Nhạc sĩ La Hối đã chết như thế nào?
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 11:29, 20/12/2017
Những chuyện hư thực khi đi tìm mộ nhạc sĩ La Hối
Trên bàn thờ từ đường của dòng họ La còn ở Hội An, tôi đã nhận ra tấm ảnh nhạc sĩ La Hối khá dung dị. Nhìn ông rất thư sinh như cậu học sinh cấp ba. Mà thực ra, người nhạc sĩ trẻ tài hoa cũng mất khi còn quá trẻ. Chỉ mới 25 tuổi. Có một chi tiết cảm động là người cháu gái của La Hối vừa thắp nhang vừa khóc. Nước mắt lã chã. Chị khấn nhỏ nhưng vẫn nghe được: "Hôm nay có một số người yêu nhạc của ông muốn đến viếng nên con xin đưa họ lên đây. Con cũng chưa bao giờ được vinh hạnh thấy ông. Nhưng sao bài hát của ông thì bao nhiêu người nhớ. Ông về chứng kiến và chúc may mắn cho họ".
Sau khi thành kính viếng nhạc sĩ La Hối, chúng tôi trở xuống. Lúc bấy giờ cũng đã quá giờ trưa, Hội An trước ngày bão rớt nắng gắt, hanh hao rất khó chịu. Tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm của mình. Một lần lên đường là một lần khó. Tôi muốn ra thăm mộ ông.
Bản nhạc Xuân và tuổi trẻ ghi rõ nhạc La Hối, lời Việt Thế Lữ. Bài hát còn có phần tiếng Hoa xuất bản 28.7.1954
Có một điều lạ lùng là khi tôi hỏi người chị, con cụ La Châu Quảng về nơi chôn cất nhạc sĩ La Hối thì chị cũng thú nhận là chỉ biết ở khu vực chùa Chúc Thánh - Hội An. Và chị cũng chưa một lần nào ra nơi ấy (!?). "Em cũng nghe mọi người nói ông chôn gần chùa và cũng chỉ biết vậy thôi. Anh cứ tìm chùa và vào trong hỏi mấy sư, mấy thầy. Thế nào cũng có người biết, chỉ cho anh...".
Chùa Chúc Thánh? Từng đi Hội An rất nhiều lần nhưng tôi nghe tên rất lạ! Có lẽ phải ở ngoài khu vực phố cổ. Tôi cũng dợn lên một vài băn khoăn như tại sao cháu của nhạc sĩ lại chưa ra mộ ông lần nào? Nếu La Hối an nghỉ trong khu nghĩa trang gia tộc họ La thì ít nhất hàng năm cũng vài lần người thân thăm viếng như lễ đạp thanh, tảo mộ? Nhưng suy nghĩ đó đã thoáng qua rất nhanh.
Tôi gọi cho một người chú ở Hội An tên Dũng, vốn là "thổ địa" vùng này, nhờ chở đi tìm chùa Chúc Thánh.
Đúng như tôi nghĩ. Chúng tôi phải quay ra phía đường vành đai mở rộng của Hội An. Sự thay đổi rất nhanh của nhịp sống hôm nay đã hiện đại hoá một đô thị cổ.
Tác giả đi tìm mộ nhạc sĩ La Hối "Xuân và tuổi trẻ" trong chùa Chúc Thánh - Hội An - Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng
Chúng tôi đến chùa Chúc Thánh đúng ngay 12 giờ trưa, giờ hoàng đạo. Giờ đẹp và chùa đẹp. Chùa toạ lạc tại Cẩm Phô. Nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Chùa được Thiền sư Minh Hải khai sơn vào thế kỷ VII. Thiền sư gốc Phước Kiến - Trung Quốc sang Việt Nam thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687). Tôi nghĩ, nếu mộ nhạc sĩ La Hối chôn cất tại đây là hợp lý. Vì ông cũng gốc người Hoa. Qua bao thời gian, chùa Chúc Thánh như còn giữ được nguyên vẹn. Buổi trưa không gian yên lành, nhiều cây xanh, cộng với kiến trúc nhà cố ba gian mát mẻ, tâm hồn lâng lâng như đi lạc vào cảnh thần tiên.
