Cà Mau: Lạ lùng cách làm du lịch ‘bụi’ của người dân xứ rừng ngập mặn
Du lịch - Ngày đăng : 10:32, 15/05/2020
Kỳ bí về “thần hổ” từng lảng vảng dưới gốc đước cổ thụ
Giữa cái nắng oi bức, vô cùng khắc nghiệt của những ngày tháng 5, chúng tôi có chuyến công tác về H.Ngọc Hiển - vùng đất cuối trời cực Nam của Tổ quốc. Thật tình cờ khi chúng tôi được anh Lê Minh Tỵ (Tư Tỵ, ngụ TT.Rạch Gốc) nhận lời làm hướng dẫn viên miệt vườn đưa đi tham quan và tận mắt chứng kiến về một cây đước cổ thụ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi rất bề thế nằm sâu trong khu rừng ngập mặn.
Cây đước già sừng sững, hiên ngang rợp bóng mát cả một khu vực. Theo ước lượng của chúng tôi, cây đước có chiều cao từ hơn 20 mét, riêng bộ rễ, gốc cây rộng khoảng 100 mét vuông. Anh Tư Tỵ khoe: “Đây là cây đước giống mấy đời của gia đình tôi đấy, cây cho trái giống để tôi trồng trên vuông tôm gần chục héc-ta lận đó. Quý lắm! Nó là cây đước cổ độc nhất vô nhị ở xứ Ngọc Hiển này đó”.
Du khách đến tham quan, chụp ảnh tại cây đước cổ thụ - Ảnh: Trần Khải
Theo tìm hiểu của PV, nơi cây đước cổ tọa lạc, theo tương truyền thì trước đây, những lúc đi rừng thăm vuông đêm khuya, dưới ánh trăng mờ ảo, từng có người nhìn thấy bóng dáng của một con cọp trắng (còn gọi là bạch hổ) nằm ngủ. Tuy nhiên, sau vài lần nhìn thấy, thì bóng dáng của con cọp trắng không còn xuất hiện nữa.
Có người nói, người này hoa mắt, chứ ở xứ rừng này làm gì có cọp. Tuy nhiên, theo lời một cụ cao niên ở địa phương kể lại: “Trước đây, ở xứ rừng này um tùm, hoang sơ nên cũng có cọp sinh sống nhiều. Sau này, chiến tranh, rồi dân đi khẩn hoang mở cõi nên cọp bị tuyệt chủng hoặc bỏ đi nơi khác. Ở đây có cọp chứ không phải là không có, nhưng đã xưa rồi”.
Từ đó, giai thoại về thần hổ từng trấn yểm và sinh sống ở cây đước cổ chuyên che chở, giúp đỡ người dân được nhiều người biết đến. Thế nên, nhiều người tâm linh thường hay lui tới để khấn vái, cầu mong chuyện mùa màng bộ thu, gia đình sung túc, hạnh phúc.
Còn ông Bạc, người dân ngụ ở địa phương kể: “Tôi nghe về sự xuất hiện của ông bạch hổ ở cây đước cổ và từng có người đồn nói ở đây, nếu ai gặp khó khăn gì đến cây đước cầu khấn là sẽ thành hiện thực. Tôi mấy lần xổ vuông mất mùa, đến đây cầu xin ông thần ở cây đước là con nước tới xổ trúng ào ào luôn. Lạ vậy đó, cây được cổ này có điều huyền bí, huyễn hoặc lắm đó, chớ đừng ai xem thường”.
Cảm giác tự câu cá thòi lòi cũng rất thú vị - Ảnh: Trần Khải
Theo lời anh Tư Tỵ, cây đước cổ tọa lạc trên phần đất của gia đình anh giống như một điểm tựa về tinh thần. Điều lạ là, nó đã phù trợ cho gia đình anh suốt mấy đời nay, luôn hưng thịnh. Bởi thế, hướng tới, anh Tư Tỵ sẽ xây dựng khu vực cây đước cổ để làm điểm thu hút khách du lịch đến tham quan và gửi gấm niềm tin đối với thần linh về một đấng siêu nhiên nào đó.
“Sắp tới tôi sẽ xây dựng khu vực tham quan xuyên rừng về tâm linh ở cây đước này. Đồng thời, tôn tạo, phục dựng lại các khu vực hầm, huyệt trú ẩn của du kích ngày xưa. Để khi đến đây, du khách được trải nghiệm và liên tưởng đến một thời gian khó của cha ông trong chiến tranh”, anh Tư Tỵ cho hay.
Trải nghiệm cảm giác ngủ trong rừng, tự bắt tôm cá
Vi vu về miệt xứ rừng đước Ngọc Hiển vào những ngày nắng nóng, đêm đến, dưới ánh trăng mờ ảo, chúng tôi có được một cảm giác thật yên bình giữa thiên nhiên đầy thơ mộng. Tiếng côn trùng vẫn kêu văng vẳng inh tai, mùi gió nhẹ thoảng qua góp phần xua tan cái nắng nóng vốn rất oi bức của ngày hè.
