Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh: Dưới chân tình yêu, vầng trăng tuổi trẻ
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 12:26, 22/05/2017
Có nhiều gương mặt đáng kể thời điểm này như Đức Trí, Việt Anh, Đỗ Bảo, Quốc Bảo… mỗi cá nhân một vẻ đẹp, dư vị khác nhau, nhưng Trần Lê Quỳnh qua âm nhạc của mình có vẻ tách biệt lạ lẫm hẳn một dòng không lẫn vào ai cả.
Bằng khảo sát cá nhân qua nhiều năm tháng đúc kết lại khi viết bài này, thành công của nhạc sĩ, theo tôi, được định vị rõ rệt qua hai dấu ấn: Ca từ và Nhạc cảm. Lời của những bài hát như Cô gái đến từ hôm qua, Chân tình, Tuyết rơi mùa hè, Trăng dưới chân mình, Nếu anh quên tất cả, Mùa hạ cuối cùng, Người đàn ông đang yêu, Trẻ mãi, Nhưng anh yêu em nhiều hơn, Lời nguyện cầu mùa đông, Giấc mơ màu trắng, Khi mẹ khóc, Hai mươi mùa Xuân… tinh tế, thảnh thốt chỉ có trong tâm hồn một nhà thơ. Mỗi lời lấp lánh, gợi mở và ẩn chứa một thi tứ mà chỉ có sự say đắm trải nghiệm đầu đời của một tâm hồn tinh tế, run rẩy mới va động, chạm tới, nắm bắt được. Và âm nhạc tuy đơn giản, chỉ một mô tip cảm xúc tiết tấu slow chậm hay nhanh không quá mạnh mẽ, cao trào nhưng đã đi vào lòng người như những gam màu tươi tắn, hồn nhiên bừng toả hạnh phúc chưa chớm lo toan của tuổi mới lớn.
Khoảng 50 ca khúc đã phổ biến sâu rộng của Trần Lê Quỳnh là âm nhạc của tình yêu và tuổi trẻ.
Chân dung nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh - Ảnh NVCC
Tôi biết đến nghệ thuật của Trần Lê Quỳnh rất đỗi tình cờ. Quỳnh là con nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi mà tôi đã đọc từ ngày còn bé. Từ khi tham gia sáng tác thơ, nhạc, tôi quen biết Trần Hoài Dương và quen luôn Quỳnh.
Đọc văn Trần Hoài Dương và nghe nhạc Trần Lê Quỳnh, người yêu nghệ thuật đã nhận ra một điều rất giống nhau ở độ rung động tinh tế và tầng mức cảm xúc, thấu thị. Tôi rất lạ lùng khi trong bài hát Tuyết rơi mùa hè đã có hình ảnh “Nếu những màu sắc nhạt dần anh sẽ vẽ em theo màu nỗi nhớ”. Làm sao có thể vẽ được màu của nỗi nhớ nếu tách bỏ giấc mơ, sự lãng mạn để vây giữ lô-cốt bê tông sắt đá đời sống mệt nhoài thị phi trần trụi? Ngôn ngữ đã được nhân cách hóa lộng lẫy.
Ở ca khúc Chân tình, một trong những ca khúc hay nhất của Trần Lê Quỳnh, làm nên tên tuổi của một ngôi sao, tài tình anh viết “Tình yêu tìm thấy nguyên vẹn sau đêm bão giông / Giữa hoang tàn lãng quên”. Nghe hiện đại hơn Trịnh Công Sơn rất nhiều chỉ với “giữa đền đài bỏ hoang”. Độc đáo của Quỳnh là tình yêu tha thiết vào cuộc sống! Chưa bao giờ là niềm tuyệt vọng. Trong khi Trịnh với tay nghìn trùng thì ngõ như Quỳnh chỉ chấp nhận thực tế. Những con đường của Trần Lê Quỳnh còn dài với những hứa hẹn.
