Sax Trần Mạnh Tuấn: Ngột khởi, phiêu lưu cùng jazz Việt (Phần 1)
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 11:27, 14/06/2017
Phần 1
Ít hay chưa có một nghệ sĩ saxophone nào ở Việt Nam chú ý đến thương hiệu của mình như Trần Mạnh Tuấn. Bởi có lẽ họ chỉ là những người thổi kèn nhỏ, lẻ và không bao giờ ý thức mình sẽ là một hạt nhân, một tên tuổi chăng? Trần Mạnh Tuấn có một cái logo TMT khá độc, cách điệu hai chữ T (rần - uấn) nghiêng ngã, nhìn thoáng qua dễ liên tưởng có một người thổi kèn đang bay lên. Còn chữ M (ạnh) như tư thế nghỉ của chàng nghệ sĩ sau cuộc phiêu lưu buông thõng hai tay. Nhìn hàng loạt những Album, CD Lời ru mắt em, Biển khát, Hạ trắng, Về quê (Returning to the Countryside), Bóng thời gian (The Shadow of time), Ru rừng (Jungle lullaby), Như cánh vạc bay (Những tình ca bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Angel Eyes (Những nhạc phẩm jazz kinh điển)… mới thấy sự nổ lực làm việc khủng khiếp của anh là như thế nào. Suy cho cùng, thương hiệu chính là sáng tạo và công việc. Hoàn toàn khác xa với việc tự vinh danh, ăn bóng mình một cách rởm đời hay đánh bóng tên tuổi.
Một chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn và các cộng sự
Và Trần Mạnh Tuấn cũng đã đạt một kỷ lục gây ngạc nhiên cho chính làng băng dĩa. CD Về quê của anh cho đến hôm nay có thể xem là một trong những dĩa bán chạy nhất của một nghệ sĩ biểu diễn chứ không phải ca sĩ như thường thấy. CD đã bán ra hơn 600 ngàn dĩa. Nhưng Tuấn rất khiêm tốn nói với tôi: -”Cái gì cũng có giá của nó Minh ạ! Cái giá tôi phải trả là sau khi tốt nghiệp ngành kèn ở trường đại học danh tiếng Berklee - Boston (Mỹ) về, tôi cùng nhạc sĩ Vũ Quang Trung háo hức làm dĩa Lời ru mắt em gần như lỗ, lọt thỏm, gần như không được chú ý chút nào trên thị trường. Sau cú choáng này câu hỏi của Tuấn là tồn tại hay là chết? Và tồn tại thì sẽ có lộ trình như thế nào? Phải có một sự nghiên cứu thị hiếu người nghe một cách căn bản. Hoàn toàn không thể rủi may, tơ lơ mơ được…”. Và anh mạnh dạn thể nghiệm những “phiêu jazz” trên cảm hứng một số ca khúc cũ, thậm chí là “mốc” theo cách nghĩ của một số kẻ thích thành kiến, chê bai, của nhạc Việt như các bài Chị tôi của Trần Tiến, Về quê - Phó Đức Phương, Trở về dòng sông tuổi thơ - Hoàng Hiệp, Chị tôi - phỏng thơ Đoàn Thị Tảo - của nhạc sĩ Trọng Đài … Việc chọn lựa này làm những cộng sự của anh “nóng mặt”, nói hích anh điên hay hâm mới tuyển jazz khác đời như thế! Nhưng cuối cùng Trần Mạnh Tuấn đã thành công. Đến nay con số bán ra đạt kỷ lục 600 ngàn dĩa vẫn chưa nguôi sóng mà vẫn dâng lên từng đợt mỗi dịp mùa hè, lể tết, người Việt từ Hải ngoại về thăm quê hương. Jazz khó và bất ngờ như thế! Nhưng chứng tỏ Tuấn Sax’n đã tìm thấy, nắm bắt một cái gì đó vô hình nhưng chính là thị hiếu lấp ló, ú tim của rủi may của thị trường nhạc Việt.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn - Ảnh: Nguyên Trương
