Kỳ 34: Hàng quán cà phê trong cuộc cách mạng 'Văn hóa hồn người'

Văn hóa - Ngày đăng : 08:30, 30/04/2020

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới, và trên Hành trình này Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Con người đã luôn suy ngẫm giải đáp những bí mật của vũ trụ và loài người. Sự phát triển của khoa học đã khai phá một phần về thế giới vật chất, và vẫn tiếp tục giải mã các dấu hiệu về ý thức tư duy…

Thế kỷ 19 chứng kiến ​​sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp và tiến bộ trong khoa học công nghệ. Con người dựa vào tri thức để khám phá và cải biến tự nhiên một cách có ý thức nhằm phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Con người miệt mài kiến tạo các giá trị hạnh phúc, nhưng rốt cuộc lại ngộ nhận đồng hóa hạnh phúc với tích lũy vật chất. Vai trò của tri thức vô hình trung cũng trở thành công cụ tiến thân, là “tài sản” để tranh đua với đời.

Sự vô tâm của những toan tính duy lý trong quan hệ giữa người với người, cùng với sự vận hành khắc nghiệt của nền khoa học kỹ thuật vô hồn đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng mới. Những đô thị công nghiệp khổng lồ tạo ra làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số,...

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được gọi là giai đoạn chuyển giao thời đại, đặc trưng bởi sự giao động hồn người. Một bên có khuynh hướng bi quan với thực tại, mệt mỏi với cuộc sống, tìm sự giải thoát trong phù phiếm, suy đồi. Một bên tràn trề niềm tin vào tương lai, lạc quan về nhân thế và khả năng sáng tạo một thế giới tốt đẹp mới.

Đại khủng hoảng rõ nét ở Viên (thủ đô Áo) - giao diện lịch sử giữa lưu vực Đông Âu, bao trùm hệ tư tưởng phổ quát thống trị ở phía đông sông Rhine và chủ nghĩa cá nhân thịnh hành ở Tây Âu. Vào khoảng năm 1900, Viên là trung tâm tư tưởng, văn hóa của châu Âu. Lượng người nhập cư đổ về khiến cho dân số thành phố tăng mạnh, tạo ra một xã hội hỗn hợp quốc tịch, ngôn ngữ, tín ngưỡng và thế giới quan. Bối cảnh hỗn loạn sắc tộc trở thành động lực thúc đẩy ý thức khám phá những điểm chung đằng sau sự đa dạng xã hội. Giới tinh hoa văn hóa Viên khuyến khích giao thoa trí tuệ để cùng định hình con đường đi đến hạnh phúc chung trong đời sống hiện đại.

Trong giai đoạn chuyển giao này, hàng quán cà phê đã là một phần của không gian văn hóa đô thị Viên. Quán cà phê hoạt động như một câu lạc bộ nghiên cứu với hàng trăm ấn phẩm báo chí miễn phí và là địa chỉ tin cậy để chia sẻ quan điểm cá nhân. Chính vì thế, hàng quán cà phê là nơi hội tụ các chính trị gia, triết gia, nhà khoa học, học giả… đến đọc hoặc để tranh luận các vấn đề khát vọng thời cuộc, về “cuộc cách mạng tâm hồn” tìm lại bản chất con người và vai trò của con người trong thế giới quan… Từ đây, hàng quán cà phê trở thành nơi phát xuất những học thuyết tâm lý có ảnh hưởng quan trọng trong thế kỷ 20.

Quán cà phê Café Landtmann là nơi Sigmund Freud nghiên cứu và sáng lập học thuyết Phân Tâm Học chi tiết hóa cấu trúc, động lực và sự phát triển nhân cách con người. Quán cà phê Café Korb nổi tiếng với những cuộc tranh luận hàng tuần của Hội Phân Tâm Học Viên gồm những những nhà tư tưởng phân tâm học lớn của thế kỷ như Sigmund Freud, Alfred Adler, Wilhelm Reich, Otto Rank, Karl Abraham, Carl Gustav Jung… cùng làm sáng rõ mô hình tâm trí con người.

Từ những kiến giải về cấu trúc nhân cách tại quán cà phê Café Korb, nhà tâm lý học Alfred Adler khởi xướng thuyết Tâm Lý Học Cá Nhân. Năm 1912, ông thành lập Hội Tâm Lý Học Cá Nhân, thường gặp mặt tại quán Café Siller, hoặc Café Central. Lý thuyết của ông thúc đẩy con người hoàn thiện trong các mối quan hệ thế chế - môi trường xã hội. Từ đó phát triển khái niệm phong cách sống (Style of Life) theo nghĩa con người tự do chọn lựa số phận cho mình và phấn đấu để hoàn thành nó. Cũng xuất phát từ Hội Phân Tâm Học, bác sĩ Carl Gustav Jung sáng lập thuyết Tâm Lý Học Phân Tích lấy hiện tượng huyền bí tâm linh, các vấn đề tương quan giữa tư duy và văn hóa làm trung tâm khảo cứu tâm trí con người. Tư tưởng của ông gây ảnh hưởng lớn đến các phòng trào tâm linh hiện đại như New Age, Oxford Group.

Tại quán cà phê Café Arkaden, Café Herrenhof, Café Reichsrat, Café Central triết gia Ludwig Wittgenstein và nhóm các nhà trí thức Wiener Kreis trong lĩnh vực triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,… thúc đẩy các ý tưởng của Chủ Nghĩa Thực Chứng Logic - một trong những khuynh hướng triết học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Trên triết lý của mình, Wiener Kreis đã cách mạng hóa việc truyền tải kiến ​​thức, làm cho tri ​​thức có thể tiếp cận được được đa dạng công chúng.

Có thể nói, lịch sử phát triển lý thuyết phân tâm học, tâm lý học liên quan mật thiết, hay chính xác là đã được thúc đẩy từ những cuộc gặp gỡ trong hàng quán cà phê. Giới trí thức sống giữa những khủng hoảng xã hội và đạo đức rồi từ đó thôi thúc tìm kiếm lời giải đáp về con đường đi đến hạnh phúc. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp không mang lại hạnh phúc từ cảm giác thỏa mãn vật chất, thì cuộc cách mạng tâm hồn với sự ra đời của các học thuyết tâm lý đã phần nào khai minh bản chất hạnh phúc trong không gian tinh thần. Từ đó dẫn hướng con người truy cầu hạnh phúc từ năng lực nhận thức, xác lập sự đúng đắn trong các hành vi, thái độ với cộng đồng và với văn hóa chung.

Khi con người hiểu rõ lẽ sống, biết lộ trình phấn đấu với tư cách là một cá nhân, một thành viên của một cộng đồng người vươn tới những giá trị phẩm hạnh cao hơn thì con người sẽ có cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Hay nói cách khác, hạnh phúc nằm trong khát vọng vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện các rung động tâm hồn. Đó cũng là động lực sống, động lực của sự phát triển con người. Một khi hạnh phúc của từng cá nhân được tạo dựng trên cơ sở lẽ phải tâm hồn, sẽ bồi đắp nên hạnh phúc phổ quát của dân tộc, quốc gia.

Như thế, cà phê và hàng quán cà phê đã trở thành phương thức và nơi chốn để con người nhìn lại bản thân, thấu cảm ý nghĩa cuộc sống về những nỗi niềm quá khứ đan xen hoài mong đổi đời.

Đón đọc kỳ sau: Danh họa Oskar Kokoschka và trào lưu biểu hiện khởi xướng từ quán cà phê

T.N.L