Tháng 4, Siem Reap rợp trời sao may mắn
Du lịch - Ngày đăng : 14:00, 18/04/2019
Đèn ông sao, cứ tưởng chỉ có ở Việt Nam vào dịp Tết Trung thu hoặc lễ Giáng sinh. Tết Trung thu, lũ trẻ rước đèn đủ loại, mà nhiều nhất là đèn ông sao. Bây giờ, đèn ông sao ở các thành phố không “địch” nổi đèn điện tử, đèn nhựa. Chỉ còn dịp Noel là đèn ông sao vẫn thống trị trong các nhà thờ, xóm đạo.
Những ngày giữa tháng 4, tôi đưa một đoàn khách Việt tham quan cố đô Campuchia với quần thể Angkor kỳ vĩ. Đúng dịp tết cổ truyền người Khmer “Chol Chnam Thmey – Vào năm mới” với tục té nước vui lạ. Khắp nơi bán “vũ khí” té nước. Nhiều nhất là các loại súng, giá bán từ vài đến vài chục đô. Khả năng “tấn công” và “sát thương” (làm ướt quần áo đối phương) cũng tùy vào giá tiền, từ vài đến vài chục mét. Có cả đồ phụ tùng như nón, kính, mặt nạ, “áo giáp”, ba lô tiếp đạn nước, túi bảo vệ điện thoại, máy ảnh…và phấn thơm để thoa mặt Happy new year. Có người còn dùng cả thau, sô hay vòi rửa xe để xịt nước.
Hào hứng nhất là các bạn trẻ và con nít, được dịp nghịch nước thỏa thuê. Thấy khách đi ngang là té nước. Gặp “đối phương có vũ khí” là chủ động tấn công nếu không muốn bị đánh úp. Nhiều du khách cũng phấn khích trang bị súng nước, tham gia cuộc chơi, như một trải nghiệm văn hóa của xứ sở chùa Tháp. Tết cổ truyền Khmer diễn ra 4 - 5 ngày, thường từ ngày 13 – 17.4 hàng năm, có xê xích chút đỉnh. Thời điểm giao thừa không cố định, có khi giữa trưa. Chủ yếu là cúng trời đất và tổ tiên. Không thấy cảnh hồi hương vĩ đại hay ăn nhậu hoành tráng như ở Việt Nam và Trung Quốc.
Tết Khmer là dịp nghỉ ngơi để về quê thăm cha mẹ, người thân rồi lên chùa tạ ơn Phật và trời đất cùng tổ tiên. Kế đến là vui chơi thoải mái.
Tết chỉ đúng 3 ngày. Có người bảo “Tết như thế thì chán quá” vì không được quậy hết mình, không có cớ để đổ lên đủ thói tật vì “Tết mà”. Có cảm giác như cả Campuchia đổ về Siem Reap chơi tết. Đường phố nhộn nhịp đông vui nhưng không xô bồ. Từng tốp “chiến binh nước” lăm le vũ khí ngồi xe bán tải, xe tuk tuk, xe gắn máy, hành quân bộ; sẵn sàng “khai chiến” với số “bộ binh” chốt chặn ven đường. hết đạn, có sẵn các trạm tiếp tế cho cả địch lẫn ta. Chơi tết Khmer, càng ướt càng hên nên tha hồ chiến đấu. Như một thỏa ước ngầm, chiến trường chỉ diễn ra ở lòng đường, đi trên lề thi thoảng bị văng miểng do các bên tấn công nhau.
Năm nay, Siem Reap bỗng sáng rực bởi hàng trăm ngàn đèn ông sao kết nối. Từ trong nhà ra ngoài đường. Từ khách sạn, nhà hàng, quán ăn đến trạm xá, cây xăng, bệnh viện…Nhiều nhất là trên cây, đủ màu cầu vồng bảy sắc. Đủ kiểu lớn nhỏ nhưng tất cả đều là hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho sự may mắn phồn vinh. Những năm trước, đèn ông sao chỉ treo trước nhà. Năm nay, đèn ông sao đồng khởi hùa nhau ra phố, vào tận từng khách sạn, nhà hàng và tràn lên khắp ngọn cây. Đèn chỉ xuống chơi đúng mấy ngày tết cổ truyền rồi lại “lên trời” và đợi năm sau, đến hẹn lại về.
Siem Reap tháng 4, nắng quái và hanh. Cả trời đèn ông sao hồn nhiên đong đưa vẫy chào du khách như cố xoa dịu cái nóng rát bỏng. Những chiếc đèn như có hồn, cứ lúng liếng làm duyên. Buổi tối mờ ảo, điệu đàng thay đèn đường rủ khách dạo chơi chợ đêm bất tận. Năm 2018, du lịch Campuchia đón 5.500.000 khách quốc tế (dân số cả nước gần 16 triệu), trong đó Siem Reap đón hơn 4.000.000 khách (dân số cả tỉnh chỉ hơn 1 triệu). Những chiếc đèn ông sao thay lời muốn nói, đồng hành cùng sự chân thiện, hiếu khách và tốt bụng của người dân Khmer với du khách năm châu.
Dù đa phần nhà hàng khách sạn và quán xá ở Siem Reap là của người Khmer gốc Hoa nhưng gần như không có đèn lồng đỏ. Chỉ thấy đèn ông sao 5 cánh bảy sắc cầu vồng.
Tôi ganh tị với Siem Reap và chạnh lòng nghĩ về những chiếc đèn ông sao cô đơn ở Việt Nam. Ước gì, đèn ông sao may mắn sẽ sà xuống trĩu cành phố, vào tận từng nhà, từng điểm đến có du khách ở Việt Nam. Thay cho những chiếc đèn lồng đỏ, nom vô hồn và có vẻ lai căng vào những dịp lễ, tết?
Hồ Giàu - Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tour)