Co-living, xu hướng nhà ở chia sẻ của giới trẻ liệu có rộng mở ở Việt Nam?
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 09:49, 05/08/2019
Co-Living – mô hình nhà ở mới dành cho thế hệ Millennials
Báo cáo “Thu hẹp khoảng cách nhà ở” của JLL cho thấy, thế hệ millennials ở châu Á ngày càng chia sẻ nhiều hơn ngoài nơi làm việc và phương tiện di chuyển. Họ sống cùng nhau trong một mô hình mới là co-living, nơi tập trung những người có cùng sở thích và lối sống.
Theo JLL, co-living đang tăng trưởng ở Châu Á, đặc biệt ở các thị trường như Hong Kong và Trung Quốc, nơi mà nhà ở bình dân luôn là vấn đề nóng. Trong khi việc thuê nhà của giới trẻ, giữa các sinh viên với nhau đang rất thịnh hành ở nhiều quốc gia, thì sự chuyên nghiệp trong quản lý tạo ra sự khác biệt của co-living.
Theo đó, hầu hết các nhà khai thác chú trọng vào những yếu tố mang tính cộng đồng như mở các lớp học, những buổi chiếu phim, tiệc tùng phục vụ đồ ăn thức uống miễn phí và những buổi hội thảo thú vị cho cư dân.
Mindy Teo, Phó chủ tịch Thương hiệu Tiếp thị và Sáng tạo số của The Ascott Limited, cũng cho rằng, thế hệ millennials đang thay đổi tiêu chuẩn sống. Họ lớn lên cùng với công nghệ, phương tiện truyền thông xã hội và nền kinh tế hội nhập, nhờ đó khả năng thích nghi cao và luôn sẵn sàng chia sẻ các tiện nghi với nhau.
Ví dụ, phòng ăn cũng chính là nơi làm việc và trò chuyện trong khi hành lang có thể đóng thêm một vai tró khác là nơi tập yoga. Họ không hẳn đam mê nấu nướng, do đó hướng tới một không gian có thể đáp ứng nhiều chức năng.
Mindy Teo cho rằng, sở hữu căn hộ riêng không còn là tiêu chí của thế hệ trẻ mà thay vào đó, những hoạt động xã hội là thứ mà họ cần – là cơ hội để chia sẻ với những người có cùng quan điểm. Chính vì thế, mô hình co-living ngày càng phát triển.
Trong khi đó, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Hong Kong của JLL Denis Ma cho biết, với những thách thức của thị trường nhà ở Hong Kong, sự xuất hiện của co-living mang đến một giải pháp hữu hiệu: một phương án thay thế để mọi người có thể sống cùng nhau như gia đình, giảm bớt tiền thuê, hoặc sống cùng nhau trong những căn phòng chia nhỏ.
“Hơn nữa, các yếu tố cộng đồng được đề cao trong mô hình co-living giúp cải thiện phúc lợi cho cư dân”, Denis Ma nói.
Tại Trung Quốc, mô hình co-living xuất hiện vào năm 2012 với thương hiệu YOU+ International Youth Community cùng một vài nhà điều hành khác. Đến cuối năm 2016, đã có gần 90 thương hiệu trên khắp đất nước.
Có thể kể đến là căn hộ Vanke Port với 60.000 căn, dự án được quản lý bởi một trong những nhà khai thác lớn nhất Trung Quốc. Trong khi đó, YOU+ đã cán mốc phát triển 16 dự án, Mofang tăng trưởng lên 15.000 căn hộ, ZiRoom điều hành 7 dự án và Coming Space quản lý 10.000 căn hộ.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng thứ hai của mô hình co-living, sau Mỹ
Joe Zhou, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc của JLL giải thích: “Nhu cầu co-living của thế hệ millennials tại Trung Quốc rất khổng lồ. Chỉ riêng trong năm năm qua, đã có 43 triệu sinh viên tốt nghiệp. Với mức giá nhà ở đắt đỏ tại thị trường cấp 1 và các thành phố cấp 2 của Trung Quốc, sinh viên sẽ mất ít nhất ba đến năm năm để bắt đầu đi mua nhà, đồng nghĩa với việc họ phải đi thuê hoặc tìm phương án ngắn hạn. Do đó, co-living chắc chắn là một lựa chọn hấp dẫn”.
Lấy cảm hứng từ co-living, một số nhà khai thác đã gộp nơi ở vào công việc. Tại Ấn Độ, hiện có bốn nhà khởi nghiệp phát triển co-living ở Gurgaon và hai ở Bengaluru. Trong khi đó tại Singapore, Aurum Investments, công ty con của thương hiệu co-living Collision8, đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp co-living Hmlet.
Banner tiếp thị dịch vụ nhà ở Co-living tại Singapore
Các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang co-living
Với những khó khăn trong việc mua nhà và sự thiếu hụt nguồn cung, thị trường co-living đang thu hút các nhà đầu tư và những chủ nhà đang có tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn.
Zhou cho biết: “Khách sạn giá rẻ và bình dân là một trong những loại hình bất động sản đầu tiên được chuyển đổi thành co-living do có kích thước phù hợp và có kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, để chuyển đổi các loại tài sản khác sang co-living sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc nhằm đảm bảo tuân thủ luật pháp.
Còn theo Denis, một yếu tố khác cần được chú trọng là sự bền vững và tính hợp thời. Những dự án co-living có thiết kế và trang trí hiện đại sẽ thu hút được nhiều cư dân.
Những không gian chia sẻ này có duy trì được phong độ sau nhiều năm hao mòn hay không cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa của nhà điều hành, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Hong Kong của JLL nhấn mạnh.
Mặc dù đang tăng trưởng ở châu Á, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có chủ đầu tư nào có ý định phát triển mô hình co-living một cách chuyên nghiệp.
Theo Đức Anh - TheLeader