An Giang: Ngẩn ngơ mùa trâm chín ở núi Tô
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 18:33, 03/04/2020
Mùa trâm bắt đầu khoảng tháng 4 đến tháng 5 hàng năm, bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 50 - 60 kg/năm. Cây trâm sinh trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Bảy Núi - An Giang.
Mỗi năm, cứ đến mùa trâm, nhiều người dân Khơme tập trung hái trái từ sáng đến chiều. Tuy không tốn công chăm sóc nhưng khâu hái trái cũng khá vất vả và công phu. Tại những khu vực tập trung nhiều cây trâm ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô, H.Tri Tôn, hàng trăm gốc trâm sừng sững, tỏa rợp bóng mát, chín rộ trái ở 2 bên đường. Xa xa dưới chân núi là chục gốc cây trên ruộng đồng đang giữ bờ đê thêm vững chắc, tỏa bóng mát còn làm nơi trú nắng.
Ở đây, trâm mọc thành vườn dưới chân núi, trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, trâm mọc thành hàng ven đường tỉnh lộ - Ảnh: Tô Văn
Dù nơi đây không phải là nơi sinh ra và lớn lên, nhưng khi về ngồi dưới tán trâm, hái những chùm trái tím, ăn những trái chín mọng ngọt ngào, nhiều người sẽ có cảm giác bồng bềnh khó tả.
Với loại trái dại này, cơm thì mỏng, hạt lại to, trái vừa chín tới thì vừa ngọt và có vị chát làm tê đầu lưỡi... nhưng sao nhiều người lại mê. Có lẽ nó là thứ vừa rẻ vừa thơm vừa có màu tim tím lạ thường. Cái màu tím lạ thường ấy như màu mực học trò, còn vị ngọt chát và mùi thơm ấy vun bồi thêm tình yêu xứ sở, lưu vào một góc tâm hồn… làm nhiều người khó mà quên được.
Một người phụ nữ Khơme ngồi bán trái trâm bên đường - Ảnh: Tô Văn
Đến núi Tô vào thời điểm này, có thể tự mình hái những trái trâm chín mọng tím ngắt ven 2 bên đường mà không ai phiền lòng. Nếu không hái được thì mua trâm của người phụ nữ Khơme ngồi bán bên đường để thưởng thức tại chỗ hay làm quà quê mang về.
Bà Néang Sóc Phi (58 tuổi ở ấp Tô Lợi, xã Cô Tô, H.Tri Tôn), cho biết gia đình bà có 2 gốc trâm cổ thụ, mỗi ngày đi hái được khoảng 30 kg trái, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000đ/kg loại trái lớn. Tính ra bà có thu nhập khoảng cả triệu/ngày mà không cần bỏ vốn hay công chăm sóc.
Loại trái cây sạch đặc sản, tự nhiên nên du khách từ phương xa đến rất thích thú với loại trái này - Ảnh: Tô Văn
“Trái trâm thiên nhiên ban phát, chúng tôi đâu có cần chăm sóc gì, cứ vào tháng 4-5 là tự nhiên cây trâm ra trái khắp cây. Gia đình tôi chỉ lo hái đem ra lề đường bán là có thể kiếm tiền xài. Nghe nói ăn trái trâm nhiều vitamin C và nhiều chất khoáng rất tốt cho sức khỏe trị nhiều bệnh cảm cúm đó nghen”, bà nói.
Theo Phòng NN&PTNT H.Tri Tôn, toàn huyện có khoảng 2.300 gốc trâm, tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô. Cây khoảng 7 năm tuổi thì mới bắt đầu thu hoạch, nhưng tuổi thọ kéo dài đến trên 50 năm.
Trâm là loại trái dại mùa tim tím, khi bỏ vào miệng cơm thì mỏng, hạt lại to, trái vừa chín tới thì vừa ngọt và có vị chát làm tê đầu lưỡi... nhưng nhiều người lại mê - Ảnh: Tô Văn
“Nhưng thời gian trước một số người dân tự ý bán gốc trâm nên số lượng cây trâm tại đây đã giảm. Địa phương đã vào cuộc xác minh rồi tuyên truyền cho người dân hiểu nên việc bán trâm không còn công khai và lén lút như trước nữa”, 1 cán bộ có trách nhiệm cho biết.
Tô Văn