Nhật ký lữ hành Argentina - P.7: Tiến gần hơn đến cõi vô vi
Du lịch - Ngày đăng : 09:34, 19/05/2019
Hồ Roca được bao bọc bởi những đỉnh núi quanh năm bang phủ, hình thành khi một phần của những dòng sông băng tan thành nước. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 5km2. Bờ Đông của hồ thuộc Argentina, bờ Tây thuộc Chile. Sau lưng tôi, phía cuối hồ là một nếp nhà nhỏ, chắc là nhà của người coi rừng vì nơi đây không có dân sinh sống.
Parmela, cô gái dẫn đường của khách sạn nơi tôi ở đã cười khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về bộ tộc thổ dân Yamana, những chủ nhân một thời của vùng đất lửa. Cách đây khoảng 10.000 năm, đã có nhiều bộ lạc sinh sống tại đây. Nhiều di chỉ khảo cổ còn lại trên vịnh Beagle và Hồ Roca đã cho thấy mối quan hệ mật thiết của họ với thiên nhiên nơi đây. Trên những con thuyền đóng bằng gỗ dẻ gai họ đi săn sư tử biển, bắt cua, bắt sò. Nhưng rồi cuộc sống khắc nghiệt trong hoang dã, bệnh tật cùng sự đầu độc đến từ những người Âu đã làm con số ước tính khoảng 3.000 người Yamana (vào khoảng 1880) giảm xuống còn 1.000 người (1890) và tới 1910 chỉ còn lại khoảng 100 người. Parmela cho biết, giờ thì không chắc, liệu tộc người Yamana có còn nữa hay không.
Thu đến rồi thu đi, hàng thế kỷ đã trôi qua trên Vùng đất của Lửa và thời gian cũng đã gần như xóa sạch dấu vết của những chủ nhân nơi đây. Có bao giờ sau hàng ngàn năm nữa lại có “ai” đó viết những dòng như tôi đang viết về hôm nay hay không?
Tôi lùi lại phía sau đoàn người đang chung một niềm phấn khích đến tột cùng về vẻ đẹp của mùa thu lạ. Những lúc như thế này, tôi chỉ muốn một mình. Một mình để trọn vẹn cùng mùa thu. Nơi tôi đang đứng là phần đầu của Lago Roca. Ở đoạn này hồ như một đầm lầy. Những bụi cỏ vàng cao ngang bắp chân, gần như che lấp con đường mòn ven hồ. Cỏ lan trên mặt nước như một tấm thảm êm ái làm nền cho rừng dẻ gai vàng đỏ nổi bật trên nền chàm của núi. Những đám sương mù sà xuống ngang ngọn cây, phủ cho dãy núi cao bên kia hồ một bức màn huyền bí. Núi mờ mờ ảo ảo trong một sự pha trộn lạ kỳ giữa màu xanh của trời, màu trắng của mây và băng. Có những giây phút tôi đã thực sự không biết phải làm gì giữa cái mênh mông huyền ảo ấy. Chụp rất nhiều ảnh, rồi cuống lên rảo bước, rồi lại đứng như trời trồng khi thấy vầng thái dương xuất hiện sau đỉnh núi băng và hắt những tia nắng cuối ngày lên sườn đồi có rừng dẻ gai phía bên kia hồ. Trong khung cảnh ấy, mỗi bước chân như một bước hành thiền, tiến gần hơn tới cõi vi vô.
Vạt rừng vàng trên lưng chừng núi chìm trong phía khuất của mặt trời đã trở lại thành xanh. Vạt rừng màu cam biến thành một màu hồng rực rỡ. Mặt hồ lấp lánh ánh bạc. Và ở vòng cung xa xa phía con đường cuối hồ, lại là một màu vàng kim loại óng ánh - hình ảnh phản chiếu của rừng cây ngay sát ven hồ. Tôi đang ở đâu đây? Tôi cảm thấy rất bất lực khi thấy những bức ảnh tôi chụp không thể nào lột tả được những gì mắt tôi đang thấy. Tôi cảm thấy bị gò bó trong chữ nghĩa khi miêu tả khung cảnh bồng lai ấy.
Nhưng lúc ở bên bờ hồ Roca, tôi đã cảm nhận được sự giải thoát, cảm nhận được sự tự do hoàn toàn, khi khung cảnh ấy đưa tôi thoát ra khỏi mọi ràng buộc thuộc về con người. Một thứ tự do như cỏ, như lá, như tia nắng, như mặt hồ và núi băng vĩnh cửu kia. Vô tịnh không! Một trạng thái như khi nhập thiền rất sâu ở bậc Tứ thiền.
