Cuộc đời kỳ lạ và đầy bi kịch của Frida Kahlo, 'thánh nữ' hội họa thế kỷ 20

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 17:17, 26/01/2019

Hàng ria mép mờ và đôi lông mày rậm là ấn tượng đầu tiên công chúng nhớ đến khi nói về Frida Kahlo. Cuộc đời của nữ danh họa cũng kỳ lạ và đầy bi kịch như chính vẻ ngoài của bà.

Ra đi ở tuổi 47 sau những biến cố lớn trong đời, gia tài mà Frida Kahlo để lại cho thế giới hội họa là 143 bức tranh đầy ám ảnh. Trong số đó, hết 55 bức là bà tự họa chính mình. Đau đớn, tuyệt vọng nhưng cũng đầy sức mạnh, nội tâm sâu sắc của Frida được truyền tải qua các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực và siêu thực. Mỗi bức tranh ẩn chứa một câu chuyện riêng về cuộc đời thăng trầm mà bà đã trải qua.

Frida Kahlo bên giá vẽ. Tronh ảnh, bà đang vẽ bức tranh Portrait of Mrs. Jean Wight (1931)

Tuổi thơ đầy mặc cảm của Frida Kahlo

Frida Kahlo mắc chứng bại liệt từ năm lên sáu tuổi. Tuổi thơ của bà gắn liền với giường bệnh và những tháng ngày tập đi trong đau đớn. Nếu không có sự khuyến khích và giúp đỡ của cha, Frida Kahlo đã không thể vượt qua. Cha đã động viên bà chơi đá bóng, leo cây, chèo thuyền và luyện võ. Dù vậy, mọi nỗ lực của cô gái nhỏ dường như không được đền đáp. Chân phải càng ngày càng teo nhỏ khiến Frida mặc cảm hơn về bệnh tật. Để che giấu đôi chân lệch cũng như tái hòa nhập khi quay trở lại trường học, bà mang nhiều tất và khai gian ba tuổi.

Frida Kahlo sinh năm 1907, nhưng bà nói dối thành 1910. Có giả thuyết cho rằng, bà làm vậy bởi vì muốn tạo sự trùng hợp với lịch sử khi 1910 là năm cách mạng Mexico diễn ra. Đây cũng là năm khởi nguyên của xã hội Mexico hiện đại.

Năm 1922, Frida là một trong số 35 sinh viên nữ duy nhất được nhận vào trường Escuela Nacional Preparatoria. Ước muốn của bà là theo học chuyên ngành dược ở đại học. Bà ngưỡng mộ họa sỹ Diego Rivera và những tác phẩm của ông khi Diego đến vẽ bức tranh tường The Creation tại trường bà. Tuy vậy lúc đó, với Frida, nghệ thuật chỉ là một sở thích thoáng qua.

Chuyến xe định mệnh

Những tưởng cuộc sống của Frida Kahlo trở nên bình lặng sau những khó khăn về bệnh tật, nhưng chuyện không may tiếp tục xảy ra với bà. Biến cố lớn thứ hai xảy ra năm 1925. Khi ấy bà 18 tuổi. Chuyến xe buýt xảy ra tai nạn khi Frida cùng bạn trai Alejandro Gomez Arias trên đường về nhà. Tác phẩm The Bus (1929) được xem là mô tả khoảnh khắc cuối cùng của những người có mặt trên xe trước khi nó đâm vào một chiếc tàu điện.

Tai nạn kinh hoàng cướp đi mạng sống của nhiều người. Không ai nghĩ Frida sống sót, nhưng bà đã thoát chết như một phép màu. Frida kahlo bị thương rất nặng. Một cái thanh vịn bằng sắt đâm xuyên phần hông của bà. Cột sống và xương chậu xiêu vẹo khiến cho bà phải sống quãng đời còn lại trong đau đớn khôn xiết về thể xác. Buồn hơn cả, bộ phận sinh dục bị tổn thương đã cướp đi quyền làm mẹ của Frida.

Trong khoảng thời gian nằm viện, cha bà đã tạo ra những giá vẽ đặc biệt để giúp con gái có thể nằm vẽ trên giường bệnh. Frida Kahlo hoàn thành bức tự họa đầu tiên Self-portrait in a Velvet Dress vào năm 1926. Đây được xem là một minh chứng tình yêu bà dành cho Alejandro Gomez Arias. Trong bức tranh, Frida mặc một chiếc đầm nhung màu đỏ rượu và trông như một nàng công chúa. Bà gửi cho Alejandro bức tranh với hy vọng người bạn trai sẽ luôn nghĩ về mình. Buồn thay, mong muốn cải thiện mối quan hệ với Alejandro không thành. Tháng 3-1927, Alejandro chuyển đến châu Âu sống do cha mẹ ngăn cản mối quan hệ của hai người.

