâu trong tờ tiền kháng chiến do họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ, có màu xanh lá cây tương phản với những người nông dân đang cày cuốc làm cỏ được in màu nâu xung quanh, tỏ ra là hình tượng nổi bật nhất trên mặt sau tờ tiền khi hợp lực cùng con người trên đồng ruộng.

Năm 1954, viết bài ca Ngày trở về khi trên đường sang Pháp, nhạc sĩ Phạm Duy gợi lại ký ức kháng chiến ấm áp: Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa / Vì thương yêu anh nên ngày trở về / Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ... Trên đồng ruộng đời thực, làm gì có con trâu màu xanh? Chỉ có con trâu trên tờ giấy bạc 100 đồng kháng chiến, thời đại của anh thương binh trở về quê cày bừa. Đồng tiền được ghi nhận sự có ích của nó thông qua một lối diễn đạt cao tay, gợi nhớ những câu đố bình dân xa xưa.

Sau này con trâu cũng tái xuất trên đồng tiền hai miền để rồi giờ chỉ còn là một ký ức được thay thế bằng những hình ảnh cơ giới hóa nông nghiệp. Xét về lịch đại, bao nhiêu người kiến tạo nên nền văn hóa Việt Nam hiện đại đã sống cùng giấy bạc “con trâu xanh” cũng như xưa kia, thế hệ văn chương rực rỡ thời Nguyễn Du đã cùng tiêu những đồng “Cảnh Hưng thông bảo”.

Tiền xu, tiền giấy đã từng xuất hiện rồi cũng có thể biến mất khi bị tiền ảo và thao tác thanh toán điện tử thay thế dần. Gã đàn ông mẫu mực thời nay là có tài khoản chứa số tiền ổn định. Tài khoản ấy luôn đi cùng mã số căn cước công dân. So với nỗi khổ mâu thuẫn tiền bạc và đạo đức của các bậc túc nho xưa, đàn ông bây giờ còn chẳng có lựa chọn nào bởi danh lợi đã thành cặp bài trùng nhét vừa một cái ví.

Nguyễn Trương Quý/ Người Đô Thị