Cầu thủ Việt Nam có bị giảm lương mùa dịch?
Thể thao - Ngày đăng : 11:33, 29/03/2020
Thường thu nhập của các đội bóng có từ các nguồn tài trợ, quảng cáo, bản quyền, bán vé... Tuy nhiên, việc mọi hoạt động đều phải tạm ngưng vì dịch thì tất cả các nguồn thu này đều mất hết. Đến lúc này, các đội bóng sẽ đối mặt với vấn đề kinh phí mà nhiều nhất vẫn là chuyện lương của các cầu thủ .
Ở tại các giải bóng đá Đức, Anh hay mới đây là Ý, nhiều đội bóng đã thương lượng với các cầu thủ để giảm lương nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính. Trong đó, điển hình là đội Bayern Munich và Borrusia Dortmund giảm 20% lương để giúp CLB giải quyết khó khăn tài chính. Ở giải Tây Ban Nha, Messi và một vài đồng đội ở Barca cũng đồng ý giảm lương. Ở Ý thì Ronaldo và các đồng đội đã đồng ý giảm lương khủng nhằm giúp Juventus vượt qua khó khăn. Riêng CR7 giảm gần 4 triệu euro...
Khi nhiều đội bóng trên thế giới đã chủ động thương lượng với các cầu thủ để giảm lương thì tại Việt Nam, các đội bóng cũng có nghĩ đến nhưng chưa hành động. Bởi thực tế thì lương của các cầu thủ Việt Nam không phải là quá cao. Thu nhập của các cầu thủ một phần dựa vào lương và một phần dựa vào thưởng từng trận. Cho nên hiện nay, nếu không thi đấu thì các cầu thủ mất đi phần thưởng nhưng phần lương được giữ nguyên.
Ngoài ra, việc VPF vẫn đang tính đến phương án V.League 2020 sẽ trở lại trong thời gian ngắn tới (15.4) nên việc giảm lương hiện tại theo các đội bóng là chưa cần thiết. Hiện tại, phần lớn các đội bóng cho các cầu thủ xả trại về nhà tập luyện để hạn chế tập trung đông người cũng là giảm một phần chi phí mỗi ngày.
Thế nhưng, theo nhiều lãnh đạo các đội bóng, nếu như V.League còn hoãn dài lâu hoặc bị huỷ vì lý do bất khả kháng thì lúc đó, chắc chắn họ sẽ thương lượng cùng các cầu thủ về việc giảm lương. Ngoài ra, các nhà quản lý đều cho biết, việc giảm lương cầu thủ cần có sự đồng lòng và chung tay của nhiều đội bóng.
Ông Nguyễn Văn Sỹ GĐKT đội Nam Định cho biết: "Nếu tình hình nghỉ thi đấu mà kéo dài thì chắc ban lãnh đạo cũng phải ngồi lại với cầu thủ, trao đổi và chia sẻ với nhau. Hiện tại chưa có vấn đề gì".
Tổng giám đốc CTCP bóng đá SLNA - ông Nguyễn Hồng Thanh cũng chung nhận định: "Kêu gọi cầu thủ thông cảm và chia sẻ cùng đội thì cũng cần phải có một phương án được áp dụng cho cả giải đấu. Vì vấn đề này còn liên quan đến pháp lý, quy định hợp đồng".
Đại diện lãnh đạo CLB TP.HCM chia sẻ: "Do đang chờ tình hình diễn biến của dịch bệnh nên CLB chưa tính đến chuyện cắt giảm quỹ lương. Trước mắt, chúng tôi chấp nhận thiệt hại thôi nhưng nếu giải hoãn lâu dài hoặc có những diễn biến khác thì chúng tôi sẽ tính lại".
Chủ tịch CLB Hà Nội, Đỗ Vinh Quang cũng khẳng định chuyện cắt giảm lương sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh: "Nếu hoãn 1-2 tháng thôi thì không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng nếu kéo dài 5-6 tháng, ban lãnh đạo CLB sẽ cân nhắc lại và cùng hội ý với các cầu thủ để đưa ra một quyết định hợp lý nhất".
Hiện V.League 2020 đã tạm hoãn sau 2 vòng đấu. Vừa qua, VPF đã thông báo giải hoãn đến 15.4 và đưa ra phương án đá tập trung, không có khán giả. Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối của nhiều CLB. Chính vì thế, VPF đã quyết định tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 14 CLB vào ngày 31.3 tới đề tìm ra phương án tối ưu nhất cho mùa giải năm nay.
Khánh Anh (Tổng hợp)