Israel, vùng đất đầy phép màu ở Trung Đông
Du lịch - Ngày đăng : 12:14, 11/05/2019
An ninh thắt chặt
Mùa hè năm 2018, chúng tôi đến Israel khi cuộc chiến Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Nhưng có vẻ những bất ổn trong khu vực và tại các vùng biên giới của Israel chẳng mang lại bất cứ sự lo lắng gì cho hàng trăm du khách đứng hàng dài chờ nhập cảnh hải quan tại sân bay Tel-Aviv.
Chưa vào cao điểm nắng nóng, nhưng với diện tích hầu hết là sa mạc đã khiến thời tiết tại đây khó chịu và oi bức hơn. Điều đồng nhất và ấn tượng nhất của Israel có lẽ chính là màu vàng sữa của cát sa mạc, cũng là màu chủ đạo của mọi công trình xây dựng bằng gạch đá, từ đền đài, thành trì, nhà ở của người sống đến lăng mộ dành cho người qua đời.
Người dân Do Thái từ nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở châu Âu và Trung Đông, nghe lời kêu gọi của những nhà lập quốc trở về gầy dựng và phát triển quê hương trong suốt hơn 70 năm qua. Đến năm 2017, khoảng 8,4 triệu người Do Thái đã đến sinh sống chính ở quanh biển hồ Galilee, hay còn gọi là hồ Tiberias, nguồn nước ngọt chính yếu của cả quốc gia ở phía bắc, tại thành phố Tel-Aviv, ở miền trung và một số ít tập trung tại bờ vịnh Aqaba, cực nam của Israel.
Theo truyền thuyết, người Do Thái và người Ả Rập là thuộc dòng dõi Abraham, người theo lời gọi của Thiên Chúa rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà), nay được xác định là Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay lập nghiệp. Cái tên Nhà nước Israel được đặt theo tên của vương quốc Israel cổ xưa, theo Kinh thánh truyền thống. Jacob, người được nhìn nhận là tổ tiên của người Do Thái vài ngàn năm trước nằm mơ vật lộn với một thiên thần Thiên Chúa cử đến. Sau đó Thiên Chúa đã chúc phúc và đặt cho Jacob tên Israel có nghĩa là “Người chiến đấu với Thiên Chúa”. 12 người con trai của Jacob, hay còn gọi là những người con của Israel, sau trở thành tổ phụ của 12 chi tộc tạo nên vương quốc Israel thời đó.
Năm 1948, Nhà nước Israel hiện đại chính thức được thành lập, sau khi Anh rút khỏi vùng đất chiếm đóng tại Palestine và Liên Hiệp Quốc đề nghị phân vùng đất này thành nhà nước Do Thái và nhà nước Ả rập. Nhưng vì các quốc gia Ả Rập không đồng ý đề xuất này, nên vùng đất này luôn có chiến tranh, xung đột, và hầu như sau mỗi lần giao chiến ác liệt đều kết thúc bằng việc Israel lại mở rộng thêm lãnh thổ.
Can đảm là một loại kiến thức đặc biệt
Chị Thu Son, một người Việt làm cho một nhà hàng phục vụ món ăn Tàu tại Nazareth, giải thích cho chúng tôi rằng hàng chục năm qua, từ hồi chị đến Israel, luôn nghe tin Israel xung đột với một lực lượng hay nước nào. Nhưng tất cả hầu hết nằm ở vùng sa mạc hoặc biên giới nơi hầu như không có dân cư sinh sống. Thiệt hại nếu có chủ yếu là vài xe cộ chạy trên đường. Người dân được chính phủ giải thích rất rõ, hệ thống phòng thủ, lá chắn tên lửa hay đạn pháo của Israel có khả năng phá hủy bất cứ vũ khí nào từ ngoài bắn vào. “Điều thiếu may mắn nhất của Israel là ở cạnh các láng giềng quá hung hăng và luôn muốn gây sự”, chị Son giải thích.