Chiều buông chậm khi chúng tôi ghé thăm Lapataia Bay, một vịnh nối với Kênh Beagle và cũng nằm trong khu công viên quốc gia Tierra del Fuego. Gió thổi tung khăn áo và cơn mưa thu lại kéo tới khi tôi lội bộ trên con đường lát gỗ hết lên cao lại xuống thấp xuyên qua đồng cỏ và rừng. Khung cảnh đã thay đổi hoàn toàn, dù nơi này không xa Ushuaia và Lago Roca bao xa. Những cánh đồng cỏ và đầm lầy xen lẫn trong rừng dẻ gai. Suối róc rách chảy xuyên qua những bụi cỏ. Đang là mùa thu nên không thấy nhiều thú hoang như vào mùa hè. Chỉ có chim, bướm và những con thỏ nhảy loi choi lẩn trốn sau những bụi cây. Những con chim rừng đi thong dong trên cỏ chẳng đếm xỉa gì đến những người khách không mời mà tới nhà chúng. Vùng này cũng là nơi trú ngụ của những con hải âu mày đen (black-eyebrowed albatross).
Từ phía Vịnh vọng lại những tiếng tác gọi bầy và đàn hải âu bụng trắng cánh xám có sải dài phải tới hai mét xuất hiện. Nếu không đọc trước về vùng này có lẽ tôi đã nghĩ chúng là loài chim cắt hay đại bàng mất. Có cả loài hải âu mắt xanh, loài mỏ vàng, loài đầu xám…, ở nơi tận cùng thế giới này có tới hang ngàn loại chim và hàng trăm loài vịt, mà có lẽ người trần mắt thịt như tôi chẳng thể nào phân biệt nổi. Cây và cỏ dại cũng mênh mông và vô cùng đa dạng. Mùa thu ở nơi tận cùng trái đất không chỉ thay áo cho rừng cây mà nhuộm màu cả những cánh đồng cỏ cao ngang lưng người. Chưa ở đâu tôi nhìn thấy nhiều loại cỏ và những sắc màu cỏ phong phú đến vậy.
Thật kỳ lạ là dù trời mưa nhẹ nhưng hương cỏ vẫn nồng nàn khắp nơi.
Khi cơn mưa tạm ngớt cũng là lúc trời lại hửng lên và ráng chiều in màu tím lên những đỉnh núi băng. Ráng chiều như đưa núi lại gần với người hơn và rừng bỗng trở nên lao xao hơn, quyến rũ hơn. Con đường có lan can gỗ không một bóng người hun hút chạy vào đồng cỏ mênh mông. Đôi khi đường biến mất trong đồng cỏ, để rồi lại mở ra trước một khoảng không bát ngát nhìn ra vịnh biển. Núi và mây. Biển và hồ. Băng tuyết và rừng lá đỏ. Vài hòn đảo nhỏ phủ đầy cỏ và cây bụi thoáng ẩn thoáng hiện trên mặt vịnh ở nơi khúc quanh của con đường gỗ. Những bụi cây Calafate đặc trưng của vùng Patagonia, những cây cỏ mía cao ngang gối trổ hoa trắng ngà, những bụi cỏ roi ngựa đâm nụ hồng tươi…, tất thảy đều hoang sơ như thưở khai thiên lập địa. Và con người chỉ như những cái chấm nhỏ nhoi trong bức tranh mênh mông đất trời. Cảm giác được hòa vào thiên nhiên, được thấy mình là một phần trong bức tranh khải hoàn ấy thật khác xa cảm giác “đóng vai” người quan sát thiên nhiên.
Và những tấm ảnh tôi chụp được ở đây có lẽ là những ảnh giàu cảm xúc nhất trong chuyến đi.
Những chuyến đi về chốn hoang vu luôn mang cho ta sự giải thoát, cho ta sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời tự do như cánh chim trời, phiêu du như gió và bồng bềnh như mây. Càng đi nhiều thì bạn sẽ càng được sống nhiều cuộc đời. Càng đi nhiều thì thần thái của thiên nhiên sẽ càng in dấu đậm nét hơn lên bạn. Để rồi khi quay trở lại với thực tại, bạn sẽ thấy cuộc đời đổi khác một cách tích cực hơn, tươi mới và nhiều màu sắc hơn rất nhiều. Bạn bỗng nhìn cuộc đời của chính mình và những người xung quanh với con mắt của thiên nhiên: độ lượng hơn, bao dung hơn, bình đẳng hơn và cởi mở hơn.
Sự thay đổi diệu kỳ trong chính con người bạn là điều mà không tiền bạc nào mua nổi. Đó cũng là “phần thưởng”vô giá mà những chuyến đi về nơi hoang dã tặng cho kiếp thiên di.
HS Trần Thùy Linh
(Còn tiếp)