Trọng Bắc, người 'dám' kết nối nhạc Phạm Duy và Ngô Đăng Duy
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 10:45, 05/05/2016
Nhắc đến Trọng Bắc hầu hết khán giả đều biết đến anh là một trong những giọng ca nam ăn khách nhất nhì các tụ điểm phòng trà tại TP.HCM. Không chọn cách đeo đuổi con đường nghệ thuật như những nghệ sĩ trẻ hiện nay khi thuờng xuyên tham gia các chương trình truyền hình để đẩy nhanh tên tuổi, Trọng Bắc lặng lẽ chọn lọc và kết hợp với những nhạc sĩ uy tín như Việt Anh, Minh Hoàng hay Trần Lê Quang, Đức Trí,...
Giọng ca truyền cảm thậm chí có nhận xét còn cho rằng Trọng Bắc có tiếng hát "gợi tình" tới mức có thể làm thổn thức bất cứ trái tim cô gái nào đối diện. Có lẽ cũng chính điều này đã giúp anh dù không đình đám, không ồn ào nhưng lại là nghệ sĩ có mức thu nhập cao từ phòng trà - một thị trường văn nghệ đang bị thoái trào như xu hướng nhạc số hiện nay.
Sau single Kỷ niệm xanh xao (Ngô Đăng Duy), Trọng Bắc chính thức giới thiệu album cùng tên của mình tới khán giả. Đặc biệt, album Kỷ niệm xanh xao cũng chính là album đầu tiên Trọng Bắc kết hợp âm nhạc giữa cố nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Ngô Đăng Duy lại cùng nhau. Album gồm 8 ca khúc, trong đó có 4 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và 4 ca khúc của nhạc sĩ Ngô Đăng Duy thiên về semi-classic (bán cổ điển), với những ca khúc trữ tình, lãng mạn, kể về những kỷ niệm của tình yêu đã qua, sự ray rứt, trăn trở cho những mối tình dang dở.
Tuy nhiên việc khó khăn nhất mà Trọng Bắc phải đối mặt chính là việc làm sao vượt qua được cái bóng quá lớn của những ca sĩ đã thể hiện nhạc Phạm Duy quá thành công. Bên cạnh đó, sự dung hòa giữa nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy và Ngô Đăng Duy như thế nào cũng là một bài toán khó. Bởi nhạc sĩ Phạm Duy, một trong những “đại thụ” trong làng nhạc Việt. Những bản tình ca của ông đã quá nổi tiếng và ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Trong album Kỷ niệm xanh xao, 4 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy do Trọng Bắc chọn trình bày đều là những ca khúc rất nổi bật nhất của ông sáng tác trong giai đoạn từ năm 1948 đến 1957 như: Phố buồn, Ngày đó chúng mình và Còn gì nữa đâu và sáng tác sau này Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà (1981).
Chia sẻ về áp lực khi chọn 2 nhạc sĩ cùng tên nhưng ở hai thế hệ khác nhau để làm album, Trọng Bắc nhấn mạnh: “2 tác giả, ở 2 thế hệ khác nhau, nhưng với tôi lại có sự tương đồng về chất nhạc. Khi nghe xuyên suốt album, khán giả sẽ cảm nhận được sự thống nhất trong cảm xúc."
Trọng Bắc chia sẻ trong 8 bài hát của album, ca khúc Còn gì nữa đâu cho anh nhiều cảm xúc nhất và thu âm nhanh nhất: "Khi thu âm ca khúc này, hình ảnh người cha thân yêu mới đi xa của anh, hình ảnh những bậc đàn chú, đàn anh cũng vừa mới đi xa như cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cố nhạc sĩ Thanh Tùng, ca sĩ Trần Lập cứ gợi mãi trong lòng tôi nhiều kỷ niệm. Tuy lời ca khúc không thật sự liên quan, nhưng giai điệu của ca khúc khiến tôi rất xúc động”.
Nhạc sĩ của Đêm nằm mơ phố, Việt Anh phụ trách chính cho phần biên tập của album chia sẻ: “Khi nghe những ca khúc của nhạc sĩ Ngô Đăng Duy tôi liên tưởng ngay đến nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nhìn thấy được sự tương đồng trong chất nhạc, dù 2 tác giả ở hai thế hệ khác nhau".
Trong thời gian sắp tới, Trọng Bắc tiếp tục có những dự án gửi đến khán giả, trước mắt là mini show được diễn ra vào ngày 6.5.2016 tới tại phòng trà We.
Diệu Linh