'Sài Gòn, anh yêu em': Bộ phim dành cho những ai đã trót yêu Sài Gòn
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 17:28, 06/10/2016
Sài Gòn qua lăng kính của người trẻ
Điều dễ nhận thấy là ê kíp thực hiện phim Sài Gòn, anh yêu em hầu hết đều thuộc thế hệ 8X, từ nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn cho đến dàn diễn viên chính. Chính vì thế, họ đã mô tả Sài Gòn ở góc sáng với những gam màu rực rỡ nhằm vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ. Trong đó, không có những hoài niệm về quá khứ hay sự chênh lệch giàu nghèo mà Sài Gòn trong phim sôi động, hiện đại, tràn đầy tiếng cười và là nơi giao thoa của nhiều thế hệ. Đó là những tiếng rao quen thuộc trên đường phố, các tòa nhà chọc trời, thùng nước đá miễn phí, nhà thờ Đức Bà, những con hẻm nhỏ bình dị trong các xóm lao động cùng những cơn mưa bất chợt.
Từ trước đến nay, nhiều phim đã lấy Sài Gòn làm bối cảnh chính nhưng có rất ít phim thành công trong việc khắc họa nếp sống của thành phố này. Thế nhưng bất kỳ ai từng gắn bó với Sài Gòn cũng sẽ tìm thấy được một phần của mình trong Sài Gòn, anh yêu em.
Tình người ở Sài Gòn
Thuộc thể loại đa tuyến, Sài Gòn, anh yêu em xoay quanh 5 câu chuyện khác nhau về những người dân nơi đây. Họ là bà Sáu và ông Lương - đôi bạn già sống cùng nhau dưới một tổ đình, là Việt Phương và Thiên Kim - đôi tình nhân trẻ thành đạt, là Yên Khuê và James - đôi chồng Tây vợ Việt, là Đức và Khánh - hai chàng gay trẻ vô tình gặp nhau trên phố, là Mỹ Tuyền và Mỹ Mỹ - hai mẹ con sinh sống ở một xóm lao động.
Tuy nhiên, khác với những dự đoán trước đây, NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam cùng kinh nghiệm diễn xuất bao năm của mình đã biến mối quan hệ đào - kép giữa ông Lương và bà Sáu trở thành trung tâm của cả bộ phim. Họ không phải tình nhân mà là đôi tri kỷ cùng chia sẻ niềm đam mê và vượt qua những khó khăn ở tuổi xế chiều. Không cầu kỳ mà chân thật, tấm lòng của họ đối với bộ môn cải lương đã tạo ra nhiều khoảnh khắc lắng đọng đầy cảm xúc trên màn ảnh, lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Tình yêu giữa Thiên Kim và Việt Phương giống như một câu chuyện ngôn tình thời hiện đại với nhiều chi tiết hơi khiên cưỡng. Thế nhưng cả 2 đại diện cho một lớp người trẻ thành đạt đã chọn Sài Gòn là nơi lập nghiệp. Trong khi đó, mối tình đồng tính giữa Đức và Khánh ban đầu được xem là một yếu tố câu khách cho Sài Gòn, anh yêu em nhưng hóa ra không phải như vậy. Đó chỉ đơn thuần là sự cảm nắng nhất thời giữa 2 thiếu niên, thậm chí nhân vật Đức vẫn còn lưu luyến người yêu cũ. Đây là một cách xây dựng hợp lý trong bối cảnh của bộ phim và khá mới đối với dòng phim LGBT Việt.
Hai mẹ con Mỹ Tuyền và Mỹ Mỹ được xem là "cây hài" của bộ phim. Xuất thân từ sân khấu, lỗi diễn xuất của Phi Phụng và Huỳnh Lập không tránh khỏi nét kịch nhưng lại là một sự kết hợp thành công ngoài mong đợi. Nhiều câu thoại của 2 nhân vật này chắc chắn sẽ chạm được đến trái tim của không ít người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới), nhất là những ai đang phải đấu tranh với bản thân liệu có nên công khai với gia đình hay không. Đáng tiếc nhất có lẽ là vợ chồng ca sĩ Đoan Trang. Họ diễn theo bản năng và đôi khi cường điệu hơn mức cần thiết.
Điểm đặc biệt nhất ở Sài Gòn, anh yêu em chính là mối tương quan giữa 5 câu chuyện. Trên thực tế, đó cũng chính là nét đặc trưng của Sài Gòn. Trong nhịp sống hối hả thường nhật, giữa những con người tưởng chừng không liên quan gì đến nhau nhưng sâu xa bên trong đều có mối dây liên kết theo nhiều cách khác nhau.
Sự lựa chọn lý tưởng cho Sài Gòn vào mùa mưa
Mặc dù còn nhiều thiếu sót thế nhưng không thể phủ nhận Sài Gòn, anh yêu em mang đầy đủ yếu tố của một bộ phim ăn khách. Ra mắt vào tháng 10 - khi Sài Gòn đang ở đỉnh điểm của mùa mưa, thông điệp của bộ phim dường như hợp hoàn cảnh hơn bao giờ hết. Đó chính là dù mưa hay nắng, hãy cứ yêu đi vì Sài Gòn luôn cho phép.
Đối với những ai đã trót thương và nặng tình với Sài Gòn thì đây là cơ hội để bạn ra rạp để tìm kiếm một chút gì đó đồng điệu, chút cảm xúc cho những ngày mưa tầm tã như thế này.
Mai Thảo