Tuy vậy, thật ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi thăm mộ nhạc sĩ La Hối không ai biết cả. Các chú tiểu càng ngác ngơ. Các thầy cũng không hề biết La Hối là ai? Một thầy nói, chưa nghe cái tên đó ở chùa này bao giờ. Có thể có một người biết là một bõ già làm việc thiện, quét lá trong sân chùa nhưng giờ này ông ấy cũng đã đi có việc. Thật thất vọng!
Tôi nhớ lại lời của người chị con gái cụ La Châu Quảng là ông mất từ lâu, năm 1945. Hơn nửa thế kỷ trước. Như vậy có thể mộ của nhạc sĩ La Hối phải nằm phía trên cùng của nghĩa địa chùa (!?). Đó cũng là cách tự suy đoán của tôi. Vì cứ thứ tự kẻ trước, người sau. Vòng trong, vòng ngoài. Tôi lấy lại chút tự tin để một mình theo hướng dẫn của các chú tiểu thẳng ra phía sau để tìm. Nhưng khi đối diện với một nghĩa địa mêng mông hun hút lấp lóa trong nắng trưa tôi biết là không thể tìm nổi. Thử ngang dọc vài lối tôi đã mất định hướng, không thể phân biệt được ngả nào mình vừa qua nữa. Tôi thất vọng và một mình quay lại. Quyết định bỏ cuộc.
Bản ký âm bài hát "Xuân và tuổi trẻ"
Có một điều tâm linh mà khi viết đến đây tôi cũng muốn ghi lại một cách trung thực, Đó là lúc ấy lòng tôi cũng thoáng khởi lên ý nghĩ tại sao hương hồn nhạc sĩ La Hối không phù hộ cho tôi khi tôi thành tâm muốn đi tìm ông? Và thật lạ lùng điều ấy đã báo ứng. Lúc chú Dũng và tôi quyết định chấm dứt cuộc tìm kiếm ở đây, lên xe để về phố cổ Hội An thì bất ngờ ngoài cửa có một người đàn ông đi vào.
Trên tay còn lủng lẳng nải chuối, hương đèn. Thì ra trong ngày rằm anh ghé chùa thắp hương. Chú Dũng đã rồ máy, tôi cũng lên xe chực đi thì linh tính sao tôi bảo chú ngừng lại, chờ chút! Tôi đi về phía người đàn ông nhỏ thó không ngừng hy vọng là có thể anh sẽ biết giúp tôi tìm mộ nhạc sĩ La Hối. Và một chút may mắn, người đàn ông này biết rất rõ nhạc sĩ La Hối cùng bài hát Xuân và tuổi trẻ. Nhưng hoàn toàn không biết mộ ông chôn trong chùa Chúc Thánh. Thậm chí anh còn rất ngạc nhiên khi tôi quả quyết điều này. Anh nói -"Là người Hội An, tôi rất tự hào về nhạc sĩ La Hối nhưng nói thật tôi không biết thông tin mộ ông chôn ở đâu? Ở trong chùa Chúc Thánh này lại càng không! Bởi vì tôi thường đi chùa này và chưa bao giờ nghe các thầy kể về việc này cả. Chẳng lẽ có một nhạc sĩ nổi tiếng như thế trong chùa mà không ai biết?!".
Đột nhiên tôi nhớ ra một chi tiết quan trọng, tôi nói với anh ta: "À, mà hình như tôi có đọc phong thanh mộ La Hối phải là một ngôi mộ rất lớn. Vì ông bị phát xít Nhật bắn chết và được chôn tập thể hay sao đó? Ở trong chùa Chúc Thánh này có ngôi mộ nào to nhất, ra đó có lẽ là đúng!".
Người đàn ông mắt vụt sáng, bỗng la lên bất ngờ: "Anh vừa nói gì? Mộ nhạc sĩ La Hối chôn tập thể? Ngôi mộ lớn nhất? Đúng rồi! Tôi có biết ngôi mộ ấy. Tuy nhiên nó chỉ nằm gần chùa chứ không ở trong chùa Chúc Thánh. Các anh hãy đi theo tôi...".