Đây cũng chính là điều mà Ben-Gurion đã nhắc nhở dân của ông, rằng can đảm là một loại kiến thức đặc biệt, kiến thức về việc biết sợ những gì phải sợ và làm thế nào để không sợ những gì không nên sợ.
Tất nhiên, an ninh nội địa luôn được thắt chặt và người dân luôn tuân thủ nghiêm túc các mệnh lệnh và hướng dẫn của chính phủ. Về cơ bản, du khách luôn được nhắc nhở, nếu muốn đi ra khỏi khách sạn vào buổi tối, thì nên đi thành nhóm đông người.
Vùng đất đầy sữa và mật ong
Một vùng đất sa mạc luôn thiếu nước và không có dự trữ dầu lửa, nghèo nàn về tài nguyên, xung đột và chiến tranh liên tục, diện tích đứng thứ 154, dân số đứng thứ 98, Israel có thu nhập bình quân đầu người đạt 36.400 USD vào năm 2017, đứng thứ 55 thế giới. Nền kinh tế của Israel được đánh giá chuyển đổi ngoạn mục trong vòng 25 năm gần đây, nhờ vào các thành tựu khoa học kỹ thuật cao. Thiếu nước ngọt cho sinh sống và nuôi trồng nông, lâm nghiệp và thủy hải sản, Israel đã thành công trong việc chuyển đổi nước mặn sang nước ngọt. Nhà máy đầu tiên vận hành từ những năm 1960, và ngày nay hệ thống khử mặn đang cung cấp 60% nhu cầu nước ngọt tại Israel. Không những thế, công nghệ này còn giúp nhiều quốc gia thiếu nước ngọt trên thế giới.
Công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, đo độ ẩm ánh sáng thích hợp để tưới tiêu và phun dinh dưỡng tự động cùng các thành tựu khoa học về nông nghiệp kỹ thuật cao đã hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp của Israel, không chỉ giúp làm xanh các vùng sa mạc mà còn tăng sản lượng, chất lượng cho các vụ mùa, cây trồng tại Israel và nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Hàng trăm học viên của Việt Nam đã sang Israel du học về nông nghiệp công nghệ cao.
Vùng đất khô cằn này đã được bàn tay, khối óc và tài chính của những người dân Do Thái quyết tâm về quê hương chung nhau lập quốc, xây dựng thành vùng đất hứa đầy sữa và mật ong mà Thiên Chúa ngày xưa hứa dành cho người Do Thái.
Lợi nhuận từ di sản
Du lịch là một trong những nguồn cung ngoại tệ rất lớn cho Israel, đặc biệt khi Israel cho phép du khách dùng USD trực tiếp thay vì đổi sang đồng shekel, với giá 1 đồng shekel tương đương 0,28 USD, tại hầu hết các lãnh thổ mà Israel chiếm đóng.
Ngoài các địa điểm địa lý tự nhiên độc đáo như Địa Trung Hải, Biển Chết, Biển Đỏ hay Biển hồ Galilee, vùng sa mạc khắc nghiệt này lại là một vùng đất chứa đầy thánh tích, và trở thành di sản - không chỉ của riêng Israel mà của cả thế giới hàng ngàn năm tuổi, mà ít nhất ba tôn giáo lớn gồm Do Thái giáo, Hồi giáo, và Thiên Chúa giáo luôn muốn chiếm hữu. Năm 2018, Israel đón hơn 4 triệu du khách, mang lại hơn 5,8 tỉ USD. Hơn 60% du khách là người theo đạo Thiên Chúa, phần lớn đến Israel hành hương.
Đến Israel hôm nay, người ta ít nghe nói về thay thế, cải tạo hay xây dựng các công trình mới trên nền tảng di tích cũ. Những nơi này chỉ thấy có các biển khai quật, trùng tu. Những phát hiện mỗi ngày được thu thập làm giàu thêm kiến thức lịch sử nhân loại và khiến vùng đất nhỏ bé này ngày một hấp dẫn và thu hút hơn đối với mọi du khách.
Theo Ninh Hạ/ Nguoidothi