Venice, di sản không thể mãi miễn phí
Du lịch - Ngày đăng : 12:01, 10/11/2019
Được nhớ đến với rất nhiều tên gọi trong suốt quá trình lịch sử phát triển hàng ngàn năm, như "La Dominante", "La Serenissima", Nữ hoàng vùng biển Adriatic", “Thành phố mặt nạ”, “Thành phố nước”, “Thành phố nổi”, “Thành phố của những con kênh”, “Thành phố của những cây cầu”… Venice là thủ phủ của vùng Veneto, phía bắc nước Ý, tận hưởng khí hậu Địa Trung Hải pha trộn vùng biển Adriatic, với bốn mùa khí hậu thay đổi quanh năm.
Diện tích vào khoảng hơn 400km2, tương đương huyện Củ Chi (TP.HCM), nơi này từng là thủ đô của Cộng hòa Venice, một cường quốc về tài chính và hàng hải thời Trung cổ đến Phục Hưng. Sau các cuộc chiến của Napoléon và Đại hội Vienna, Cộng hòa Venice bị sáp nhập vào Đế quốc Áo, và trở thành một phần của Vương quốc Ý năm 1866.
Venice được biết đến là thành phố không đường bộ, không xe hơi, không xe đạp, với hệ thống kênh lớn nhỏ chằng chịt, và giao thông đường nước bận rộn vào bậc nhất thế giới.
Là một trong những điểm đến du lịch đắt đỏ nhất nước Ý và thế giới, Venice càng trở nên đắt đỏ, thiếu tiện nghi hơn, khi thành phố này đang đối mặt với chính sự độc đáo của mình: nước.
Dù không nghiêm trọng như Jarkata, Manila hay TP.HCM, Venice đang chìm dần khoảng 2mm mỗi năm. Với địa hình được gắn kết với nhau giữa 118 hòn đảo lớn nhỏ, Venice gánh chịu rất nhiều tác động từ cả thiên tai lẫn nhân tai.
Năm 2018, ba phần tư thành phố bị ngập vì mưa lũ ngay cao điểm thủy triều, nước dâng lên 156cm, khiến hàng ngàn du khách mắc kẹt. Trận lũ này nghiêm trọng chỉ sau trận lũ năm 1966, khi nước dâng 194cm khiến toàn thành phố bị cô lập suốt 24 giờ.
Chính phủ Ý đã triển khai hệ thống barrier chống lũ MOSE, gồm 78 cửa di động, nhằm bảo vệ thành phố và vùng đầm phá, được đánh giá là một trong những nỗ lực kỹ thuật dân dụng lớn nhất trên thế giới, trị giá 6,5 tỉ USD, từ năm 2003.
Khi thủy triều dâng khoảng 100cm, các cánh cửa này sẽ trồi lên khỏi mặt nước, ngăn nước tràn vào khu vực phía bên trong đầm phá. Cùng với các biện pháp gia cố bờ biển, nâng cao các bến cảng, và cải tạo đầm phá, MOSE có khả năng bảo vệ thành phố khi thủy triều dâng cao 3 mét, khi hoàn tất vào năm 2022, trễ hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Tên gọi gắn kết với những cư dân định cư trong khu vực từ thế kỷ thứ X trước công nguyên, Venice là một trung tâm thương mại buôn bán lụa, ngũ cốc, gia vị, và các tác phẩm nghệ thuật sầm uất từ thế kỷ XIII đến XVII.
Cả thành phố ngày nay như một bảo tàng, mọi viên gạch, viên đá hay góc phố, vách tường đều mang dấu tích lịch sử, với những điểm quyến rũ độc đáo riêng chỉ có tại đây. Nhưng du khách lại thường nói đến nơi này như một điểm hẹn tình yêu, một chứng nhân lịch sử cho hẹn thề của nhiều cặp tình nhân, được dùng làm bối cảnh của nhiều bộ phim tình cảm lãng mạn.
Những quảng trường lịch sử, những công trình nghệ thuật, những cây cầu trăm năm tuổi, những góc phố rêu phong, những bông hoa vươn ra khỏi cửa sổ soi mình trên dòng kênh, nhưng khu vườn tuyệt đẹp được che dấu phía sau các bức tường cổ kính, những hội chợ nghệ thuật, những dòng kênh len lỏi quanh các dãy nhà, tòa nhà, những con thuyền gondola chèo tay duyên dáng, dù chỉ là một bức vẽ nhỏ bé trên tường, hay là một công trình đồ sộ, tất cả đều tạo ra những kỷ niệm khó quên tại Venice cho bất cứ du khách nào khi đến thăm thành phố.
Tuy nhiên, phía sau sự lộng lẫy, hào nhoáng, thành phố đang oằn mình đương đầu với thách thức nghiêm trọng hơn, chứng kiến di sản ngàn năm bị đe dọa bởi chính những người đã và đang mang lại sự nổi tiếng, hấp dẫn cho Venice.
Trong kỷ nguyên của internet, truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội, thế giới trở nên nhỏ bé hơn. Du lịch tiết kiệm, kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cho nhiều người đến được những nơi, những thành phố huyền thoại trong lịch sử nhân loại. Nhưng, với vai trò là chủ nhân của các thành phố, nhiều người vẫn chưa nhận ra mức độ nghiêm trọng về sự xuống cấp của chính nơi mình đang sống, mức tốn kém trong chi phí duy trì, trùng tu, bảo quản các di sản, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho thành phố. Trên tất cả, bản chất cốt lõi, hay cái hồn làm nên nét riêng biệt của thành phố đang dần mờ nhạt vì sự ồn ào, quá tải và thiếu ý thức của du lịch đại trà.
