Nhật ký lữ hành Argentina - P.9: Đọng lại cùng thời gian

Du lịch - Ngày đăng : 10:01, 21/05/2019

Theo chương trình thì hôm nay chúng tôi sẽ có chuyến đi tàu thăm vài hòn đảo trên vịnh Beagle. Nhưng vì trời mưa nên phải gần trưa, tàu mới có thể khởi hành. Mưa thì mưa, không bỏ phí thời gian quí báu nơi đây nên tôi quyết định đi thăm Ga xe lửa của nơi tận cùng thế giới- Estacion del Fin del Mundo-ở nơi cửa rừng.

Vào cuối thế kỷ 19, vùng đất cực nam này được chính phủ Argentina sử dụng làm nơi lưu đày tù nhân tới tận những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 1909 người ta xây dựng tại đây một nhà ga và tuyến đường sắt với đầu máy hơi nước để chuyên chở đất đá cũng như tù nhân vào rừng khai thác gỗ. Sau nhiều năm không hoạt động, đoàn tàu “Tận cùng thế giới” được đưa vào hoạt động trở lại vào năm 1994.

Ngày nay du khách có thể mua một tour 40 phút đi thăm công viên quốc gia Tierra del Fuego bằng xe lửa từ đây. Chuyến tàu Nơi tận cùng trái đất vẫn chạy bằng đầu máy hơi nước, đưa khách đi chiêm ngưỡng dòng sông Pipo, thung lung Pico, đỉnh núi Martial, xem cảnh dựng lều của thổ dân Yamana trong rừng rậm và kết thúc tại một trong hai ngàn lối vào của Công viên quốc gia Tierra del Fuego, lối nào cũng dẫn tới những thung lũng băng tuyệt đẹp.

Trời vẫn mưa khi tôi tới sân ga. Những toa tàu và đầu máy hơi nước đứng im lìm trên đường ray. Nhà ga có mái chóp nhọn, bên trong toàn gỗ khá ấm cúng và đơn giản cùng quầy bán vé, một quầy bar bố trí theo kiểu toa tàu, sảnh lớn có hai khung cửa sổ nhìn vào xưởng sửa chữa đầu máy. Có lẽ khoảng thời gian đóng cửa quá dài vì động đất và nhiều lý do khác đã làm nơi này phai nhạt dần không khí xưa cũ. Có chăng chỉ còn là vị trí hẻo lánh nơi cửa rừng, vẫn toát lên cái thần thái gì đó rất khó gọi tên. Một không khí na ná những ga xép cũ ở Việt Nam mà tôi có dịp qua. Lãng đãng, ngái ngủ, bị bỏ quên là điểm chung của những nơi ấy.

Ở nhà ga xe lửa tận cùng thế giới này, cái không khí ấy không nằm trên sân ga, mà lại ở những cánh rừng, nơi mà đoạn đường ray hẹp của con tàu leo núi dần mất hút. Không khí ấy như đọng lại cùng thời gian, lơ đãng trôi trong màn sương mù, chậm rãi đi cùng những giọt mưa thu. Có thể phần nào hình dung ra khung cảnh làm việc khắc nghiệt của những tù nhân xưa, nhất là vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống đến -20 độ và tuyết trắng xoá mọi nơi.

Juan, người lái taxi của tôi, đồng thời cũng là một hướng dẫn viên hết sức nhiệt tình và vui tính. Anh kể cũng rất thích chụp ảnh, Juan vừa thuyết minh, vừa lái xe đưa tôi tới những nơi có view tuyệt đẹp trong khu Công viên quốc gia. Nhờ Juan mà tôi có những tấm ảnh mái nhà Ushuaia từ trên cao, được ngắm những con sông Pipo ào ạt chảy trong khu rừng lá đỏ. Tôi còn chụp được ảnh một cặp ngựa đi hoang.

Chúng tò mò đến sát chiếc xe, gí sát vào tôi đang run rẩy bên đừờng, đánh hơi mãi loài ”động vật”lạ và làm tôi sợ chết khiếp. Con đường lòng vòng lên và xuống núi mang lại một cảm giác khác hẳn hôm qua, những dải mây vắt ngang đỉnh Martial trong bầu trời âm u, khung cảnh như trong một bức tranh thuỷ mạc. Không giống như hôm trước tôi đã thấy, phía này của Khu Công viên quốc gia nhiều sông và suối hơn. Những con chim lông ướt rượt vì mưa, đậu đầy trên cành khô. Đôi khi những cánh rừng chìm trong màn sương hắt ra ánh cam vàng màu của lá khiến tôi thấy như mình đang đi lạc vào chốn liêu trai trong những câu chuyện cổ. Mong manh, u hoài, phảng phất chút âm khí, phảng phất chất sâu thẳm rừng hoang....Liệu tôi có vẽ được cảm xúc này không?

Tôi không biết, nhưng có một điều tôi chắc chắn là, Hội hoạ - với tôi thì là hội hoạ trừu tượng - cho ta vẽ nên cảm xúc của mình, vẽ nên những điều mà lời nói không thể diễn tả. Vẽ cái ta “cảm“ mà không nệ vào hình, dù cho đó là những hình đẹp nhất của thiên nhiên. Điều mà ta “cảm“ ngày hôm nay, sẽ đến với những tâm hồn đồng điệu bằng ngôn ngữ của màu sắc trong những bức tranh ngày mai. Đó cũng là lý do tại sao tôi luôn thấy mình trong những chuyến đi về với thiên nhiên.

Và để trả lời câu hỏi của nhiều người “Vẽ trừu tượng, mà sao phải đi nhiều đến vậy?”, tôi sẽ chỉ nói một cách đơn giản: “Tôi đi, viết và vẽ là tôi đang sống’.

Kết thúc chuyến đi chớp nhoáng, Juan lấy số điện thoại và gửi cho tôi những tấm ảnh đầy ấn tượng anh chụp khi Tierra del Fuego vào mùa đông, khi những cây dẻ gai lá đỏ in bóng trên mặt hồ Roca băng tuyết trắng xoá. Những bức hình tuyết đóng băng cây dẻ gai lá đỏ ối, màu lá vẫn rực lên trong cái long lanh trong như pha lê của băng. Những tấm ảnh đầy cảm xúc đựơc chụp bằng chiếc máy ảnh loại thừơng, nhưng tình yêu trong ấy thì không thừơng chút nào. Juan đang muốn "giết“ tôi đây. Anh "giết “ tôi bằng giọng Ăngg lê pha ngữ điệu Tây ban nha lên bổng xuống trầm, bằng lời rủ rê ngọt ngào, "quay lại nhé, côn nhiều nơi đẹp lắm, đi trượt tuyết“, vì những con đường đến khu Công viên quốc gia khi ấy sẽ biến thành đường trượt. “You should come back, Winter is waiting”- Quay lại nhé, mùa đông đang chờ!

Tại sao không chứ? Argentina càng lúc càng trở nên gần gũi hơn trong tôi.

Bài - ảnh: HS Trần Thùy Linh