Tôi yêu bánh mì Sài Gòn!
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 17:22, 25/03/2020
Nhân sự kiện 9 năm, ngày Bánh mì được cộng đồng quốc tế công nhận là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam thông qua việc cụm từ “Bánh mì” được đưa nguyên bản tiếng Việt vào từ điển Oxford (24.3.2011 – 24.3.2020), và đặc biệt, Bánh mì được đặt làm Doodle Google tại 10 quốc gia (Úc, Áo, Canada, Cộng Hòa Séc, Đức, Nhật, New Zealand, Thụy Sĩ, Singapore và Việt Nam) vào ngày 24.3, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức một số hoạt động giới thiệu hai sự kiện này và giá trị văn hóa hàm chứa trong món ăn bánh mì Việt Nam, bánh mì Sài Gòn đến cộng đồng quốc tế và người yêu ẩm thực trong nước.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu mỗi địa phương có một món ăn mà đi đâu ai cũng nhớ về thì có lẽ đó là bánh mì. Bởi bánh mì là một trong những nét văn hoá ẩm thực tiêu biểu của con người Việt Nam. Trên cả một món ăn, bánh mì là đại diện tiêu biểu cho tính cách của con người Việt Nam – đó là tính cách cởi mở, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, và bằng sự sáng tạo, tinh tế, đã làm cho Bánh mì trở thành một món ăn khác biệt, đặc trưng và trở nên gần gũi với lối sống của người Việt. Cùng chiến dịch ý nghĩa này, Sở du lịch phối hợp với Hiệp hội ẩm thực Việt Nam thực hiện những hoạt động truyền thông trực tuyến và tại một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố với thông điệp “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, thông qua đó giới thiệu một sản phẩm ẩm thực, một giá trị văn hoá, là một lý do mà du khách đến với Sài Gòn – TP.HCM.
Theo một thống kê mới đây chỉ tính riêng trên GoFood -một ứng dụng trên GoViệt, đã có 4,5 triệu ổ bánh mì được giao qua ứng dụng này, trong đó, người dân TP.HCM đặt nhiều hơn ở khu vực Hà Nội. Trung bình mỗi ngày có 9.000 ổ được giao qua ứng dụng này.
Dù chỉ là phần nhỏ trong ứng dụng nhưng cũng cho thấy bánh mì là món ăn phổ biến và ưa chuộng đến cỡ nào.
Bánh mì, niềm tự hào của ẩm thực Việt cũng nhiều lần được công nhận bởi các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế.
Tờ The Guardian khi xếp ổ bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách Món ăn Đường phố Ngon nhất Thế giới đã viết: “Có một bí mật ít người biết đó là, chiếc sandwich ngon nhất thế giới không phải ở Rome, Copenhagen hay thành phố New York, mà là trên những đường phố Việt Nam”.
Cây bút chuyên về du lịch và ẩm thực của BBC David Farley cũng đã khen ngợi bánh mì là “loại sandwich ngon nhất thế giới”. Cố đầu bếp Anthony Bourdain, một trong những chuyên gia ẩm thực có ảnh hưởng nhất thế giới cũng đã dành nhiều lời khen dành cho món bánh mì trong chương trình truyền hình No Reservation của mình trên đài CNN.
“Trước giờ thì Google luôn có phần Doodle thay đổi theo từng sự kiện, từng nhân vật nổi tiếng, có sự ảnh hưởng mang tính thế giới. H’Hen thấy điều này rất hay và thú vị, không chỉ là hình vẽ dễ thương mà còn là tôn vinh, kích thích sự tò mò, tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật Doodle. Vì thế việc Google có Doodle Bánh Mì là niềm tự hào lớn của người Việt Nam với món ăn quen thuộc này. Món ăn đường phố Việt không còn dừng lại ở lãnh thổ Việt Nam mà đã vươn xa ra thế giới, rất nhiều khách quốc tế yêu thích món ăn đặc biệt này, cũng như dành cho ẩm thực Việt Nam một vị trí cao hơn trong bản đồ ẩm thực thế giới.
Theo Hoa hậu H’Hen Niê, đây cũng là lý do cô chọn bộ trang phục dân tộc bánh mì tại Hoa Hậu Hoàn Vũ (Miss Universe) 2018, và nhiều người đã gọi H’Hen là Miss Banh Mi, cả những người trong BTC cũng dùng Banh Mi để gọi H’Hen. Rõ ràng bánh mì đã trở thành một biểu tượng văn hoá ẩm thực đặc trưng rất riêng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam nhận định: “Có thể nói, sự lên ngôi của bánh mì Việt qua các đánh giá từ các chuyên gia ẩm thực trong nước và quốc tế đã phần nào nói cho thấy sự thú vị của một món ăn rất bình dân nhưng cũng chứa đựng sự giao thoa giữa ẩm thực phương Tây và phương Đông, tuy nhiên bằng sự khéo léo tài tình của người Việt, bánh mì Việt đã dần mang những đặc trưng riêng, độ nổi tiếng vượt xa khỏi phiên bản gốc để ít ai còn biết đó từng là một món ăn do người phương Tây đem đến. Với sự gia nhập của nhiều nền ẩm thực khác nhau, Bánh mì chắc chắn sẽ không thể mất đi sự yêu mến của giới mộ điệu ẩm thực địa phương cũng như những du khách quốc tế.”
Nhật Hạ