Thương tiếc Trần Quang Lộc – Nhớ A Khuê
Văn hóa - Ngày đăng : 06:29, 09/06/2020
Nhà thơ A Khuê mất năm 2009. Mười một năm sau vào chiều ngày 7.6.2020 nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng đã rời xa cõi tạm. Vậy là đôi tác giả, đôi bạn đồng ấu làm nên tuyệt phẩm Về đây nghe em cuối cùng đã về với nhau bên cõi vĩnh hằng. Thương tiếc Trần Quang Lộc bao nhiêu thì người yêu thơ nhạc cũng nhớ A Khuê bấy nhiêu bởi họ là đôi nghệ sĩ tài hoa đã từng cất lên tiếng gọi “Về đây nghe em!” rồi cùng nhau “Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai…”.
Có rất nhiều giai thoại về tình bạn giữa nhạc sĩ Trần Quang Lộc và A Khuê cũng như sự ra đời của ca khúc Về đây nghe em được giới văn nghệ kể lại, trong đó có chuyện vui lẫn chuyện buồn.
Nhà thơ A Khuê và Trần Quang Lộc chơi với nhau từ thuở thiếu thời. Cả hai từng có một thời đi “giang hồ” với nhóm bạn văn nghệ sĩ miền Nam như Vũ Hữu Định, Phạm Phú Hải, Đoàn Huy Giao, Đynh Trầm Ca, Đinh Thiên Hùng...
Từ năm 1970 Trần Quang Lộc đã ghi tên mình trong làng âm tân nhạc Việt Nam bằng tuyển tập ca khúc Hát trong dòng sông xưa. Đến năm 1972 thì A Khuê bắt đầu có tên tuổi trong làng văn nghệ khi NXB Da Vàng cho phát hành tập thơ Vàng bay của ông. Thi phẩm này đã gây nên ấn tượng mạnh trong giới văn nghệ thời đó. Về đây nghe em là một trong những bài thơ xuất sắc của A Khuê đã có mặt trong tuyển tập thơ này.
Sau khi được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc, một lần nữa Về đây nghe em như được chắp cánh để bay cao hơn. Nói như nhà thơ Hoàng Quý thì sự kết hợp giữa thi ca và âm nhạc đưa Về đây nghe em “vượt thoát những cố chấp, kéo gần những ngã rẽ phân liệt, những hoang mang bôn lưu, như vệt chảy hồng hào âm thầm trong mạch huyết người Việt bốn phương. Nhiều nhà thơ và bạn đọc ba miền, kể cả hải ngoại bắt đầu lật lại một tiếng thơ đặc sắc, nhân bản, chứa chan nhạc cảm và ý thức sưu tầm những bài thơ A Khuê, bổ khuyết vào những mảnh ghép còn bỏ ngỏ”.
Nhà thơ - nhạc sĩ A Khuê - Ảnh: T.L
Về đây nghe em ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng dường như những khái niệm về thời gian, không gian không hề tác động đến giá trị của tác phẩm. Sức hút của ngôn ngữ thi ca trên nền âm nhạc vẫn luôn mới mẽ, cuốn hút mọi thế hệ người yêu nhạc. Bài hát mang đến cho người nghe cảm xúc tuôn trào và tiếng réo gọi cùng nhau quay về bản sắc văn hóa nguồn cội và khát vọng “Chờ lòng người trở về quê hương/ Chờ hồn mình về dòng suối mát/Chờ thật thà vào lòng dối trá…’.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ bài thơ Về đây nghe em vào thời điểm ông lang bạt mưu sinh ở Sài Gòn, “Một chàng trai quê mùa tuổi đôi mươi, nhìn những cô nữ sinh ngày đi học, tối mặc váy ngắn bước vào bar, tim mình nhói lên điều gì đó vừa day dứt, vừa ám ảnh. Trong cảm xúc ấy, tôi phổ nhạc bài thơ của A Khuê thành ca khúc như mời gọi một sự trở về, nhắn nhủ con người hãy giữ gìn vẻ đẹp quê hương”, lời kể của nhạc sĩ Trần Quang Lộc lúc sinh thời.
Về đây nghe em lần đầu tiên được danh ca Thái Thanh trình bày, sau đó đến ca sĩ Elvis Phương. Sự mới mẽ trong giai điệu, chất mộc mạc lấp lánh một buồn thanh cao với hoài niệm về “áo the, guốc mộc" - một hình ảnh tưởng chừng như biến mất giữa đời sống hiện đại bỗng nhiên xuất hiện trở lại đã tạo nên sức hút mãnh liệt cho công chúng yêu nhạc đương thời. Thế nhưng sau năm 1975 bài hát đã bị quên lãng. Mãi đến năm những năm 1990 bài hát mới được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam qua tiếng hát Thu Phương, Hồng Nhung, Quang Linh…
Danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Trần Quang Lộc - Ảnh: Gia đình cung cấp
Cũng như người bạn A Khuê của mình, nhạc sĩ Trần Quang Lộc có một sự nghiệp âm nhạc rất ấn tượng. Ông sinh năm 1945, tại Quảng Trị, theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế năm ông 20 tuổi. Trần Quang Lộc bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông là Hát trong dòng sông xưa được xuất bản năm 1970. Tên tuổi của ông cũng gắn liền với những bản tình ca nổi tiếng như Về đây đây nghe em (phổ thơ Anh Khuê) Có phải là mùa thu Hà Nội (phổ thơ Tô Như Châu), Chợt nghe em hát, Định mệnh, Em còn nhớ Huế…
Nếu thơ A Khuê chất chứa tinh thần và quan niệm của Lão - Trang, Ki Tô giáo và hiện sinh, là nỗi chết, sự sống, hoài niệm quá khứ là khắc khoải về thân phận con người về tình yêu thì nhạc của Trần Quang Lộc cũng chuyển tải những tư tưởng ấy nhưng bằng giai điệu mượt mà, nhẹ nhàng sâu lắng đậm đà tình người tình quê hương xứ sở.