Frida Kahlo từng nói: “Tôi vẽ chính mình vì tôi cô đơn. Và vì con người tôi chính là thứ mà tôi thấu hiểu nhất”. Cuộc sống của bà được bao quanh bởi những chiếc gương: trước tủ quần áo, kế bên bàn trang điểm, thậm chí gương còn được treo ở trên tường của chòi nghỉ trong vườn. Đây chính là cách dễ nhất để Frida ngắm nhìn và tự vẽ chính mình.

“Tôi không biết những tác phẩm của mình có phải là siêu thực hay không. Tôi chỉ biết rằng chúng là cách mà tôi thể hiện cảm xúc của chính mình.”

Tác phẩm The Broken Column (1944), phản ánh sức mạnh nội tại của Frida dù cơ thể bà phải chịu rất nhiều đau đớn do di chứng từ tai nạn
Tác phẩm Self-Portrait with Cropped Hair (1940), ra đời sau khi Frida ly thân với Diego Rivera
Tác phẩm Moses (1945)

Frida Kahlo và Diego Rivera: tình yêu và nỗi đau

Frida Kahlo và Diego Rivera gặp lại nhau vào năm 1928 khi bà tham gia vào Đảng Cộng sản Mexico. Hai người phải lòng nhau dù bị gia đình Frida ngăn cản. Mối quan hệ tình cảm ấy sau này trở thành nguyên do chính để bà vẽ nên những tác phẩm tự họa đầy bi thương. Hai người kết hôn vào tháng 8-1929. Khi ấy, Frida mới 22 tuổi. Còn Diego đã 43 và trải qua một đời vợ. Diego đã là một nghệ sỹ vẽ tranh tường nổi tiếng trong khi Frida chỉ mới bén duyên với nghệ thuật.

Các tác phẩm của bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ chồng mình, dù cho cuộc hôn nhân của họ không mấy hạnh phúc. Cả hai đều nóng nảy, tâm trạng thất thường và lăng nhăng. Frida Kahlo là người lưỡng tính. Bà quan hệ với cả đàn ông và phụ nữ. Diego Rivera chấp nhận những mối quan hệ đồng giới của vợ, nhưng ghen với những quan hệ nam-nữ của Frida.

Vốn tính trăng hoa, Diego có rất nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Ông vụng trộm cả với Cristina, em gái của Frida, khiến bà vô cùng đau khổ và tức giận. Bức Memory, the Heart (1937) diễn tả sự tổn thương của Frida. Họ ly thân nhiều lần, cuối cùng vẫn trở về với nhau. Tuy nhiên, Diego Rivera không bỏ được thói bay bướm. Ông khiến Frida liên tục rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Bà cắt phăng mái tóc dài mà Diego yêu thích để tỏ thái độ bất mãn đối với sự phản bội. Nỗi đau này được thể hiện qua tác phẩm Self-Portrait with Cropped Hair (1940).

Chủ nghĩa hiện thực hay siêu thực?

Những trải nghiệm trong hôn nhân, những lần sảy thai và đau đớn vì bị phản bội là chủ đề chính trong các tác phẩm của Frida Kahlo. Trong những bức tranh, người xem có thể thấy rất rõ hiện thực tàn khốc và sự chịu đựng của bà. Từ năm 1932, các tác phẩm của Frida thêm nhiều yếu tố hiện thực và siêu thực, điển hình như bức Henry Ford Hospital (1932).

Trong nỗi đau tột cùng vì sảy thai đứa con trai đầu lòng với Diego, bà tạo nên bức tranh đầy ám ảnh. Thân thể trần truồng của Frida chảy máu không ngừng trên giường bệnh cùng sáu chủ thể vây quanh. Tác phẩm mô tả trạng thái bất lực và mất kết nối mà bà đang trải qua. Yếu tố hiện thực và ảo ảnh được kết hợp và miêu tả sinh động theo phong cách cởi mở, nguyên sơ.

