An Giang: Những chuyến xe ngựa vùng giáp biên
Du lịch - Ngày đăng : 08:09, 24/06/2019
Những thế kỷ trước, trên địa bàn 2 huyện này có khoảng 200 - 400 xe ngựa, nay chỉ còn khoảng vài chục chiếc. Dù không còn phổ biến như trước, nhưng ở vùng giáp biên này xe ngựa vẫn chiếm ưu thế, vẫn là phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con trong vùng. Đa phần cánh tài xế là nam giới, người người Khơme, với họ xem đây là công việc mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình nên bất kể trời mưa hay nắng, họ vẫn đều đặn ra bến.
Cứ 1 lượt thồ hàng cũng được 100.000 - 150.000 đồng tùy vào đường xa hay gần - Ảnh: Tô Văn
Tuy mới gắn bó với nghề nài ngựa hơn mấy năm nay, thế nhưng cũng nhờ chiếc xe ngựa này mà cuộc sống gia đình ông Chau Ron cũng bớt nhọc nhằn. Thường thì ông đánh xe chạy trên đường, ai có nhu cầu thuê chở mướn thì kêu lại. Cứ 1 lượt thồ hàng cũng được 100.000 - 150.000 đồng tùy vào đường xa hay gần.
Thấy vậy, nhưng nghề kéo xe ngựa cũng dễ “kiếm ăn”, mỗi ngày có thể bỏ túi 400.000 - 600.000 đồng, nhưng hơi cực vì phải khuân vác hàng hóa lên xuống cho khách. Số tiền này phần nào giúp cánh nài ngựa trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học thậm chí sửa lại nhà cửa.
Ở vùng giáp biên này, xe ngựa vẫn chiếm ưu thế - Ảnh: Tô Văn
“Thời gian trước năm 1976-1977, vùng Bảy Núi (An Giang) không có phương tiện xe 4 bánh để chở hàng, thành ra dân mình thường xài xe ngựa, vừa chở hàng vừa chở người để ra chợ Tri Tôn mua đồ về. Đến năm 1980-1981, xe ngựa vùng Bảy núi giảm đôi chút, vì nhiều phương tiện hiện đại xuất hiện.
Lúc trước, gia đình tui nuôi bò, thấy bấp bênh nên gia đình tui quyết định mua xe ngựa. Tui và thằng con đi kiếm ngựa các huyện lân cận mua về nhân giống và kéo đồ đạc. Tui mua ngựa để thồ hàng lên núi nên tiền công mỗi ngày hơn nửa triệu đồng đủ để trang trải cuộc sống.
Theo ông Chau Ron, việc nuôi ngựa cũng công phu, con ngựa này được 5 tuổi, kiếm rất nhiều tiền để trang trải cuộc sống cho gia đình - Ảnh: Tô Văn
Việc nuôi ngựa cũng công phu lắm, như chú thấy đấy, con ngựa này tui nuôi được 5 tuổi. Với đặc điểm to khỏe nên con ngựa tui có thể kéo khoảng 6 người hoặc đến 1 tấn hàng hóa. Đặc biệt, những địa hình gồ gề hay đồi núi, nơi mà các phương tiện khác không vào được, ngựa tui vẫn nhanh nhẹn và sung sức thồ”, ông Chau Ron kể.
Đặc điểm to khỏe nên con ngựa có thể kéo nặng khoảng 6 người hoặc đến 1 tấn hàng hóa - Ảnh: Tô Văn
1 nài ngựa ngồi gần đó tiếp lời: “Ngựa khi được mua về phải đeo gông để huấn luyện kéo xe. Do xe ngựa thường xuyên phải lên, xuống dốc núi đồi, đôi khi còn phải băng qua những đoạn đường đất đá chênh vênh nên thường được chủ nhân đóng móng sắt để khi ngựa di chuyển trên đường không bị đau chân.
Khi điều khiển xe, người cầm cương giật dây cho ngựa đi hoặc chạy theo ý mình. Tuy lấy sức ngựa làm chén cơm manh áo nhưng những tay nuôi ngựa điều rất điệu nghề, để có sức hút người ta thường tỉa lông lưng gắn lục lạc cho phát ra tiếng kêu leng keng cùng với tiếng chân lụp cụp. 2 bên mắt ngựa có miếng che không để ngựa bị phân tâm với cảnh vật 2 bên mà chỉ tập trung nhìn về phía trước mà chạy”.
Khi điều khiển xe, người cầm cương giật dây cho ngựa đi hoặc chạy theo ý mình - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo nài ngựa này, xe ngựa thuận tiện cho bà con vận chuyển hàng hóa, đồ đạc vào những nơi chật hẹp, đường núi… Xe quay quay đầu cũng rất dễ. Do đó, với nhiều người, khi thồ hàng vào những đoạn đường nhỏ hay hẻm hóc, việc lựa chọn xe ngựa vô cùng hợp lý.
Những địa hình ghồ ghề hay đồi núi, nơi mà các phương tiện khác không vào được, xe ngựa vẫn được người dân nơi đây lựa chọn hàng đầu - Ảnh: Tô Văn
Có lẽ, giờ đây ở miền Tây hiện nay chỉ vùng Bảy Núi là còn sót lại những chiếc xe ngựa với kiểu dáng thô sơ với chiếc mui trần, không tay vịn, chủ yếu dùng để chuyên chở hàng hóa trong vùng. Cũng vì thế, dù những phương tiện giao thông khác đã dần phổ biến ở vùng Thất Sơn, nhưng những chú ngựa này vẫn không "thất nghiệp".
Tô Văn