Từ sự tương đồng này, Trần Quang Lộc đã chắp cánh cho bài thơ Về đây nghe em của A Khuê bay cao bay xa hơn. Âm nhạc của Trần Quang Lộc vẫn trung thành với tiếng gọi thiết tha trìu mến “Về đây nghe em, về đây đứng khóc trên sông nước này…” của A Khuê, tiếng gọi đó đã lan tỏa vào tận góc sâu nhất trong tâm hồn của con người khi ngoài kia có bao nhiêu là tang thương dâu bể. Tiếng gọi như thôi thúc ai đó hãy quay về...
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc lúc còn khỏe mạnh
Cuộc đời của nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhà thơ – nhạc sĩ A Khuê cũng có những nét tương đồng đến lạ lùng. Sau những vinh quang và đắng, cả hai đều chọn cách lui về ẩn cư ở một vùng quê, lánh xa nơi phồn hoa đô thị.
Hơn mười mấy năm trước, Trần Quang Lộc về ẩn cư tại một xóm nhỏ ở ngoại ô thị xã Bà Rịa-Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ông mở một lớp dạy nhạc nho nhỏ và chỉ kiếm sống duy nhất bằng cách đó.
Năm 2012 ông bắt đầu phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó cuộc sống của gia đình ông bắt đầu đảo lộn. Do phải thường xuyên lên TP.HCM khám và điều trị nên lớp dạy nhạc của Trần Quang phải đóng cửa, nguồn thu nhập chính của ông cũng chấm dứt. Ngoài số tiền ít ỏi từ tác quyền âm nhạc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc không còn khoản thu nhập nào hết nên đời sống trở nên khó khăn.
Để chữa bệnh cho chồng, vợ ông đã bán tất cả những gì có thể bán được, vì thế đời sống của gia đình ông vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, Trần Quang Lộc gần như sống trong bệnh viện để chữa bệnh ung thư bàng quang và nhiều biến chứng khác. Đầu tháng 5.2020 gia đình đưa ông về lại nhà riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu để chăm sóc. Ông qua đời vào chiều tối ngày 7.6.2020, hưởng thọ 75 tuổi.
Cũng giống như Trần Quang Lộc, nhà thơ A Khuê tài hoa nhưng long đong lận đận. A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại Quang Phục,Tứ Kỳ, Hải Dương trong một gia đình Công giáo, 6 tuổi, ông theo gia đình di cư vào Nam. Cha ông là quản kèn của một nhà thờ xứ ở Đà Nẵng, ông học nhạc từ cha. A Khuê có khoảng 100 bài thơ và trên 1.000 ca khúc tính tới ngày mất. Ông cùng nhà thơ Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Định lập nhóm tài tử tâm thi, ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn”.
Sinh thời nhà thơ A Khuê mắc bệnh tim, ông từng bị bác sĩ "trả về" vì cho rằng hết cách chữa, thế nhưng A Khuê vẫn sống và lao vào cuộc mưu sinh. A Khuê có sáu năm sống cùng gia đình ở Quảng Ngãi, mười hai năm tiếp theo ông đến Đà Nẵng rồi Đồng Nai. Ông lập gia đình ở Sóc Trăng va ở lại đây làm ruộng đến mười bốn năm. Từ những năm 1980 A Khuê phiêu bạt đến Long Khánh (Đồng Nai) làm rẫy chăn bò, sau đó ông về định cư tại Đồng Xoài, Bình Phước. Ông cũng có thời gian làm việc tại đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Phước. Năm 1999, bạn bè văn nghệ góp nhặt bản thảo thơ của ông in tập thơ thứ hai của ông có tên Lùa bò trong sương (NXB Trẻ).
Nhà thơ - nhạc sĩ A Khuê mất vào ngày 13.9.2009 tại bệnh viện Bình Phước do bệnh tai biến, ông hưởng thọ 63 tuổi.
Về đây nghe em (thơ A Khuê)
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…
Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…
Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm!
Về đây nghe em!
Cùng khóc trên sông nước buồn
Chờ lòng người trở về quê hương
Chờ hồn mình về dòng suối mát
Chờ thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin kiếp
Tạ ơn hoang phế gặp nhau…
Tiểu Vũ