Bông giấy trên các giải phân cách, cần trồng nhiều hơn!
Du lịch - Ngày đăng : 11:26, 27/03/2020
Theo Zing.vn (26.6.2016) “Kinh phí dự toán để duy trì, duy tu, cắt tỉa cây hoa, thảm cỏ Hà Nội năm 2016 là 886 tỷ. Sau khi tính lại đơn giá, siết định mức, còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm được 708 tỷ đồng”. Theo kiểm toán trung ương, trong ba năm (2016 - 2018), Hà Nội chi 256 tỷ đồng trồng cây xanh và 187 tỷ đồng cho chăm sóc (PLO 10.12.2018). Dự án Quản lý, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn TP.HCM 3 năm được Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt là 2.026,6 tỷ đồng (baodauthau ngày 4.5.2020).
Ở các nước, công viên và cây xanh hai bên đường thường là cây tự nhiên, có chọn lọc. Vừa ít tốn công chăm sóc, vừa tạo cảnh quan gần gũi, không bị gò bó. Khó mà thoải mái khi chung quanh toàn những cây cảnh cắt tỉa, uốn bẻ cầu kỳ như kiểu tra tấn thiên nhiên, bỏ tù cây cỏ. Chẳng nước nào lấy công viên làm hội chợ, dù sau đó cỏ cây được tái tạo. Cây xanh đô thị bị đóng đinh, treo đủ thứ quảng cáo thập cẩm. Từ pano, cổng chào, băng rôn, quấn điện đến “yếu sinh lý”…
Cây công trình tạp nham, đủ loại ngoại lai, có cả độc hại. Khó chịu nhất là cây kiểng trên dải phân cách nhiều trục lộ giao thông, kể cả cao tốc. Công nhân phải chăm sóc trong điều kiện nguy hiểm, tốn kém. Không ít du khách khó chịu, thắc mắc. Hỏi người trong cuộc, họ chỉ cười. Thiên hạ bảo, không cầu kỳ sao vẽ tiền. Mua toàn cây nội sao lại quả. Đèn đường xứ họ cũng lù mù, dù giàu sụ. Không chỉ để tiết kiệm Mà còn giảm khí thải.
Singapore nổi tiếng là đảo xanh. Phòng khách sạn bí rị mà công viên và mảng xanh thì phóng khoáng. Ấn tượng nhất là đường cao tốc từ sân bay Changgi về trung tâm. Dải phân cách dài gần 20 km toàn cây bông giấy đủ màu, rực rỡ khoe sắc, đọ dáng với cây xanh và những mảng cỏ tự nhiên ven đường. Gần đây, Ở Việt Nam, nhiều đoạn đường cũng trồng cây bông giấy.
Bông giấy, loài dây leo thân mộc, có gai. Nhụy hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành cụm, bao quanh bởi các lá bắc màu cầu vồng và mỏng như giấy nên gọi là hoa giấy, tên khoa học là Bougainvillea. Lá cành màu xanh lục sẫm. Lá bắc, không phải là cánh hoa, nhiều màu, bao quanh nhụy. Bông giấy thích thời tiết nóng hạn, dễ chiết cành, ít sâu bệnh, hoa nở quanh năm. Trời càng nắng, tưới càng ít, càng rực rỡ, lá bắc nhiều hơn lá cành, rất lâu rụng.
Dù không có hương (hoa anh đào cũng không có hương) nhưng hoa giấy rực rỡ và bền sức, ít loại nào sánh kịp. Thân có gai nhỏ, dùng làm hàng rào, dải phân cách đường thì không có đối thủ. Cây có thể ghép màu, một thân bảy sắc, uốn thành bonsai, làm điểm nhấn trong công viên, vườn kiểng, tạo tiểu cảnh selfie...
Trên các dải phâi cách, bông giấy kích thần kinh thị giác, giảm căng thẳng, chống sự phân tâm, mệt mỏi. Quan trọng nhất là dễ trồng, chăm sóc đơn giản, ít tốn kém. Trồng bông giấy, tiết kiệm được mấy lần so với nhiều cây đang được cắt tỉa cầu kỳ, tốn cả công sức lẫn tiền bạc.
Là dây leo và có gai nên dễ đeo bám, thân mộc cứng nên có thể lảm cổng, làm giàn tạo bóng mát lối đi hoặc phủ mái thành nhà hoa. Làm sao để bông giấy thành cây chủ lực trên các dải phân cách, dọc các lối đi, là hàng rào bao quanh địa giới các vùng, các điểm đến, thậm chí làm cổng và tường rào mỗi nhà có điều kiện. Du lịch được bắt đầu từ những sự khác biệt dễ làm và ấn tượng như vậy.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng