9 bộ phim Hollywood gây ảnh hưởng 'chết người' trong đời thực
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 09:25, 03/04/2017
Nếu không được nhìn nhận đúng cách, phim ảnh có thể trở thành “cảm hứng” cho các tội ác hay tai nạn thương tâm trong đời thực. 9 tác phẩm điện ảnh dưới đây là những ví dụ đau lòng, điển hình nhất.
1. The Deer Hunter (1978)
Có sự tham gia diễn xuất của 2 ngôi sao gạo cội Robert de Niro và Meryl Streep, The Deer Hunter là tác phẩm điện ảnh đặc biệt xuất sắc về đề tài hậu chiến. Tuy nhiên, ngoài chất lượng nội dung, nhiều người vẫn nhớ đến tác động có phần “rợn người” từ bộ phim.
Ở một cảnh quay ấn tượng, người cựu binh tên Nick chơi trò Russian Roulete (nạp 1 viên đạn duy nhất vào súng, xoay hộp đạn ngẫu hứng rồi tự nhắm bắn vào đầu). Khi The Deer Hunter ra mắt tại Mỹ năm 1978, hành vi “đùa với tử thần” này bắt đầu được vài khán giả liều lĩnh làm theo. Tài tử Christopher Walken, người thủ vai gã Nick điên rồ, đến nay vẫn sống khỏe mạnh, nhưng theo ước tính, hơn 30 nạn nhân của trò “thi gan” chết chóc kia đã phải bỏ mạng thật sự.
2. The Program (1993)
Bộ phim thể thao The Program có cốt truyện khá đơn giản, kể về tình đoàn kết cùng hành trình chinh phục thành công của đội bóng bầu dục trường trung học. Bản thân tác phẩm, thực tế, không hề đáng nhớ bằng thứ “tác hại” khó tin mà nó bất ngờ gây nên. Phim có một trường đoạn bị chỉ trích nặng nề, khi nhân vật Joe Kane (Craig Sheffer thủ vai) chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” bằng cách nằm giữa vạch phân làn đường cao tốc để… đọc tạp chí.
Phía nhà sản xuất từng chọn quảng bá cảnh phim kỳ quặc như chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm. Thế nhưng, mọi thứ sớm vượt ngoài tầm kiểm soát. The Program vừa ra rạp không lâu thì 3 khán giả trẻ quá khích đã gặp tai nạn giao thông kinh hoàng do cố tái hiện hành động ngớ ngẩn của Kane. Sau scandal chết người, Disney - đơn vị phát hành phim, buộc phải lên tiếng xin lỗi và lập tức cắt bỏ phân cảnh này vĩnh viễn.
3. Scream (1996)
Nhiều người xem rất ưa thích yếu tố rùng rợn, kịch tính rất riêng đến từ phim kinh dị Scream. Quả thật, “bom tấn” ăn khách một thời này có thể mang lại trải nghiệm nghe nhìn cực kỳ khó quên. Nhưng thay vì dừng ở việc thưởng thức phim và tìm ra bài học nhân văn cho bản thân, tài xế xe tải người Bỉ Thierry Jaradin lại muốn vào vai chính kẻ thủ ác máu lạnh trong tác phẩm. Bị ám ảnh về truyện phim, Jaradin đã nhẫn tâm sát hại một phụ nữ sống cạnh nhà bằng con dao làm bếp, hệt như gã Ghost Face trên màn ảnh. Không lâu sau đó tại Anh, 2 đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên cũng phải ra hầu tòa khi thử lặp lại một số cảnh giết người man rợ của Scream.
4. The Matrix (1999)
The Matrix có vị thế đặc biệt trong thể loại phim sci-fi hành động. Như cách giới phê bình nhận xét, kịch bản cùng kỹ xảo tác phẩm giúp mở ra “chân trời” mới cho thể loại phim giả tưởng. Dẫu vậy, một số fan hâm mộ không thể nhận ra thế giới kì bí của The Matrix chỉ đơn thuần là giả tưởng. Ít lâu sau thời điểm phim công chiếu, từng có 2 khán giả người Thụy Điển phải ngồi tù với tội danh toan hành hung và giết người. Trong lời khai, họ cho rằng bản thân đã bị “hút vào” thế giới ảo bộ phim mô tả. Vụ án tai tiếng nhất phải kể đến sự kiện nổ súng và giết người hàng loạt của cặp tội phạm nguy hiểm John Allen Muhammad và Lee Boyd Malvo ở Mỹ. Khi bị bắt năm 2002, Malvo nói gã đã từng xem The Matrix “hơn 100 lần”.
