Sóc Trăng: Sẽ có làng văn hóa Khơme đầu tiên

Du lịch - Ngày đăng : 14:07, 20/02/2020

Sáng 20.2, tại xã Phú Tân, H.Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), Công ty TNHH Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh và UBND H.Châu Thành đã tổ chức lễ khởi công xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên.
Khởi công xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên - Ảnh: Vũ Phong

Khu này do Công ty TNHH Văn hóa - du lịch Giếng Tiên Thảo Linh (TP.HCM) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Đại diện chủ đầu tư, nghệ sĩ Quyền Linh cho biết: “Dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên được xây dựng trên diện tích 9,9 héc-ta, bao gồm các hạng mục: phục dựng giếng Tiên, phục dựng nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Khơme. Khu này sẽ có bảo tàng trưng bày hiện vật của đồng bào Khơme, phục dựng tất cả các lễ hội của người Khơme, ẩm thực, văn hóa, âm nhạc của người Khơme; phục dựng các tượng Phật, khu vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian, phục dựng ghe Ngo, ghe Cà Hâu…

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là làng Khơme đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại tỉnh Sóc Trăng. Dự án sẽ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Khơme, đem lại sự giao lưu văn hóa của người dân Sóc Trăng nói riêng, của cả nước nói chung, trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào dân tộc Khơme ở địa phương”.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành cho biết: “Huyện rất vui khi Công ty TNHH Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh đầu tư xây dựng dự án này. Để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND H.Châu Thành đã hoàn tất việc hỗ trợ bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tiến hành các thủ tục pháp lý để chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Sau khi các hạng mục dự án khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên được hình thành và đưa vào hoạt động, ước tính sẽ thu hút khoảng 600.000 - 800.000 lượt khách tham quan mỗi năm”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết: “Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên sẽ gắn với các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh truyền thuyết Tháp Bốn Mặt Phật (chùa Bốn Mặt), chùa Chămpa, kết nối với các điểm du lịch tâm linh của các chùa ở Sóc Trăng như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Khleang, chùa Đất Sét. Và cùng khai thác các điểm mua sắm, dừng chân trên địa bàn các xã An Hiệp và Phú Tân sẽ góp phần làm điểm nhấn triển khai hoạt động du lịch thu hút khách trong và ngoài nước đến Sóc Trăng tham quan và chiêm ngưỡng”.

Theo truyền thuyết, giếng Tiên có từ bao giờ thì không ai xác định được chính xác, nhưng theo lời truyền tụng của các bậc cao niên thì giếng Tiên có cách đây cả ngàn năm. Nói là giếng nhưng không phải hình tròn và sâu như giếng ở nông thôn mà thực chất là một cái ao đầm rộng khoảng 3 héc-ta.

Khu được gọi là giếng Tiên - Ảnh: Vũ Phong

Trước đây, theo phong tục ở địa phương, người phụ nữ Khơme phải đi cưới chồng. Thấy điều này là bất công nên phụ nữ phản đối nhưng không được. Về sau, được sự tư vấn của 1 vị cao niên, chị em phụ nữ tổ chức bàn bạc, “thách đấu” với cánh đàn ông bằng việc tổ chức thi đào giếng.

Theo lời thách đấu, trong 1 đêm, nếu bên nào đào xong giếng trước là bên chiến thắng và bên thua cuộc phải đi cưới bên thắng cuộc. Mới nghe các phụ nữ thách đấu như vậy, cánh đàn ông cho rằng đào đất không phải là sở trường của phụ nữ, vốn là phái yếu, chân yếu tay mềm nên các ông vui vẻ nhận lời.

Về phía những phụ nữ, biết sức mình không bằng cánh đàn ông trong đào đất nên các bà, các chị bàn với nhau dùng mẹo để “trị” cánh đàn ông. Theo qui định, các ông đào giếng ở phía bên kia đường, các bà đào giếng phía bên này đường (cách nhau khoảng gần 1 km). Ở phía mình, các bà cho đốt đèn treo lên cao cho sáng để đào giếng, đồng thời khi đào thì tất cả đều… ở trần, một phần vì đào đất nặng nề nóng nực đổ mồ hôi, một phần là… mẹo của các bà.

Về phía các ông, sau khi cuộc thi đào giếng được tiến hành, dù biết mình là phái mạnh, quen thuộc với công việc nặng nhọc nhưng vẫn lo lo vì không biết các bà bên đây đào giếng như thế nào nên cử một vị đi do thám. Thấy người đi do thám lâu chưa về, các ông lại cử người khác đi tìm xem thế nào và người này cũng không thấy về báo cáo tình hình.

