Bảo tàng lúa gạo ở Malaysia

Du lịch - Ngày đăng : 09:20, 07/04/2020

Nhìn từ xa, bảo tàng Paddy Museum tựa những kho thóc khổng lồ.
Ảnh: Culture Trip

Được xây dựng trên khu đất thuộc cơ quan Phát triển Nông nghiệp Malaysia, khánh thành và khai trương ngày 12.10.2004; bảo tàng có 3 tầng với tổng diện tích 12.000 m2. Nhìn từ xa, bảo tàng tựa những kho thóc khổng lồ. Các họa tiết gạo là hoa văn chủ đạo trang trí mặt tiền bên ngoài và được sử dụng trên lan can trong nội thất. Bảo tàng giới thiệu quá trình sản xuất, trưng bày các giống lúa, các thiết bị và công cụ được sử dụng trong canh tác lúa qua nhiều thời đại và ở từng quốc gia khác nhau từ trước đến nay.

Bảo tàng lúa gạo Paddy ở Malaysia - Ảnh: TripAdvisor

Bước vào bảo tàng, cầu thang xoắn ốc trang trí giống bên trong hang động, dẫn lên tầng trên để xem phim tư liệu và thưởng ngọan toàn cảnh 360 độ những bức tranh tường cực kỳ sống động đến từng chi tiết, hơn cả 3D hiện đại. Các tuyệt tác đồng quê chân thực được thực hiện bởi 60 họa sĩ chuyên nghiệp đến từ Bắc Triều Tiên, sau cả tháng lao động cật lực.

Bù nhìn trên ruộng lúa trong bảo tàng.
Từ lan can cầu thang bên trong bảo tàng nhìn ra bức tranh tường ngỡ cánh đồng bất tận.

Có cảm giác như đang đứng giữa đồng quê trữ tình, bát ngát chứ không phải trong bảo tàng. Các khu vực trưng bày nông cụ, công cụ, vật dụng nhà nông phong phú. Hình tượng “bù nhìn” đuổi chim chóc” tạo không gian gần gũi của người nông dân trồng lúa mà nước nào cũng có. Những hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và những nông cụ quen thuộc như gàu tát nước, xa nước; các dụng cụ cày, bừa, xới, gặt, đập, quạt tách lúa lép… gợi nhớ về bao công việc vất vả của nhà nông.

Với dân số chưa tới 33 triệu người, diện tích 329.847 km2. Malaysia chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu gạo. Số còn lại phải nhập khẩu nhưng có bảo tàng Lúa Gạo ấn tượng. Bang Kedah có diện tích 9.500 km2, dân số khoảng 2 triệu người, nổi tiếng với công viên Địa chất Toàn cầu Langkawi. Paddy Museum là điểm nhấn du lịch của bang. Theo tiếng Mã Lai, Kedah là "kho thóc", chiếm 1/3 sản lượng lúa của Malaysia.

Những bức tranh tường sống động hơn tranh 3D do 60 nghệ sĩ Bắc Triều Tiên thực hiện

Nói về lúa gạo, Việt Nam được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, trước khi hình thành nước Việt Cổ, mấy ngàn năm TCN và hiện là nước xuất gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Theo sản lượng, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới; sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và trên Thái Lan, xếp thứ 6. Cây lúa còn được thể hiện trang trọng trên quốc huy Việt Nam, như quốc hoa không chính thức.

Gạo có mặt trong từng bữa ăn của người Việt. Ngoài hàng chục loại cơm còn có hàng trăm thực phẩm chế biến từ gạo. Người Việt khó mà sống nếu thiếu cơm, trừ khi ra nước ngoài, phải thích nghi với ẩm thực bản địa để tồn tại. Cơm còn được ví là vợ, nhân vật quan trọng nhất trong mỗi gia đình. Gạo ST25 Việt Nam vừa giành quán quân cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2019” lần thứ 11, trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ 10 – 13/11/2019.

Là cây lương thực quan trọng nhất nên thế giới có nhiều bảo tàng về lúa gạo. Năm 1970, bảo tàng Lúa gạo ở Goergetown, Nam Calorina (Mỹ) khai trương; nơi trưng bày, lưu giữ bộ sưu tập diorama, bản đồ, tranh vẽ, hiện vật và các triển lãm khác kể về lịch sử trồng lúa. Rộng nhất là bảo tàng Longping Rice, rộng 17.200m2 ở Hồ Nam, Trung Quốc; khai trương từ 2016. Yuan Longping, là nhà khoa học, nhà giáo dục nông nghiệp "cha đẻ của lúa lai", tăng năng suất lúa, giúp Trung Quốc trở thành nước có sản lượng gạo đứng đầu thế giới, dù vẫn phải nhập khẩu gạo vì dân số quá đông.

Nhật Bản có bảo tàng Lúa Gạo ở Uwa, Seiyo, tỉnh Ehime; nối kết với các cánh đồng lúa. Hàn Quốc có bảo tàng Lúa Gạo ở Seoul. Bảo tàng Lúa Gạo Thái Lan ở quận Mueang Suphanburi, tỉnh Sunphanburi. Với tôi, ấn tượng nhất trong các bảo tàng Lúa Gạo là Paddy Museum (Paddy tiếng địa phương là Cây Lúa) ở Alor Setar, bang Kedah, Malaysia.

Văng vẳng bên tai câu ca dao nhắc nhở “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muốn phần”. Là dân Hái Lúa, sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, đứng giữa bảo Paddy Museum của Malaysia, nước đang phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tôi mơ ước quê mình có bảo tàng Lúa Gạo đúng nghĩa. Đó là nơi các nhà nông học và những nông dân bao đời dầm mưa dãi nắng, đãi ngọc cho đời; được ghi công trân trọng, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt.

Mong ước này chưa biết bao giờ mới thành hiện thực?

Nguyễn Văn Mỹ - Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng