Vì sao du lịch Hồng Kông thời điểm này không nên mặc trang phục trắng - đen?
Du lịch - Ngày đăng : 15:14, 20/08/2019
Không mặc đồ màu đen và trắng
Bởi nếu mặc đồ đen, có thể du khách sẽ bị hiểu nhầm là người biểu tình còn mặc màu trắng lại dễ bị đoàn người biểu tình quy kết cho rằng ngầm phản đối họ. Một công dân Philippines đã gặp rơi vào tình huống rắc rối này khi mặc áo trắng.
Đây là những khuyến cáo mà một số quốc gia lưu ý đặc biệt đối với công dân của họ nếu du lịch Hồng Kông trong thời điểm này. Lãnh sự quán UAE cũng thông tin lên Twitter, dù rằng đen và trắng là 2 màu cơ bản trong trang phục của các tiểu vương quốc Ả Rập. Tờ The Sun cũng khuyến cáo du khách tránh mặc đồ đen khi ra ngoài để bị nhầm là người biểu tình.
Thông cáo từ Bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng: "Nếu bạn đang du lịch hoặc ở Hong Kong, chúng tôi khuyến cáo nên tránh các khu vực diễn ra biểu tình, tránh làm những điều thu hút sự chú ý và nhận thức rõ các vấn đề xung quanh”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khuyên du khách Việt khi đến Hong Kong "cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại, cân nhắc việc hạn chế đến các khu vực tụ tập đông người để tránh xảy ra những rủi ro”.
Bộ ngoại giao Úc, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh… cũng được khuyến cáo các công dân của họ cần thận trọng trong việc đi lại hoặc đến tại đặc khu trong thời gian này.
Tránh những khu vực trung tâm đông người
Ngoài trang phục đen và trắng là không nên mặc, du khách đến Hồng Kông thời điểm này còn được khuyến cao tránh đến nơi có đông người biểu tình như khu vực Trung Hoàn, toà nhà lập pháp, trụ sở chính phủ, khu mua sắm trung tâm thành phố…
Những điểm tham quan được khuyến cáo là không nằm trong khu vực biểu tình và an toàn như vịnh Nước Cạn, Núi Thái Bình, Disneyland, chợ đêm Ladies, Công viên Hải Dương, TsTsim Sha Tsui Waterfront Promenade Stars Avenue - khu vực đại lộ danh vọng nhìn toàn cảnh 44 tòa nhà chọc trời hai bên bờ cảng Victoria, tòa nhà Sky 100, Bảo tàng Sáp…
Ngành du lịch Hong Kong trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do tình trạng biểu tình, đụng độ ở đặc khu này. Căng thẳng leo thang khi hàng nghìn người mặc đồ đen xuống đường để phản đối phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới các khu vực mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Các cuộc biểu tình bùng phát từ đầu tháng 6 và kéo dài đến nay dù Trưởng đặc khu Carrie Lam hồi tháng 7 tuyên bố dự luật "đã chết".
Các cuộc biểu tình khiến nhiều tuyến đường bị phong toả, các hãng hàng không liên tục phải hoãn, huỷ các chuyến bay trong đó, nặng nề nhất là Cathay Pacific khiến CEO và Giám đốc phụ trách kinh doanh- bán hàng phải từ chức. Sân bay Chek Lap Kok tê liệt khiến nhiều du khách bị mắc kẹt. Trạm taxi sân bay và trạm metro nối từ sân bay về thành phố cũng bị đóng cửa.
Các đây vài ngày, hãng tin AFP đưa tin du lịch Hồng Kông bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình, đụng độ và căng thẳng. Cơ quan xúc tiến du lịch đặc khu xác nhật lượng khách đặt tour đến Hồng Kông trong tháng 8 và 9 giảm mạnh, kèm theo đó là tỷ lệ đặt phòng, đặt tour theo nhóm cũng giảm đến 2 con số.
Nhật Hạ