Còn nhớ cái thời saxophone Trần Mạnh Tuấn vào Sài Gòn và mở Sax Art trên đường Lê Lợi ai cũng nghĩ anh liều mạng. Anh chơi khá thân với họa sĩ Trịnh Cung. Có lẽ cả hai đều là bạn thân của Trịnh Công Sơn. Trần Mạnh Tuấn là người đã đưa một làn gió mới vào nhạc Trịnh với nhiều tiết tấu âm hưởng nhạc jazz. Nó làm những Hạ trắng, Mưa hồng, Diễm xưa… có một độ phiêu nhã. Còn Trịnh Cung vừa thuê được một căn hộ đẹp ngay góc ngã tư phố Nguyễn Huệ để làm xưởng vẽ và gặp gỡ bạn bè. Nhiều lần đến chơi ở đây tôi mới phát hiện đứng ở ban - công nhìn qua thấy hết tiền sảnh căn phòng khá đẹp của gã Chúc Làng Văn. Một tên tuổi làng băng dĩa hải ngoại nổi tiếng một thời. Chúc to lớn kềnh càng. Người đỏ au như tôm hùm do suốt ngày nằm phơi nắng trên bãi biển Sơn Trà vì ông cũng có một trang trại ngoài đó. Rồi thi thoảng bay vào Sài Gòn ngự giữa trung tâm. Thi thoảng chúng tôi tán gẫu với nhau ở cà phê Bố Già trên phố Đồng Khởi rẽ ngang chỉ mấy bước chân. Bây giờ quán cũng đã dẹp. Viết bâng quơ như vậy khi hồi tưởng về ký ức thấy Sài Gòn thực ra cũng nhỏ quá. Chỉ mấy cung đường phố đã gặp nhau được hết “tứ hải giao huynh đệ”. Nghệ sĩ, thi sĩ, họa sĩ đủ cả.
Tôi quen Trần Mạnh Tuấn từ cái xưởng vẽ nhiều tranh của họa sĩ Trịnh Cung, người được mệnh danh là “Papa chịu chơi” ấy. Anh là người ít nói, thường nở nụ cười lặng. Sau này Tuấn kể: -”Tiếc quá, mình lỡ hụt mấy bức tranh của Trịnh Cung. Ông nói với tôi “Tuấn, anh cần 30 ngàn đô”. Tôi nói hiện em chỉ có 10 ngàn em đưa anh sau đó sẽ trả dần nhé! Họa sĩ không chịu sau đó đã bán mất cho một người khác…”. Tiếc! Vâng! Thời gian quả nhiều việc phải tiếc, phải hối. Chúng ta sống hay là trôi cũng là những cách chọn lựa…
Hôm nay, khi tôi viết bài này tất cả hình bóng vụt hiện về trong tiếng kèn saxo tài hoa và huyền ảo của Tuấn Sax.
Trong vị thế nhạc jazz có lẽ cây kèn chiếm chủ lực hơn cả. Vì sao? Bởi như tiếng hát, tiếng kèn đi ra từ trái tim, cuống phổi và vòm họng. Những gì đi lên từ lồng ngực cũng gây một cảm xúc buốt nhói và tâm cảm thể hiện rõ rệt nhất vì truyền tải trực tiếp. Cũng từ ngực mới đo được sự buốt nhói sâu thẳm. Đê mê thao thức sôi máu hay muối mặn thang bậc cảm xúc vị giác tâm hồn.
Trần Mạnh Tuấn tạo được tư thế trong làng jazz không phải anh là chủ Club Sax nổi tiếng biểu diễn hàng đêm trên đường Lê Lợi. Cũng chưa phải anh là một nghệ sĩ biểu diễn kèn mà chính là tình yêu của anh dành cho linh hồn của mình.
Sự đổ vỡ của đời sống mang lại cho tâm hồn nhiều bóng tối. Và jazz chính là cứu cánh nếu muốn quên thực tại. Tôi còn nhớ cái đêm Trần Mạnh Tuấn và Trịnh Cung ăn bận sang trọng đến nhà hàng Lion sau lưng nhà hát Thành phố chúc mừng đám cưới của tôi. Anh Trịnh Cung trước đó mấy này đã loay hoay vẽ bức tranh tặng chúng tôi làm quà cưới. Bức Tĩnh vật ấy cũng được vẽ trên căn gác thuê giữa trung tâm Sài Gòn. Còn đêm đó, Tuấn không thổi kèn mà hát.