Cứ thế, cử người nào đi cũng không thấy trở về nên nhiều người cũng bí mật sang phía các bà đào giếng xem sao. Khi đến nơi, sự thật mới được hé mở. Hóa ra, khi sang kiểm tra tình hình, các ông thấy các bà ở trần nên lo ngắm nhìn mà quên mất nhiệm vụ của mình là về báo cáo.

Cũng vì nhiều người đi không quay lại nên kết thúc cuộc thi khi trời sáng, giếng các bà đào được sâu hơn, còn giếng của các ông đào chưa được bao nhiêu nên thua cuộc. Từ đó về sau, người đàn ông phải đi hỏi cưới người phụ nữ về nhà làm vợ.

Riêng các ông, do bí mật sang do thám nên không dám đi như bình thường mà phải bò để không bị các bà phát hiện. Và do có hàng trăm, hàng ngàn người bò sang phía giếng các bà nên khu vực đào giếng vốn là đất giồng cát cao đã trở thành cái hào giao thông khá sâu, vẹt hẳn xuống. Hiện nay, con đường này được cho là vẫn còn.

Bên cạnh đó, còn có một truyền thuyết khác về giếng Tiên. Theo lời kể, ngày xưa, vùng đất này không có nước ngọt, người dân sống trong cảnh nghèo nàn cơ cực, một phần vì đất đai cằn cỗi, một phần vì thiếu nước. Vì vậy, bà con ngày đêm cầu xin trời phật cứu giúp bằng việc cho 1 mạch nước ngọt trong lành, mát mẻ.

Lời khẩn cầu của người dân thấu đến Ngọc Hoàng. Giữa lúc Ngọc Hoàng đang nghĩ cách để giúp người dân thì xảy ra chuyện bất hòa giữa Tiên Ông chăn trâu và Tiên Bà giặt lụa. Phía Tiên Ông cho rằng, Tiên Bà giặt lụa làm ô uế nguồn nước trâu uống; còn Tiên Bà bảo Tiên Ông lùa trâu xuống làm bẩn nước giặt lụa. Không ai chịu ai nên cả 2 mong Ngọc Hoàng phân xử.

Nghe xong, Ngọc Hoàng phán: Để biết ai đúng, ai sai, truyền cho Tiên Ông và Tiên Bà nội trong 1 đêm mỗi bên phải đào được 1 cái giếng nước ngọt ở dưới trần gian (tức là địa phận xã Phú Tân ngày nay). Bên nào đào được giếng sâu hơn và có nhiều nước ngọt hơn thì bên đó thắng kiện. Khi trăng vừa xuất hiện, Tiên Ông và Tiên Bà cưỡi hạ mây xuống Phú Tân để đào giếng theo lời phán của Ngọc Hoàng.

Cũng giống như câu chuyện phía trên, khi tiến hành đào giếng, các Tiên Ông lo lắng không biết giếng của các Tiên Bà đào có lớn và sâu bằng giếng của mình không, nên vị Tiên chỉ huy sai một vị Tiên khác đi do thám. Bên này, các Tiên Bà thoát y khi tiến hành đào giếng nên vị Tiên Ông đi do thám phát hiện cảnh tượng độc đáo đó đã mê mẩn người, chỉ lo ngắm nhìn mà quên mất nhiệm vụ được giao của mình.

Các Tiên Ông chờ mãi không thấy vị Tiên kia về nên cử người khác đi tìm. Cứ thế, hết vị này đi tới vị khác đi và cũng không thấy ai trở về. Cuối cùng, các Tiên Ông đều có mặt phía bên phần đất các Tiên Bà thi công. Cuộc thi kết thúc, phần thắng thuộc về phía các Tiên Bà khi giếng đầy nước ngọt trong lành; còn giếng của Tiên Ông cạn trơ, khô khốc. Từ đó về sau, người dân địa phương có nước dùng thoải mái trong sinh hoạt và sản xuất.

Theo người dân địa phương, Giếng Tiên không chỉ là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, mà còn được nhiều người ở đây truyền cho nhau nghe về sự kỳ diệu khi nhiều cặp vợ chồng lấy nhau lâu nhưng chưa có con đã tìm về giếng Tiên, đến trước bàn Tế Thiên dâng hương cầu xin các vị Tiên giúp đỡ cho con cái và được toại nguyện.

Vũ Phong