Tôi mừng hết lớn. Vậy là sự nỗ lực của mình không uổng. Nếu như chỉ một phút chú Dũng chở tôi phóng xe đi thì có nghĩa tôi chẳng bao giờ biết được mộ của nhạc sĩ La Hối. Mà cũng rất khó có dịp quay trở lại. Điều mà chuyến hành trình trở về Hội An này tôi tâm niệm phải quyết làm được.
Chúng tôi ra khỏi chùa Chúc Thánh và rẽ phải. Băng qua con đường sỏi đá mấp mô khá khó đi chỉ một đoạn ngắn người đàn ông đã ra hiệu dừng lại. Anh chỉ cho tôi thấy một nghĩa trũng xa xa. "Đó, cái tượng đài cao cao chính là dấu hiệu của nghĩa trang chống phát xít Nhật ở Hội An. Đây cũng chính là mộ tập thể chôn mười nghĩa quân có tinh thần yêu nước kháng Nhật. Nếu như anh nói đúng thì nhạc sĩ La Hối là một trong mười người trẻ hy sinh ấy. Anh có thể liên hệ hỏi thêm bà con ở đây để biết thêm. Chúc anh may mắn. Tôi phải quay lại chùa đây...".
Khu mộ chôn tập thể 10 nghĩa quân yêu nước bị phát xít Nhật giết, trong đó có nhạc sĩ La Hối, được quy tập về thành một khu tưởng niệm Chống phát xít ở Hội An - Ảnh: Hồng Sơn)
Thêm một điều ngạc nhiên nữa tôi nhận ra đó là không gian im ắng, tĩnh mịch nơi đây cũng như cỏ dại mọc ngút dày, cỏ gai bám chặt trên quần lữ khách nào hành hương đến đây. Chứng tỏ từ lâu cũng ít người thăm viếng lui tới. Nếu nói cụm tượng đài là tưởng niệm của người Hội An chống phát xít Nhật thì có lẽ đã từ lâu nó đã bị bỏ quên đến hoang phế trong um tùm lau lách và cỏ dại.
Một cánh cửa sắt ọp ẹp xiêu vẹo như sắp sụp xuống, là lối duy nhất để vào bên trong. Tôi quyết định đẩy cánh cửa để vào. Tiếng chó sủa dữ dội. Rồi một con chó dữ lao ra cùng một người đàn bà độ bảy mươi tuổi. Sau khi nói chuyện, biết tôi muốn vào thắp nhang và thăm viếng khu mộ tập thể bà vui vẻ hướng dẫn.
Khu mộ có hai phần. Phần phía trong chia 10 ngăn, mỗi ngăn như tượng trưng cho một nghĩa quân nằm xuống. Mười ngăn chia bằng nhau, vuông vức từ trái qua phải. Và rõ ràng cũng không biết nhạc sĩ La Hối nằm ở ngăn số mấy? Thời gian trôi qua đã lâu. Rong rêu lên xanh mướt. Như vỗ về những huyền thoại.
Phần phía bên ngoài như bức bình phong kiên cố che chắn phía bên trong. Nhiều bậc thang cấp để dẫn lên chính sảnh. Và có một cột đài cao như ký hiệu dễ nhận thấy nơi này. Như vậy chuyến đi của tôi đã thành công như mong đợi của tôi. Tìm dấu vết của nhạc sĩ La Hối tài hoa và ca khúc Xuân và tuổi trẻ.
Trong nhiều tư liệu, đã phác ghi về La Hối, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936–1938 có học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1939, La Hối và các bạn thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique), ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)... đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc.
Năm 1945, La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5.1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát xít Nhật ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi.
La Hội ngoài bài hát Xuân và tuổi trẻ còn để lại những gì?..
Bài cuối: Những trước tác để lại của nhạc sĩ La Hối.
Bài, ảnh: Nguyễn Hữu Hồng Minh
Về Hội An tìm dấu vết nhạc sĩ La Hối Xuân và Tuổi trẻ