Bà cũng nổi tiếng với phong cách ăn mặc cầu kỳ. trang phục của bà mang đậm bản sắc mexico. bà thích sử dụng nhiều phụ kiện, hoa cài đầu và trang điểm đậm. Cùng với gu thời trang sặc sỡ, các tác phẩm của frida cũng thể hiện văn hóa bản địa và những biểu tượng. những chú khỉ là một ví dụ. với bà, chúng chính là hiện thân của sự chở che và dịu dàng, dù trong văn hóa Mexico, khỉ là hình ảnh của sắc dục.

Frida Kahlo tham dự buổi triển lãm “International Exhibition of Surrealism” năm 1940 tại Galeria de Arte Mexicano. Hai tác phẩm mà bà trưng bày tại đây là The Two Fridas (1940) và The Wounded Table (1940). Các nghệ sỹ trường phái siêu thực cho rằng Frida Kahlo theo chủ nghĩa siêu thực.

Bà phủ nhận điều đó: “tôi không biết những tác phẩm của mình có phải là siêu thực hay không. Tôi chỉ biết chúng là cách mà tôi thể hiện cảm xúc của chính mình. Các chủ thể trong tác phẩm của tôi thường là sự cảm nhận, trạng thái tinh thần và những phản ứng cuộc sống để lại trong tôi. Tôi thường xuyên thể hiện chúng một cách khách quan nhất. Đó cũng là những gì chân thực nhất mà tôi có thể làm để truyền tải những cảm nhận sâu bên trong lẫn bên ngoài bản thể”.

Năm 1945, Don Jose Domingo Lavin đề nghị Frida Kahlo đọc quyển sách Moses and Monotheism của Sigmund Freud và vẽ lại cảm nhận của bà về quyển sách. Dù phủ nhận mình theo trường phái siêu thực, bà đã vẽ nên bức tranh siêu thực Moses. Tác phẩm được nhận giải Nhì tại triển lãm nghệ thuật thường niên ở Palacio de Bellas Artes, Mexico.

Frida Kahlo không bán được nhiều tranh trong thời gian bà còn sống. Bà chỉ có một buổi triển lãm riêng tại Mexico vào năm 1953. Lúc này, tình hình sức khỏe của bà đã diễn biến khá tệ. Bà phải thường xuyên nhập viện và sử dụng xe lăn do bàn chân phải bị hoại tử. Một năm sau buổi triển lãm, năm 1954, Frida Kahlo từ giã cõi đời.

Giờ đây, những bức tranh của bà được đấu giá với giá rất cao. Bức Roots bán đến 5,62 triệu đô la Mỹ vào năm 2006. Mức giá này đưa tác phẩm vào hạng mục Tranh Mỹ Latin đắt giá nhất tại buổi đấu giá. Nó cũng giúp Frida Kahlo ghi tên vào danh sách những nữ họa sỹ đắt giá nhất của làng nghệ thuật. Lúc sinh thời, người ta chỉ coi Frida là vợ của Diego Rivera.

Sau khi bà mất, tài năng hội họa của bà mới thực sự được công chúng công nhận. Lúc này, Diego Rivera lại được nhớ đến là “chồng của Frida Kahlo”. Thông qua hội họa, Frida Kahlo phơi bày những góc khuất trong thế giới nội tâm nổi loạn, cá tính và đau thương của mình. Di sản bà để lại, cả mỹ thuật lẫn biểu tượng tinh thần, chứng minh rằng bà xứng đáng là nữ họa sỹ Mexico vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Frida Kahlo. Ảnh chụp năm 1944

Frdia kahlo qua góc nhìn điện ảnh

Cuộc đời của Frida Kahlo từng được chuyển thể thành phim tiểu sử Frida, ra mắt vào năm 2002. Bộ phim do Julie Taymor đạo diễn với sự tham gia diễn xuất của Salma Hayek (vai Frida Kahlo); Alfred Molina (vai Diego Rivera); Geoffrey Rush (vai Leon Trotsky). Tác phẩm điện ảnh này nhận được 6 đề cử Oscar năm 2003. Trong đó, nữ diễn viên Salma Hayek được đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Giới phê bình đánh giá rất tích cực về bộ phim. Cuối cùng, Frida chiến thắng hai giải Oscar tại hạng mục Best Makeup (Hóa trang xuất sắc nhất) và Best Original Score (Kịch bản gốc xuất sắc nhất).

Poster phim Frida (2002)

Yennie Trần - Ảnh: AFP, Tư Liệu

Nguồn: Harper’s Bazaar Việt Nam