Hướng dẫn viên 'chui', xuyên tạc lịch sử Việt: Nguy hại khôn lường!
Du lịch - Ngày đăng : 14:30, 01/04/2019
Liên tiếp các vụ hướng dẫn viên chui, xuyên tạc lịch sử gây bức xúc
Thời gian vừa qua liên tiếp những vụ hướng dẫn viên (HDV) người nước ngoài hoạt động “chui” tại Việt Nam gây bức xúc dư luận.
Năm 2018, cộng đồng từng “dậy sóng” trước video ghi cảnh một hướng dẫn viên người Trung Quốc, giới thiệu áo dài truyền thống của Việt Nam chính là sườn xám và Việt Nam trước đây thuộc về Trung Quốc khi dẫn đoàn tham quan tại bảo tàng Đà Nẵng.
Không chỉ có hướng dẫn viên người Trung Quốc, tại TP. Hồ Chí Minh, gần đây nhất dư luận từng bức xúc khi hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động chui, không đeo thẻ hướng dẫn giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: Nga, Pháp, Hàn Quốc, Campuchia… tại các điểm tham quan của thành phố.
Thực tế, việc hướng dẫn viên người nước ngoài núp bóng dưới dạng khách du lịch, trà trộn hành nghề hướng dẫn viên trái phép ở Việt Nam không phải là mới. Tại nhiều địa phương tập trung đông khách du lịch như: Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh… tình trạng này diễn ra khá phổ biến và gây nhức nhối dư luận.
Trong năm 2018, Sở du lịch Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 53 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch với tổng số tiền phạt gần 400 triều đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như hướng dẫn viên thuyết minh về du lịch trái pháp luật, dùng thẻ hướng dẫn du lịch giả và không mang thẻ hướng dẫn viên trong khi hành nghề...
Tương tự, các tỉnh Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh… cũng từng xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm tương tự. Trong đó, chủ yếu là HDV người Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cần trục xuất, cấm nhập cảnh đối với các HDV nước ngoài vi phạm
Chia sẻ với Pv Dân trí, anh Q.V (một hướng dẫn viên tiếng Trung) tại Nha Trang (Khánh Hòa) bức xúc cho biết, hiện tượng hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động chui tại đây khá “nóng”. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn thu của cộng đồng HDV Việt mà còn hết sức nguy hại, khi các hướng dẫn viên người nước ngoài có thể tung tin, xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam.
“Tôi từng nghe một hướng dẫn viên người Trung Quốc ngang nhiên bịa đặt, giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Tôi phản ứng thì lập tức họ bỏ đi, cuốn cờ và im lặng không giới thiệu nữa”, anh Q.V nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Hệ (Phó trưởng chi hội HDV Quảng Ninh) cũng cho hay, tại Quảng Ninh tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động “chui” vẫn xuất hiện tại nhiều điểm tham quan, du lịch. Trong đó, chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các hướng dẫn viên này đi theo dạng khách du lịch, họ được sự “bảo kê” của các đơn vị lữ hành nên ngang nhiên lộng hành hoạt động không phép tại Việt Nam.
“Hiện nay, có rất nhiều đoàn du khách đi theo tour giá rẻ, để bù lỗ các đơn vị lữ hành yêu cầu các HDV phải sử dụng chiêu trò để chèo kéo, thuyết phục khách mua sắm tại các điểm chỉ định. Nhiều HDV Việt Nam không đồng ý nên họ sử dụng luôn các HDV bản địa”, anh Hệ cho hay.
Thậm chí để qua mặt các cơ quan chức năng, nhiều đơn vị lữ hành vẫn bỏ tiền thuê các HDV người Việt để lấy lệ nhưng khi dẫn đoàn lại chỉ định HDV người nước ngoài. “Cộng đồng HDV Việt Nam rất bức xúc và nhiều lần lên tiếng nhưng không được trả lời thỏa đáng. Vì lợi nhuận, nhiều công ty lữ hành đã chọn giải pháp im lặng, đồng lõa để tiếp tay cho hiện tượng này”, anh Hệ bức xúc.
Đại diện một đơn vị du lịch tại Hà Nội thừa nhận, tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài chui tại Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, cả nước có hơn 14.800 HDV quốc tế và hơn 8.600 HDV trong nước, tập trung chủ yếu ở các điểm du lịch lớn và đa phần là HDV tiếng Anh.
Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế năm 2018) thì mỗi HDV quốc tế phải phục vụ khoảng 1.000 du khách mỗi năm. Con số này cao gấp nhiều lần mức bình quân của các nước trên thế giới.
Không chỉ thiếu hụt về số lượng, đội ngũ HDV Việt Nam hiện nay còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu, nhiều thị trường như: Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga… thường xuyên không đủ số lượng HDV để đáp ứng.
“Sự thiếu hụt và mất cân đối giữa lực lượng HDV trong nước khiến nhiều đơn vị lữ hành buộc phải sử dụng các HDV bản địa dù biết là không được phép”, người này cho hay.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA) cho biết tất cả các hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều không được phép. Theo quy định của pháp luật, hướng dẫn viên ở Việt Nam phải mang quốc tịch Việt và phải có thẻ hành nghề.
Tuy nhiên, thực tế trong một vài năm qua nhiều địa phương tình trạng HDV nước ngoài, hoạt động chui, không phép vẫn diễn ra. Nguyên nhân, theo ông Dũng là có sự “bảo kê”, câu kết của các công ty lữ hành.
“Điều này hoàn toàn trái pháp luật và cộng đồng hướng dẫn viên chân chính ở Việt Nam đều rất bức xúc. Theo tôi để giải quyết triệt để vấn đề này thì lực lượng chức năng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đặc biệt biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp hướng dẫn viên vi phạm. Chúng ta phải lập tức trục xuất thậm chí là cấm nhập cảnh trong thời hạn nhất định để đủ sức răn đe, tránh tái diễn”, ông Dũng nói.
Tại nhiều nước trên thế giới đơn cử như Thái Lan, để chấn chỉnh hoạt động của HDV chui, họ yêu cầu tất cả các hãng lữ hành du lịch phải lắp camera trên xe để truyền hình ảnh về trung tâm xử lý. Chỉ cần thuyết minh sai sự thật, hoặc vi phạm các quy định du lịch… lập tức sẽ bị xử lýngay. Hay tại Indonesia, đất nước này cũng buộc tước giấy phép hoạt động đối với các đơn vị lữ hành có hành vi cấu kết, bắt tay để HDV người Trung Quốc hoạt động trái pháp luật tại đây.
Hướng dẫn viên được xem là “đại sứ” du lịch của một quốc gia. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành nghành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu nay, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách thì việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên cũng như quản lý, chấn chỉnh các hoạt động du lịch trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch cũng cần phải được thực hiện nghiêm minh và quyết liệt.
Theo quy định của Luật Du lịch 2017, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó hướng dẫn viên phải “có quốc tịch Việt Nam”, “thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Như vậy, theo luật thì người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
Theo Hà Trang – Dân Trí