Đà Lạt đã từng là thành phố rừng kiểu mẫu
Du lịch - Ngày đăng : 13:46, 28/03/2019
Lời tác giả: Sau bài "Lạc lối giữa Thành phố rừng Tharandt ở Đức" viết về Forststadt Tharandt (Thành phố rừng Tharandt) thuộc miền Đông nước Đức là điểm đến yêu thích của những người yêu thiên nhiên. Hơn 200 năm qua, khu rừng nguyên sinh này vẫn được bảo tồn dường như nguyên vẹn. Ngày càng có nhiều du khách Việt thăm viếng Tharandt, nhưng có thể có những điều bạn chưa biết: Cách đây hơn 40 năm, Forststadt Tharandt đã từng giúp tỉnh Lâm Đồng xây dựng Đà Lạt thành Thành phố rừng kiểu mẫu...
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 một Đoàn chuyên gia Đức đến từ Forstadt Tharandt đã cùng các nhà khoa học Việt Nam giúp tỉnh Lâm Đồng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thu hái - nhân giống các loài thông và xây dựng một vườn ươm quy mô lớn sản xuất 12 triệu cây con / năm ở Đan Kia - Suối Vàng, để trồng mỗi năm 3.500 ha rừng, tạo tiền đề cho một Dự án trồng rừng của CHDC Đức giúp nước ta sau chiến tranh.
Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực ấy, sau đó Tổ chức nông lương (FAO), Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) đã có những dự án viện trợ cho phục hồi và phát triển rừng ở Việt Nam.
Đầu năm 1977, CHDC Đức đã cử Đoàn chuyên gia Lâm nghiệp từ Forststadt Tharandt sang giúp tỉnh Lâm Đồng theo một Dự án quy mô lớn, xây dựng Lâm trường Đà Lạt thành một lâm trường kiểu mẫu: Khoa học kỹ thuật - Tổ chức quản lý - Kinh tế xã hội nghề rừng phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu lâm sinh ở Đà Lạt cùng GS.TS. Kohl Stock đã hoàn thành 3 đề tài khoa học: Tái sinh tự nhiên thông ba lá, Trồng rừng các loài thông ở Lâm Đồng và Bảo tồn nguồn gene thông đặc hữu của Đà Lạt (thông hai lá dẹt Ducampopinus krempfii A.Chev. và thông Đà Lạt Pinus dalatensis Ferre).
Công tác phát triển các loài cây dược liệu cũng được các chuyên gia Đức quan tâm. Đặc biệt Dự án đã hỗ trợ Đề tài nghiên cứu phát triển cây canh-ki-na ở Lâm Đồng những lô hạt giống canh-ki-na có phẩm cấp tốt được mua của Ấn Độ và Sri Lanka, góp phần tích cực phục hồi loài cây này ở Nam Tây Nguyên…
Đoàn chuyên gia Đức cũng đã đưa vào sản xuất phương pháp trích nhựa thông mới, làm tăng sản lượng nhựa lên gấp đôi, đồng thời xây dựng cho tỉnh một nhà máy chế biến nhựa thông hiện đại nhất. Nhiều mô hình trồng rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn đã được hoàn thiện trong thời gian này... Tính đến khi bàn giao kết quả Dự án 1985, rừng Lâm Đồng còn 650 nghìn ha, chiếm 64% diện tích toàn tỉnh, có độ che phủ cao nhất nước. Rừng Lâm Đồng đã phát huy cao độ các tác dụng Cung cấp - Phòng hộ - Cảnh quan - Môi trường. Cùng với quá trình kế thừa đi sản của thế kỷ trước Đà Lạt đã thực sự trở thành một Forststadt điển hình ở vùng núi cao châu Á nhiệt đới.
Cuối năm 1985, Hội nghị tổng kết và bàn giao kết quả Dự án Lâm nghiệp Đà Lạt đã được Bộ Lâm nghiệp và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trọng thể tại Thành phố rừng Đà Lạt.
Sau ngày nước Đức thống nhất, Forststadt Tharandt đã được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là Thành phố rừng kiểu mẫu của các quốc gia trong khối EU. Thủ tướng Helmut Kohl khi sang thăm nước ta đã tuyên bố: những Dự án của CHDC Đức giúp Việt Nam trước đây thuộc các lĩnh vực Y tế, Văn hoá, Giáo dục, Lâm nghiệp và Môi trường vẫn được Chính phủ CHLB Đức kế thừa và ưu tiên tài trợ.
Nhưng thật đáng tiếc, ngành Lâm nghiệp đã và đang tuột dốc không phanh kéo theo Đà Lạt từ Thành phố rừng kiểu mẫu xuống Thành phố... mất rừng tệ hại nhất!
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Bích