Những nghi vấn phim Trung Quốc sử dụng nhã nhạc cung đình Huế

Văn hóa - Ngày đăng : 15:05, 04/05/2020

Về nghi vấn phim Trung Quốc sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế, nhiều chuyên gia âm nhạc cho rằng khi chưa có đầy đủ các bằng chứng khoa học thì không nên kết luận vội vàng được.
Một cảnh trong phim Thịnh Đường huyễn dạ

Thời gian gần đây, mạng xã hội và báo chí đồng loạt đưa tin về việc bộ phim Thịnh Đường huyễn dạ do Trung Quốc sản xuất được phát sóng trên VTV8 có sử dụng một đoạn nhạc được cho là nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam. Thông tin này tạo ra nhiều dư luận tranh cãi trái chiều.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đoạn nhạc xuất hiện trong phim Thịnh Đường huyễn dạ là bản Lưu thủy kim tiền thuộc nhã nhạc cung đình Huế. Ông Long cũng tỏ ra rất lo ngại khi không biết mục đích sử dụng một đoạn nhạc cổ của Việt Nam của những người làm phim nhằm vào việc gì.

Sau khi tiếp nhận ý kiến của các nhà chuyên môn và khán giả, VTV8 cũng đã cho dừng phát sóng bộ phim Thịnh Đường huyễn dạ bắt đầu từ ngày 30.4. Giải thích về việc dừng chiếu, ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành kênh truyền hình VTV8 nói: “Khi có thông tin về việc Thịnh Đường huyễn dạ nghi là dùng nhã nhạc cung đình Huế, VTV8 đã có những kiểm tra ban đầu, bởi phim mới phát trên VTV8 (chưa đến tập phim có đoạn nhạc này)”.

Cũng theo ông Thanh, phía VTV8 đã liên lạc với nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian để tìm hiểu vấn đề. “Nói chung các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần phải có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn và cần tham khảo nhiều ý kiến khác, đặc biệt là ý kiến từ Trung tâm Di tích cố đô Huế, hoặc ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam”, ông Lâm Thanh nói.

Phân đoạn ca múa trong phim bị cho là có sử dụng nhã nhạc cung đình Huế

Trước nghi vấn phim Trung Quốc sử dụng nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam, nhiều chuyên gia âm nhạc, các nhà nghiên cứu cho rằng không nên đưa ra kết luận vội vàng khi chưa có đầy đủ các bằng chứng mang tính khoa học.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, chuyên gia Hội đồng Thẩm định của UNESCO, cho biết sau khi có những thông tin về sự việc nói trên, bà đã lập tức viết thư trao đổi thông tin với chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc học của Trung Quốc. Câu trả lời bà nhận được là trong âm nhạc Trung Quốc cũng có bản nhạc tương tự, bối cảnh sử dụng trong cung đình và các tiết mục múa công. “Họ có gửi cho tôi một số đường link để so sánh. Tuy nhiên cần có thêm thời gian để xem xét, nghiên cứu mới có thể kết luận”, bà Hiền nói.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng âm nhạc dân gian luôn có sự giao thoa, lan tỏa giữa các tộc người. Trên thế giới cũng có nhiều di sản có sự tương đồng giữa các quốc gia. Cho nên cần có những nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo trước khi đưa những thông tin chính thức trước công luận.

TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: “Tôi có quan điểm tương đối khác với những vấn đề mà báo chí thông tin về vụ việc phim cổ trang Trung Quốc dùng nhã nhạc cung đình Huế vào một phân cảnh trong phim. Phải thấy rõ rằng, trong văn hóa không biết ai lấy của ai, phân định rõ điều này rất không ổn. Khi làm hồ sơ di sản nhã nhạc cung đình Huế cũng có nhiều nhận định rằng di sản có nhiều nét giống âm nhạc châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… Các chuyên gia âm nhạc tham gia xây dựng hồ sơ cũng nhận thấy rất rõ điều này. Nhưng rõ ràng, văn hóa là một dòng chảy, có sự giao thoa, vì vậy quan trọng là việc ứng xử với di sản như thế nào để tạo thành bản sắc của cộng đồng, đưa di sản vào đời sống và trao truyền các giá trị đó. Không nên đẩy vấn đề lên thành ầm ĩ khi tất cả chưa được xác định rõ ràng”.

Ngày 4.5, trao với báo chí, đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng cần phải thận trọng với đánh giá trên và không nên kết luận khi mọi chuyện chưa rõ ràng.

“Theo một số nhà nghiên cứu về âm nhạc nói chung và nhã nhạc - âm nhạc cung đình triều Nguyễn nói riêng, có thể khẳng định đoạn nhạc trong phim mà báo chí đề cập không có bài Lưu thủy mà chỉ có một phần của bài Kim tiền và một phần của bài Long hổ… Vì vậy, phải có sự nhìn nhận chính xác về tên gọi của các bài bản nêu trên”, đại diện Cục Di sản văn hóa nói

Cũng theo Cục Di sản văn hóa, hồ sơ tư liệu di sản và báo cáo định kỳ quốc gia đệ trình UNESCO, nhã nhạc là hiện tượng tương đồng văn hóa của một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Do đó chưa thể khẳng định đoạn nhạc trong phim các báo đề cập là ăn cắp hay sử dụng bài bản của nhã nhạc Việt Nam, vì không loại trừ khả năng bản nhạc mà phim sử dụng có những đoạn nhạc tương đồng với bản Kim tiềnLong hổ.

Cục Di sản văn hóa cho rằng khi các chứng cứ khoa học chưa đầy đủ thì chúng ta nên có nhận thức đúng và đầy đủ về di sản và giá trị di sản, ít nhất là về tên gọi cũng như hình thức thể hiện của di sản, để cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (triều Nguyễn) nói riêng và các di sản văn hóa nói chung, để góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiểu Vũ (tổng hợp)