Cuộc tình ấy giờ đã tan vỡ cho tôi không ít dư vị thuốc đắng. Nhưng thật kỳ lạ. Tôi nghe và cảm thấy càng thấm sâu, đồng cảm với tiếng kèn ma lực, ma mị của Trần Mạnh Tuấn hơn…
Khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, ngưởi nghệ sĩ chìm đắm trong tiếng kèn sinh tử - Ảnh: Nguyên Trương
Xuất thân trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha, mẹ và chị gái đều là nghệ sĩ hát cải lương. Năm 1979, nghệ sĩ Trần bắt đầu chơi the saxophone, sau đó nhận được học bổng trường đại học âm nhạc Berklee, Boston (Mỹ) và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên tại đây. Tuấn Sax là người biết đứng trên vai những người khổng lồ - Standing on the shoulders of giants. Và anh tự hào về điều đó. Đó là Maestro Allan Zavod, nghệ sĩ Piano, nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc, một tên tuổi lẫy lừng của nhạc jazz, người cũng đã từng hợp tác với những tên tuổi hàng đầu của âm nhạc thế giới. Đó là ban nhạc Kizan All Stars đến từ Nhật Bản, họ là những nghệ sĩ jazz tuyệt vời, có chung một tinh thần âm nhạc đem những tinh hoa của âm nhạc châu Á vào không gian nhạc jazz đó là Yuko Shirota (piano,vocal), Kennji Matsuurac (drum), Tommy-G (Sax)…Hòa hợp trên những trớ trêu nghịch cảnh, hai nền văn hóa Đông - Tây, kết nối di sản truyền thống với hiện đại. Và tạo ra một thứ mà chúng ta gọi là World Music.
Trần Mạnh Tuấn và Nguyễn Hữu Hồng Minh tại phòng làm việc của Nghệ sĩ
Trần Mạnh Tuấn cùng với cây saxo của mình đã phiêu vào thế giới âm nhạc truyền thống ngũ cung phương Đông, thăng bằng và mềm mại, bằng cái bạo liệt của jazz khôn cùng ngẫu hứng. Qua đó làm phơi bày cái phức hợp kỳ diệu của tâm hồn con người, mà dù người nghe là Đông hay Tây, cũng đều cảm nhận được như một tiếng nói chung. Một cuộc hành trình tìm về những tinh hoa của nhạc jazz và diễn tả lại theo cách của riêng mình với những ngẫu hứng dựa trên những ký ức về thưở ban đầu. Như những ước mơ thành hiện thực - dreams - come - true. Anh quy nạp tinh thần jazz vĩ đại, nghệ sĩ phải gắn với tính độc lập, phải có tính độc lập cao” nên rèn luyện các kỹ năng để dễ dàng đứng được trong các ban nhạc quốc tế, đa quốc tịch. Đó là ngoài ánh sáng. Còn bên trong. ít ai biết “phía tối” tim anh. Năm 14 tuổi, vì nhiễm vi rút hiểm, anh bị hỏng một con mắt. Với một cậu bé đam mê biểu diễn, cú sốc ấy rất lớn. Vẫn tiếp tục đam mê. Rồi một lần biểu diễn ở nước ngoài anh phát hiện mình bị hỏng cả hai quả thận. Tuấn rơi xuống đáy vực sâu cho tới khi người anh trai tặng anh một quả thận của mình. Gần đây nhất, anh có chẩn đoán bị ung thư. Rồi cố gắng nghị lực vượt qua. Tiếng kèn vặn xoáy tâm hồn người nghe trổ hoa từ những vết thương không thể lành của một đời sống đầy biến cố cá nhân.
Đó cũng là tình yêu tôi lặng lẽ dành cho tiếng kèn jazz sax Trần Mạnh Tuấn. Tài hoa bay trên vực thẳm số phận hướng về ánh sáng…
(Xem tiếp phần 2)
Sài Gòn, 13.6.2017
Nguyễn Hữu Hồng Minh