Tôi có suy nghĩ không hẳn một tác phẩm viết hay chạm đến những vấn đề của cứu cánh, của triết học mới thoát khỏi âm vực lãng quên. Mũi tên đích thực của tình yêu trong nghệ thuật mới giải quyết toàn phần những nan giải. Độ trong trẻo thuần khiết trong ca từ với những tổ chức âm giai bay bổng, lãng mạn tuy có phần đơn giản lại hóa ra nhuần nhụy, hòa quyện rất đẹp. Nước mắt chân tình hóa giải và tái tạo tất cả. Hồi ức nghệ thuật sẽ là băng chuyền đẩy tác phẩm dự phóng lên đỉnh cao sáng tạo.
Nhiều ca sĩ đã hát nhạc Trần Lê Quỳnh như Vân Trường, Đoan Trang, Trần Thu Hà, Thu Phương, Nguyễn Phi Hùng, Hà Anh Tuấn, Phương Linh. Có ca sĩ mê nhạc anh đến nỗi đã thu và cho phát hành nguyên một CD nhạc anh như Đức Tuấn. Nhưng hình như tôi cảm giác anh vẫn chưa tìm được một tiếng hát độc đáo dành cho những ca khúc của mình như trường hợp Thu Phương hát nhạc Việt Anh hay trước đó Lê Uyên hát nhạc Lê Uyên Phương, Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Điều này cũng nói lên tính chất “buông lơi”, dễ chịu của anh khi thuần về sáng tác chứ không liên quan đến biểu diễn. Âm nhạc Trần Lê Quỳnh trước hết là cuộc tìm về với chính mình và cho những hồi ức trắng trong, đẹp đẽ của mình. Những ai khát tiếng gọi của giấc mơ hãy tìm đến như một niềm chia sẻ. Hoàn toàn không có nhu cầu hay mưu cầu lợi lộc, bon chen, tìm kiếm sự nổi tiếng.
Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh và Nguyễn Hữu Hồng Minh
Công bằng mà nói, Quỳnh có một tâm hồn bao dung và trong trẻo đến nỗi tôi chưa bao giờ nghe anh nhận xét hay phê bình, đánh giá một ai đó. Với Quỳnh mọi thứ đều cẩn trọng. Mỗi khi viết được ca khúc mới, tâm đắc, muốn chia sẻ anh vẫn gửi cho tôi nghe bản melody do anh tự viết bản phối và tự biểu diễn bằng piano. Có lần Trần Lê Quỳnh còn nhờ tôi tìm một ca sĩ hát giúp mình sáng tác mới. Đó là bài hát Cho một lần được vui phổ thơ Nguyễn Phong Việt. Tôi đã giới thiệu và nhờ ca sĩ Khánh Loan đi thu cho anh bản này. Đó là những kỷ niệm rất khó quên giữa tình bạn những tâm hồn làm nghệ thuật như cùng tri âm, tri kỷ chia sẻ với nhau. Đám tang đột ngột để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè của nhà văn Trần Hoài Dương (6.5.2011) tại Sài Gòn, chúng tôi đã chia sẻ, ở bên nhau kia Quỳnh vừa từ nước Anh xa xôi nửa vòng trái đất bay về thọ tang cha. Cùng đau xót, tiễn biệt, đưa linh cữu nhà văn đến chốn an nghỉ cuối cùng, thật khó quên.
Một lần tâm sự, Trần Lê Quỳnh bộc lộ tâm tình, đại ý. "Một số bạn nói các bài hát tôi viết thường mang âm hưởng hơi buồn và có gì đó tiếc nuối. Tôi không biết giải thích làm sao, có thể vì tôi trầm tính, nhạc cũng chủ yêu thích những gì êm dịu".
Kết thúc bài viết này về một chân dung âm nhạc, tôi vẫn nghĩ, nghệ thuật thường là định mệnh nhưng đôi khi đó chính là thiêng mệnh. Sự thiêng liêng rất khó giải thích cho đến khi giữa vùng thinh lặng một bài hát cất lên. Ánh sáng đẹp của khát vọng, đổ vỡ, đau đớn và thăng hoa.
Vâng, Trần Lê Quỳnh, với tôi, dưới chân Tình yêu mãi mãi tỏa bóng một Vầng trăng tuổi trẻ !
Nguyễn Hữu Hồng Minh / DDVN