Cúm Tây Ban Nha từng ảnh hưởng Hollywood như thế nào?
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 12:59, 02/04/2020
Cuối năm 1918 là khoảng thời gian vui vẻ đối với Hollywood. Chiến tranh thế giới sắp kết thúc và ngành công nghiệp phim câm đang bùng nổ. Phim được phân phối tới 20.000 rạp trên toàn quốc. Theo Weekly Service, nhiều chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh với số vốn đầu tư 250 triệu USD sẽ đứng thứ 5 trong danh sách các ngành công nghiệp lớn nhất của Mỹ vào cuối năm 1918 sau nông nghiệp, than, thép và giao thông. Đáng tiếc, một con virus đến từ châu Âu đã phá hủy dự đoán tươi đẹp ấy.
Giống như Hollywood ngày nay trong bối cảnh COVID-19, các studio và rạp chiếu phim đã buộc phải đóng cửa làm ảnh hưởng đến sinh kế của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân viên. “Kinh đô điện ảnh ảnh đầy u ám và vi rút”, tờ Moving Picture World viết vào tháng 11.1918. “Tất cả những người bạn gặp đều có cách chữa cúm khác nhau. Mặc dù vậy, thường chỉ chia ra thành hai trường hợp: vừa trải qua cúm hoặc đã chết vì nó”.
Các y tá của Hội Chữ thập đỏ đang xử lý một bệnh nhân cúm tại Washington DC vào năm 1918
Trong nhiều tháng, Hollywood vốn tọa lạc ở Los Angeles cho rằng cúm Tây Ban Nha là vấn đề của bờ Đông, không ảnh hưởng đến mình. Khi nó tấn công sang bờ Tây vào tháng 10.1918, Hollywood đã hoàn toàn chới với. Lượng khán giả tới rạp lập tức giảm phân nửa khiến Hiệp hội Công nghiệp Điện ảnh Quốc gia thất thoát hàng triệu USD và các studio phải hoãn ra mắt những phim mới. Mặc dù vậy, hầu hết các chủ rạp chiếu phim đều ứng phó tốt.
Ngày 11.10, tòa thị chính thành phố Los Angeles ra lệnh cho tất cả các rạp chiếu phim, nhà hát và địa điểm vui chơi đóng cửa đến khi có thông báo mới. Tổng cộng, 83 rạp chiếu phim đã phải ngừng hoạt động và đánh mất hàng ngàn lượt khán giả mỗi tuần.
Đại lộ Hoàng hôn vào năm 1918
Bên cạnh đó, các studio còn phải đối mặt với sự nguy hiểm của việc quay phim trong thời gian dịch. Nam diễn viên nổi tiếng Bryant Washburn đã lây nhiễm cho bạn diễn Anna Q. Nilsson khi đang quay phim Venus ở New York. Ngày 16.10, Frank Garbutt - phó giám đốc của Lasky Photoplay Corp - đã thông báo rằng 3 bộ phim đang quay sẽ được rút ngắn thời gian và hầu hết các hãng sản xuất sẽ ngưng hoạt động trong 1 tháng. Những studio khác như Metro, Mack Sennett và Triangle cũng đưa ra động thái tương tự. Các ngôi sao như Constance và Norma Talmadge đã đồng ý tặng cát-xê của họ cho nhân viên để họ có thể làm việc.
Nhà sản xuất phim câm Benjamin Hampton nói rằng “đây là sự khởi đầu của kết thúc" khi Hollywood gần như bị đóng băng. Sao hạng A Harold Lockwood bất ngờ qua đời vì cúm ở tuổi 31 vào ngày 19.10. Phía bên kia bờ, Vera Kholodnaya - nữ minh tinh nổi tiếng của Nga - cũng chịu thua bệnh cúm Tây Ban Nha và làm tan nát trái tim của hàng triệu người hâm mộ châu Âu.