5. Pirates of the Caribbean: The Curse of Black Pearl (2003)
Vô số phân đoạn hành động “nghẹt thở,” lôi cuốn của phần đầu series nổi tiếng Pirates of the Caribbean: The Curse of Black Pearl có thể khiến khán giả mọi lứa tuổi thích thú theo dõi. Nhưng nếu có con nhỏ, bạn sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về việc cho trẻ xem qua tác phẩm này.
Năm 2005, một cậu bé 12 tuổi ở Anh phải đánh đổi bằng chính mạng sống khi cố tái diễn màn treo cổ kịch tính John Depp từng thể hiện ở cuối phim. Cảnh quay đặc thù có tiết tấu nhanh, được đầu tư hoành tráng, cốt để “đánh lừa” người xem về độ chân thật. Dẫu chỉ nhắm đến lợi ích giải trí, Pirates of Caribbean vẫn là một đề cử phim khá tệ cho nhiều khán giản nhí vốn luôn tò mò, hiếu động.
6. Wedding Crashers (2005)
Thật khó tin là một tác phẩm điện ảnh hài tiêu biểu của Hollywood lại có thể trở thành nguồn ý tưởng cho hành vi phạm tội. Scandal chết chóc có thật về Wedding Crashers cũng bi hài hệt như kịch bản phim. Olga Louinakova, học viên tại trường thẩm mỹ thuộc bang Connecticut, Mỹ, do bất hòa nên đã bỏ thuốc nhỏ mắt Visine vào nước uống của một bạn học. Hành động này được cho là bắt chước cảnh phim của nam tài tử Owen Wilson trong Wedding Crashers. Louinakova khi ấy không hiểu rằng Visine nguy hiểm ra sao. Cô gái suýt gây ngộ độc, thậm chí đe dọa tính mạnh người khác chỉ bởi trò chơi khăm tai hại “học hỏi” từ một bộ phim hài.
7. Into The Wild (2007)
Bộ phim Into The Wild từng là “hiện tượng” phòng vé năm 2007. Thành công của tác phẩm đến từ kịch bản cảm động, tái hiện quảng đường chinh phục tự nhiên có thật của chàng trai Chris McCandless. Into The Wild cũng làm dấy lên “làn sóng” trải nghiệm thiên nhiên của giới trẻ khắp nơi.
Tuy nhiên, bất kể yêu thích phim ảnh đến đâu, hãy đảm bảo bạn đã trang bị kiến thức đầy đủ trước khi đối diện với môi trường tự nhiên đầy bất trắc. Năm 2013, cậu thanh niên Jonathan Croom người Mỹ, vì quá hâm mộ tác phẩm điện ảnh này, đã tự mình dấn thân vào chuyến khám phá “không có đường về”. Croom, lúc ấy chỉ mới 18 tuổi, được thông báo đã tử nạn giữa rừng sau một thời gian mất tích khá lâu.
8. The Saw (2004-2017)
Nếu là fan của "thương hiệu" phim kinh dị Saw nổi danh toàn cầu, hẳn bạn khó quên được phân cảnh gọi điện thoại hù dọa nạn nhân của nhân vật Jigsaw. Năm 2007, đoạn thoại này vô tình trở thành màn trêu chọc quái ác suýt khiến một phụ nữ trung niên sống tại Nashville, Mỹ, đột tử. Nhóm tội phạm đáng lên án ở đây, bất ngờ thay chỉ là 2 bé gái 13 tuổi muốn bắt chước theo tình tiết trong phim Saw. Cha mẹ những đứa trẻ bấy giờ phải bồi thường hơn 2.000 USD tiền viện phí cho nạn nhân “trò đùa” trên.
9. Project X (2012)
Tác phẩm kinh phí thấp theo phong cách found-footage (sử dụng máy quay cầm tay) tưởng như chỉ là một bộ phim trẻ trung về đề tài tuổi teen, nhưng Project X lại từng vô tình tạo ra nhiều mối nguy hại không ngờ. Bắt chước kịch bản phim, một số thanh thiếu niên tại Mỹ đã tổ chức các bữa tiệc tại gia hoành tráng, sa đọa. Nhưng không như cảnh phim chỉ mang tính chất dàn dựng, việc tụ tập hội nhóm kéo theo hành vi bạo lực, phá hoại tài sản, thậm chí cả tấn công tình dục. Suốt mùa hè năm 2012, cảnh sát cùng các bậc phụ huynh khắp nước Mỹ được một phen kinh sợ khi một loạt vụ tiệc tùng thiếu kiểm soát xảy ra, dính dáng đến hàng trăm thanh thiếu niên.
Như Ý