10 điểm đến ấn tượng để khám phá động vật hoang dã
Du lịch - Ngày đăng : 11:48, 15/09/2019
Vượn cáo, Madagasca
Đảo quốc Madagascar là nơi sinh sống của hơn 100 loài vượn cáo không được tìm thấy ở nơi nào khác trên trái đất. Công viên quốc gia Andasibe là nơi du khách có thể xem những loài vượn cáo đặc hữu. Vượn cáo có mắt to, đuôi dài và đa đạng về kích thước, từ loài vượn cáo Indri lớn nhất Madagascar (ảnh) cho tới vượn cáo chuột Berthe, loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới, chỉ nặng khoảng 30 gram. Ảnh: Stephen Alvarez.
Bướm chúa, Mexico
Hàng năm, hàng triệu con bướm chúa (Danaus Plexippus) thực hiện hành trình dài hơn 4.800 km từ Canada tới trú đông tại các khu rừng thông ở Mexico. Nơi trú ngụ của chúng nhiều nhất là tại khu bảo tồn bướm chúa Monarch Butterfly Biosphere, cách thủ đô Mexico City khoảng 96 km về phía tây bắc.
Bướm chúa là loài bướm nổi tiếng nhất vùng Bắc Mỹ. Nét đặc trưng để nhận biết chúng là ở đôi cánh màu cam, đen và trắng nổi bật, với sải cánh dài khoảng 8,9 - 10,2 cm. Du khách có thể khám phá vương quốc bướm chúa tại Mexico vào khoảng tháng 1 – 2, khi đàn bướm tập trung đông nhất. Ảnh: Joel Sartore.
Cá voi lưng gù, Hawaii
Những con cá voi lưng gù vào mùa hè sinh sống ở vùng biển đông nam Alaska và đi trú đông, sinh sản tại vùng biển gần đảo Maui, Mỹ. Địa điểm để quan sát loài cá voi là khu vực giữa Ma’alaea và Lahaina, gần đường cao tốc Highway 30 trên đảo Maui. Trên ảnh là cá voi mẹ nặng 30 tấn sẽ cùng đứa con 10 tấn thực hiện “vũ điệu” nhảy lên khỏi mặt nước. Ảnh: David Fleetham.
Dơi thò đuôi, Mỹ
Vào mỗi hoàng hôn trong mùa hè, hàng triệu con dơi thò đuôi bay ra khỏi hang động Carlsbad ở bang New Mexico, Mỹ. Chúng đảo lượn trên bầu trời, hình thành những dòng xoáy đen kịt. Du khách ưa thích khám phá thiên nhiên có thể chờ ở các miệng hang vào cuối buổi chiều để ngắm nhìn cảnh tượng này. Ảnh: Joel Sartore.
Tuần lộc Porcupine, Canada
Vào đầu mùa xuân hoặc mùa thu, du khách đến công viên quốc gia Vuntut xa xôi của Canada sẽ quan sát được cảnh di cư của hơn 130.000 con tuần lộc Porcupine. Chúng thực hiện hành trình gần 2.500 km qua biên giới bang Alaska, Mỹ tới các đồng bằng ven biển Beaufort, Bắc Cực để tìm kiếm thức ăn và sinh sản trong mùa đông. Ảnh: DeSmog Blog.
Khỉ đột núi, Uganda
Vườn quốc gia Bwindi, Uganda được bảo vệ nghiêm ngặt là nơi sinh sống của hơn 350 cá thể khỉ đột núi trên tổng số khoảng 750 con còn lại trong tự nhiên. Du khách muốn ngắm loài động vật này cần đăng ký giấy phép với trạm kiểm lâm và đi theo sự hướng dẫn của họ trong suốt hành trình. Mức chi phí cho giấy phép sẽ thấp hơn vào tháng 4, 5 và 11. Ảnh: Michael Poliza.
Rùa da, Trinidad
Vùng bờ biển đảo Trinidad là nơi tập trung của khoảng 10.000 con rùa da (hay còn gọi rùa luýt) vào mùa đẻ trứng. Đây là loài rùa biển lớn nhất thế giới, mỗi con cái trưởng thành nặng tới hơn 900 kg, có thể lặn sâu đến 1.280 m. Trong mùa sinh sản dài sáu tháng, những con rùa đẻ trứng hàng chục lần với khoảng 8 trứng mỗi đợt. Những quả trứng sẽ nở ra rùa con sau hai tháng. Rùa mẹ và trứng được bảo vệ nên du khách phải liên hệ ban quản lý ở Matura and Grande Rivière xin cấp giấy phép quan sát rùa đẻ trứng. Ảnh: Thomas Peschak.
Cá hồi, Alaska
Vào cuối mùa hè, hàng triệu con cá hồi từ biển trở về thượng nguồn nơi chúng ra đời, để đẻ trứng và chết. Một trong những nơi quan sát cuộc di cư ngoạn mục của cá hồi là Đài quan sát động vật hoang dã Anan, gần thị trấn Wrangell, bang Alaska, Mỹ. Đây cũng là lúc gần 100 con gấu xám đứng chờ sẵn trên các tảng đá để săn cá hồi. Du khách phải liên hệ ban quản lý tại Anan để được cấp giấy phép từ tháng 7 đến hết tháng 8. Ảnh: Michael Melford.
Hải âu mày đen, quần đảo Falkland
Trong mùa sinh sản của loài hải âu mày đen từ tháng 9 đến tháng 11, du khách có thể thấy chúng đậu kín trên các vách đá của quần đảo Falkland, Nam Đại Tây Dương để làm tổ. Hòn đảo là nơi tập trung của hơn 70% số lượng hải âu mày đen trên thế giới. Chúng có thể bay trên không trung nhiều tháng, thậm chí cả năm mà không cần hạ cánh xuống đất liền nhờ sải cánh rộng hơn 2 m và lợi dụng sức gió. Hải âu mày đen có thể sống thọ tới 70 năm và luôn trở lại nơi chúng được sinh ra để làm tổ. Ảnh: Paul Nicklen.
Hải âu cổ rụt, Scotland
Hải âu cổ rụt có chiếc mỏ lớn, cơ thể chắc nịch, đuôi ngắn và bàn chân màu đỏ cam. Hàng năm, loài chim này di cư đến Scotland và tập trung trên khắp các vách đá gồ ghề trải dài từ phía bắc Berwick đến đảo Handa ngoài khơi bờ biển Sutherland với số lượng hàng trăm nghìn con. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, du khách có thể chọn đảo Foula hẻo lánh với những vách đá cao để nhìn ngắm loài chim này. Ảnh: Frans Lanting.
Theo VnExpress