Du khách trải nghiệm tự giăng lưới bắt cá trong vuông - Ảnh: Trần Khải
Đang miên man tận hưởng tiết trời mát mẻ yên bình từ thiên nhiên, thì bỗng nhiên anh Tư Tỵ vỗ vào vai, khiến tôi phải giật mình, anh bảo: “Thay đồ, đi với anh”, tôi hỏi ngược lại: “Đi đâu vậy anh”, “Đi xổ vuông, sướng lắm”, anh Tư Tỵ nói. Thế là anh em chúng tôi lại cùng nhau xuống xuồng phóng vèo một cái, đến cống xổ. Đến đây, giữa bốn bề là rừng đước, gió thổi hiu hiu, anh Tư Tỵ vội giật lấy tay quay (dụng cụ dùng để giật miệng cống xổ vuông - PV) rồi hì hục giật cống xổ vuông.
Khi miệng cống được giật lên khỏi mặt nước, thì nước ở trong vuông chảy túa ra bên ngoài sông trông rất lạ mắt, tôm cá bắt đầu búng tí tách trong lú (dụng cụ dùng để bắt tôm cá - PV). Tranh thủ thời gian chưa kéo lú lên để bắt cá tôm, anh Tư Tỵ bắt đầu đi nhặt củi khô để đốt lửa chuẩn bị nướng cá. Anh nói: “Một hồi, tranh thủ lửa than, em nướng cá tôm coi cảm giác ăn đồ tươi sống, chuẩn thiên nhiên là như thế nào nhé”.
Xổ vuông tầm 1 tiếng, thấy tôm cá vào lú đã nhiều, lúc này anh Tư Tỵ đã bắt đầu đóng miệng cống để thu lú bắt tôm cá. Khi lú được đưa lên bờ, đổ vào thùng để phân loại. Lúc này, trước mắt chúng tôi nào là tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cá đói, cá nâu… đủ loại. Con nào con nấy sống, tươi nguyên rất chất lượng.
Những căn chòi lá giữa rừng giúp du khách có một chuyến đi khó quên - Ảnh: Trần Khải
Sau đó, tôi bắt một mớ đem nướng rồi cùng anh Tư Tỵ nhâm nhi vài ly rượu đế. Trời ơi, ta nói nó sướng còn gì bằng! Khi trong người đã lâng lâng vì men rượu. Lúc này, anh Tư Tỵ rủ tôi đi bắt ba khía, dưới ánh đèo leo loét, những con ba khía chắc thịt được bắt lên, bỏ vào can nhựa bò lổm cổm rất vui mắt.
Lạ kỳ, khi ánh đèn chiếu thẳng vào con ba khía là chúng nằm im, không động đậy để cho người đến bắt. Anh Tư Tỵ nói: “Bắt ba khía phải đeo bao tay, để tránh bị trúng kẹp, đau lắm. Ba khía là thứ dân dã ở xứ này, nhưng chúng lại là đặc sản của dân nhà giàu đó. Nó chế biến được nhiều món ăn lắm, nào là rang me, luộc mẻ, nướng mọi, muối… Từ lâu ba khía muối đã trở thành đặc sản, đi khắp mọi miền đất nước đó”.
Khi chúng tôi bắt được tầm chục con. Lúc này, anh Tư Tỵ nói nghỉ và lên bờ bắt đầu nướng ba khía để tận hưởng món quà từ thiên nhiên. Vì bất cẩn, tôi đã bị ba khía kẹp vào tay đau điếng. Nhưng đó lại là cảm giác khó quên, khiến tôi nhớ mãi. Ba khía nướng lên, có mùi thơm rất đặc trưng của vùng đất bãi bồi. Ăn vào thì ngọt và phảng phất mùi hương thơm của lá đước. Dưới ánh trăng ngà ngà, cùng gió rừng hiu hiu, cảm giác sống ở miền quê thật là thú vị.
Nội thất bên trong rất đơn sơ, mộc mạc - Ảnh: Trần Khải
Đêm về, anh Tư Tỵ còn cho tôi riêng một căn chòi ngủ giữa rừng, anh nói với tôi cứ ngủ thử đi, rồi sau này còn nhớ đến anh, nhớ đến những người làm du lịch “bụi” như anh ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc này. Phải nói rằng, đêm ấy thật đáng nhớ với tôi, một cảm giác thư thả ùa về, làm xua tan bao mệt nhọc sau những ngày mệt mỏi vì công việc.
Sau một đêm, ăn ngủ cùng nông dân xứ rừng, thứ mà chúng tôi thu gom được đó là sự gần gũi, mộc mạc, bình dị và mến khách của người dân bản xứ. Khi tôi từ giã ra về, anh Tư Tỵ không quên dúi vào tay tôi mớ tôm đất vừa mới xổ vuông đêm hôm, còn tươi rói. Thấy tôi dùng dằng, anh nói: “Em cứ tự nhiên, đây là tấm lòng của anh, ở đây anh chẳng có gì cao sang, nhưng thứ dân dã như vầy thì anh không thiếu. Hôm nào trở xuống cùng anh đi thụt lịch, bắt cua biển, săn cá thòi lòi nhé, thú vị lắm”.
Trần Khải