Dân số tại Venice chỉ khoảng 280.000 người, tiếp đón gần 30 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Thành phố phải chi thêm hơn 40 triệu euro mỗi năm cho chi phí làm sạch, dọn rác và bảo trì các bờ kênh, cây cầu, các di sản văn hóa. Như vậy, mức thu thuần từ du lịch hiện nay chưa đủ để dùng tái đầu tư vào di sản, hay nói dễ hiểu hơn, du khách vẫn còn đang được tận hưởng các di sản một cách miễn phí không hợp lý.
Đón các tàu du lịch cỡ lớn từng là niềm tự hào của một thành phố với hệ thống giao thông chính là đường thủy. Những con tàu du lịch hạng sang, đầy đủ các dịch vụ như nhà hàng, phòng ngủ, phòng tắm, sân chơi thể thao, sòng bài, phục vụ hơn 2.000 khách, lênh đênh nhiều tháng trời trên các vùng nước, ghé hết nơi này đến nơi khác, tưởng chừng là một nguồn thu tốt cho bất cứ nơi nào nó ghé qua. Tuy nhiên, người dân Venice đã nhận ra, hứa hẹn và thực tế rất khác nhau.
Phần lớn du khách chọn ăn uống trên tàu và chỉ xuống tham quan thành phố vài giờ mà thôi, lại dùng rất nhiều đến dịch vụ vệ sinh, xả thải ra thành phố, dù các công ty du thuyền lobby rằng, họ mang lại khoảng 350 triệu USD mỗi năm cho nền kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, những chiếc du thuyền hạng sang này đang thải ra lượng khí lưu huỳnh - sulphur dioxide, tạo ra do quá trình nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy, cao hơn 20 lần so với tất cả các phương tiện giao thông khác tại châu Âu cộng lại. Barcelona, Palma de Mallorca và Venice là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ khí thải có liên quan mật thiết đến mưa axit và ung thư phổi này.
Một nghiên cứu mới đây cho rằng khoảng 200 du thuyền đang thải ra 62 kilo tấn sulphur dioxide so với 3,2 kilo tấn do khoảng 260 triệu chiếc xe hơn trên toàn châu Âu đang thải ra.
Mặc dù vấn đề đó vẫn đang tranh cãi, hồi tháng 6, một du thuyền mất kiểm soát lao vào một tàu nhỏ và cầu cảng tại kênh Giudecca, một trong những kênh huyết mạch của Venice, khiến thành phố phải áp lệnh hạn chế các du thuyền này di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố.
Tháng 5.2019, Venice công bố thu thêm 3 euro thuế đối với các khách du lịch đến đi trong ngày, áp dụng từ tháng 9.2019, dựa trên những chi phí sửa chữa, bảo trì các công trình, không gian công cộng bị khách du lịch đại trà gây hư hại, phá hỏng.
Thuế này được giao cho các đơn vị giao thông vận tải (tàu, thuyền, xe buýt, taxi, và các hãng hàng không) thu hộ, nói cách khác là sẽ được tính luôn vào vé xe tàu, hay máy bay vì đây là những đơn vị trực tiếp đưa khách đến thành phố hàng ngày.
Ước tính khoảng 1 triệu du khách sẽ là đối tượng áp dụng của mức thuế trên. Mức phạt dành cho những người trốn thuế này dao động từ 100 - 450 euro. Từ năm 2020, mức thu phí này sẽ tăng lên từ 6 - 10 euro/người tùy từng thời điểm cao thấp khách du lịch đến thành phố trong năm.
Các du khách ở lại qua đêm tại Venice sẽ không phải đóng mức thuế này, vì đã đóng chi phí qua đêm tại các khách sạn, nhà nghỉ. Ước tính thuế thu từ khách qua đêm tại khách sạn vào khoảng 37 triệu USD mỗi năm.
Venice chính thức tham gia nhóm các điểm đến áp những biện pháp thức tỉnh thái độ của khách du lịch, tăng hiểu biết và sự tôn trọng đối với các điểm đến hạn chế tiêu cực của du lịch đại trà, bên cạnh việc có ý thức giữ gìn các di sản. Nhiều biện pháp mạnh đã đưa ra, yêu cầu các du khách, nhà cung cấp khai thác dịch vụ du lịch và người dân tại địa phương ý thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trong phát triển, duy trì một thành phố bền vững, đáng sống một cách hợp lý và thuyết phục.
Nhật Bản bắt đầu đánh thuế du khách rời nước này 1.000 yen (9 USD) một người, nhằm có kinh phí phát triển và bảo trì cơ sở hạ tầng du lịch. Barcelona đã ngưng cấp giấy phép cho các dự án khách sạn mới nhằm hạn chế lượng khách, Paris cũng cấm các xe chở khách lớn vào thành phố và yêu cầu du khách chọn những tuyến đi lại thân thiện môi trường hơn, nhằm giảm kẹt xe.
Thị trưởng Venice cho biết sẽ triển khai một hệ thống từ năm 2022, yêu cầu bất cứ du khách nào khi muốn đến Venice sẽ phải đăng ký chỗ trước.
Theo Ninh Hạ/ Người Đô Thị