Harold Lockwood và Vera Kholodnaya
Ngay cả khi đại dịch đang hoành hành, một số hãng phim nhỏ nhận ra rằng việc đóng cửa trong 1 tháng là bất khả. Vào giữa tháng 10, Robert Brunton của Brunton Studios đã hợp tác với các hãng phim nhỏ hơn, bao gồm Kitty Gordon và Helen Keller, viết một bức thư cho thượng nghị sĩ bang California H.Z. Ostern yêu cầu sự trợ giúp để ngành công nghiệp điện ảnh có thể tiếp tục.
“Phần lớn các công việc của xưởng phim được thực hiện ngoài trời và ít nguy hiểm hơn so với bất kỳ ngành công nghiệp nào khác”, Robert Brunton viết. Ông tuyên bố rằng nếu nhân viên của mình không được trả lương, họ sẽ không thể theo kịp các khoản thanh toán Trái phiếu Tự do, do đó làm hỏng nỗ lực chống chiến tranh.
Cuối tháng 10, một số phim đã được chiếu trở lại dù cúm vẫn đang tàn phá Los Angeles. Vào ngày 24.10, cảnh sát trưởng đã ban hành các quy tắc cấm đưa những cảnh đám đông vào phim và khán giả tụ tập quanh phim trường sẽ bị phạt.
Đầu tháng 11, nữ diễn viên nổi tiếng Lillian Gish bị cảm cúm khi làm việc tại Sunset Studio. Chị gái của cô, đồng nghiệp Dorothy và Olive Thomas cùng nhà biên kịch Frances Marion đã bị lây bệnh. May mắn thay, Lillian Gish đã chiến thắng và sau đó đùa rằng “điều duy nhất không thể chấp nhận được là nó khiến tôi mặc áo ngủ flannel xấu xí, phải mặc chúng suốt mùa đông là một điều tồi tệ”.
Walt Disney khi ấy là một chàng trai trẻ tuổi cũng mắc bệnh và qua khỏi.
Một cảnh trong phim câm Daddy-Long-Legs (1919) khi một phụ nữ ho và những người xung quanh liền lo sợ
Có rất nhiều phương thức chữa cúm nực cười được áp dụng vào lúc đó. Richard Koszarski - tác giả của cuốn sách Flu Season: Moving Picture World Reports on Pandemic Influenza, 1918-1919 - cho biết các nhân viên an ninh của rạp chiếu phim đã xịt thuốc cho mọi khán giả bằng chất khử trùng trong khi một số người tin rằng "ăn bánh men mỗi ngày sẽ tránh được bệnh cúm".
Chưa hết, một y tá tại Robert Brunton Studios rắc bột lên người bệnh nhân, còn nhà sản xuất Thomas Ince thì đưa cho tất cả nhân viên của mình những chiếc khẩu trang vì tin rằng cúm Tây Ban Nha có liên hệ mật thiệt với việc hút thuốc. "Mack Sennett - người được mệnh danh ‘Ông vua hài kịch’ đã trang bị cho nhân viên của mình các túi nhỏ long não và những thứ có mùi thơm khác. Chúng được đeo quanh cổ ở phía nam xương đòn để tránh bệnh”, tờ Motion Picture World viết.
Ngày 2.12, tờ Los Angeles Times đưa tin các rạp chiếu phim tại Los Angeles đã hoạt động trở lại sau 7 tuần đóng cửa và họ tuyên bố hao hụt 1 triệu USD mỗi tuần (tương đương 17,1 triệu USD ngày nay). “Mùa không vui đã qua. Và các cư dân của L.A có thể yên tâm rằng các rạp chiếu phim đã chuẩn bị rất tích cực để chào đón chúng ta. Các nhà quản lý đã chọn những bộ phim sống động nhất, đẹp nhất và sáng nhất nhằm giúp chúng ta thư giãn!”, bài báo viết.
Đến đầu mùa xuân năm 1919, đại dịch đã chậm lại. Chẳng mấy chốc, các studio đã hoạt động hết công suất, và những mất mát tạm thời vì bệnh cúm đã được giảm bớt bởi cơn sốt giải trí điên rồ và cơn sốt tiền của những năm 1920. Cứ như thế, đại dịch cúm Tây Ban Nha nhanh chóng trở thành một chú thích đáng buồn trong lịch sử điện ảnh và mọi thứ lại tiếp tục.
Mai Thảo