Câu chuyện thú vị đằng sau người thiết kế tòa tháp nghiêng Pisa

Du lịch - Ngày đăng : 14:16, 23/12/2019

Tháp nghiêng Pisa nằm ở thành phố Pisa, miền trung nước Ý. Tính đến năm nay thì tòa tháp đã được 846 tuổi và là kỳ quan nổi tiếng thế giới. Thế nhưng, người thiết kế công trình kiến trúc này luôn là bí ẩn đối với người hậu thế.

Và từng có nhiều tranh cãi xoay quanh việc ai là người làm nên công trình nổi tiếng này.

Mới đây, các học giả người Ý đã đưa ra thông tin về người được cho là đã thiết kế nên tòa tháp nghiêng Pisa dựa trên những phân tích đối với một phiến đá bí ẩn từng được tìm thấy dưới công trình hồi năm 1839. Trên phiến đá có khắc những dòng chữ cổ.

Phiến đá được cho là thuộc về vị kiến trúc sư sinh sống ở thành phố Pisa hồi thế kỷ 12, ông Bonanno Pisano. Phiến đá có khắc tên của vị kiến trúc sư viết bằng tiếng Latinh. Sau khi giải mã những dòng chữ vốn đã không còn nguyên vẹn, các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Scuola Normale Superiore tin rằng kiến trúc sư Bonanno Pisano là người đứng sau công trình nổi tiếng này.

Trong số những cái tên thường được đề cập đến có các kiến trúc sư Gherardo di Gherardo và Giovani di Simone.

Dòng chữ trên phiên đá sau khi được giải mã có nội dung như sau: “Tôi đã dựng nên công trình kỳ diệu này. Tôi là công dân của Pisa, tên là Bonanno”. Bonanno Pisano không chỉ là kiến trúc sư, ông còn là nghệ sĩ điêu khắc.

Theo các nhà nghiên cứu, việc tòa tháp bị nghiêng đã ảnh hưởng đến tâm lý người kiến trúc sư này. Công trình từng là niềm tự hào của ông nhưng gặp phải lỗi kỹ thuật, nên dòng chữ đáng tự hào này đã bị vứt bỏ dưới chân tòa tháp.

Lý giải về việc tòa tháp bị nghiêng do đặc điểm của vùng đất Pisa này khá mềm. Từ năm 600 trước Công nguyên, Pisa đã được xem là “vùng đất lầy lội” do đất nơi đây chủ yếu được cấu tạo từ cát, đất sét và bùn. Nguyên nhân thứ hai là vì nền móng của toà tháp này không đủ cứng và sâu để đỡ trọng lượng của tháp Pisa.

Tháp Nghiêng Pisa bắt đầu được xây dựng vào năm 1173 nhưng trước khi tầng thứ 3 được hoàn thành, hiện tượng bị nghiêng đã lộ và bị đình trệ, công việc lại được tiếp tục và hoàn thành ở thế kỷ 14.

Sau nhiều thế kỷ và nghiêng theo nhiều hướng, tòa tháp được thực hiện nhiều biện pháp sửa chữa như thay thế đất nền, thêm trụ chống, thanh giằng… để giữ cho tòa tháp được “an toàn”.

Tòa tháp không chỉ kỳ vĩ bên ngoài mà bên trong có 7 quả chuông ở đỉnh tháp, mỗi quả chuông đại diện cho một nốt nhạc chính, chiếc lớn nhất nặng tới 3,6 tấn. Tuy nhiên, để chiêm ngưỡng những quả chuông này thì người ta phải đi hết 250 bậc thang mới lên tới đỉnh tháp. Tuy nhiên, các nhà phục chế lo lắng rằng việc rung chuyển những chiếc chuông có thể khiến tháp nghiêng hơn nữa nên hoạt động này đã bị ngưng lại từ thế kỷ trước.

Với kiến trúc sư Bonanno, khi đã qua đời, ông cho rằng đây là sự thất bại và đáng xấu hổ trong sự nghiệp. Thế nhưng, ông đâu ngờ hàng trăm năm sau, tòa tháp nghiêng trở thành kỳ quan thế giới và là điểm du lịch hút khách chỉ vì sự nghiêng ngả này.

Hiện các nhà làm du lịch “khuyến cáo” du khách nếu có dịp hãy đến đây bởi các kiến trúc sư dự đoán rằng tòa tháp sẽ không bị đổ trong ít nhất 200 năm nữa và có thể trong một tương lai xa tòa tháp sẽ trở nên thẳng lại. Lúc ấy, tòa tháp nghiêng Pisa huyền thoại sẽ chỉ còn trong lịch sử và có lẽ sẽ làm nhiều du khách phải thất vọng.

Nhật Hạ (Tổng hợp)