Ngập ngụa cảnh nóng trần trụi và ngớ ngẩn, 365 Days lại sốt khắp mạng xã hội

Văn hóa - Ngày đăng : 22:02, 21/06/2020

Tác phẩm được coi là “50 Sắc Thái” phiên bản Ba Lan 365 Days nhận không ít gạch đá từ giới phê bình nhưng lại nổi đình nổi đám nhờ lượt xem kỷ lục.

Có những bộ phim lọt top xem nhiều nhất trên Netflix nhờ nội dung bổ ích, cách kể chuyện lôi cuốn, diễn xuất đỉnh cao của diễn viên. Và rồi chúng ta có 365 Days – bộ phim 18+ Ba Lan sở hữu nội dung "chuồng gà" từng đứng top lượt xem tại Netflix Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bộ phim không có gì ngoài cảnh nóng

365 Days nói thì dài nhưng nội dung có thể tóm tắt lại vỏn vẹn như sau: có anh trùm mafia nọ, bắt cóc một chị và ra lệnh sau một năm nếu anh không làm chị yêu anh thì chị có thể đi, còn nếu chị lỡ yêu anh thì... chị được quyền ở lại. Ấy thế mà các nhà làm phim Ba Lan cũng có thể nặn ra được một kịch bản dài hơn một tiếng mà có đủ âm mưu, ám sát, đối thoại... khỏa lấp vào một cốt truyện ngớ ngẩn như vậy.


Trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, 365 Days được tung hô như một bộ phim nóng bỏng. Đặc sản của phim có lẽ là những cảnh làm tình trên mọi địa hình với tần suất khoảng 20 phút là nhân vật lại tìm được cách khoe thân. Tờ IndieWire gọi đó là những cảnh nóng "cho không", tức là không ai mướn, không ai cần, không ai hỏi đến. Sex trong 365 Days diễn ra bạo liệt và hào phóng đến mức so với nó, 50 Sắc Thái bỗng dưng trở thành phim teen mác PG. Hai diễn viên chính trong phim diễn các cảnh khác thì dở, nhưng riêng những lúc giường chiếu thì đột nhiên nhập tâm dễ sợ, tình cảm dạt dào đủ khiến Jamie Dornan và Dakota Johnson phải xấu hổ.

Lãng mạn hóa hội chứng Stockholm và mối quan hệ ép buộc

Stockholm Syndrome là tình trạng tâm lý của nạn nhân bị bắt cóc dần phát triển tình cảm tích cực, bao che, thậm chí là yêu đương kẻ bắt cóc. Điều này diễn ra như một cơ chế tự vệ khi nạn nhân chối bỏ sự thật mình đang bị bạo hành, chọn cách tin rằng kẻ kia là người tốt, nhầm lẫn giữa hành vi cưỡng ép và cử chỉ tử tế.

Hội chứng Stockholm không phải là thứ xa lạ trên màn ảnh. Tuy nhiên, 365 Days một lần nữa đã "lãng mạn hóa" việc bị bắt cóc thành thứ gì đó xa hoa và ngọt ngào. Một, không phải kẻ bắt cóc nào cũng bắt bạn vì yêu. Hai, không phải kẻ bắt cóc nào cũng đẹp và giàu như nam chính trong phim. Nên nhớ, bắt cóc là hành động vận chuyển và giam cầm trái ý muốn (consent). Mọi hành động "lãng mạn" mà không có ý muốn của một phía đều rất dễ trở thành quấy rối tình dục và hiếp dâm. Combo dàn cảnh bắt cóc – "thả thính" - ăn mặc gợi cảm – làm tình trong phim khiến nhiều khán giả dễ hiểu lầm về sự đồng thuận trong mối quan hệ.

Tờ Decider: "Đây là thứ gần nhất với phim khiêu dâm trên Netflix"

Theo trang Decider, khán giả có thể tua nhanh đến đúng 1:07:40 để thưởng thức cảnh "du thuyền" khét tiếng – là thứ tóm tắt lại gần như trọn vẹn tinh thần của bộ phim. Đại loại là anh mafia Massimo vừa giết một kẻ thù định cưỡng bức Laura, rồi xui rủi thế nào chị lại rớt xuống biển. Anh vớt chị lên, chị bỗng nhận ra chị yêu anh dạt dào và cảm ơn bằng một màn làm tình thủng thuyền trôi phao. Trong hơn 5 phút, khán giả được xem trọn những pha bóp cổ, liếm láp, lên đỉnh dưới cái nắng chói chang.

Nếu có gì giải thích được cho sự viral của bộ phim, lý do có lẽ chúng ta đều đã biết. Sự trần trụi của 365 Days và "cơn khát" trên mạng xã hội đại diện cho khao khát mộng tưởng (fantasy) thầm kín nhất của con người, về sự mất kiểm soát – trong khi có được tự do để trở nên hoang dại, dâm đãng, quyền lực.

Cuốn sách Tell Me What You Want: The Science of Sexual Desire and How It Can Help You Improve Your Sex Life (Nói Cho Tôi Bạn Muốn Gì: Khía Cạnh Khoa Học của Ham Muốn và Cách Nó Có Thể Giúp Bạn Nâng Cao Đời Sống Tình Dục) của tác giả Justin Lehmiller đã chỉ ra 8 mộng tưởng tình dục phổ biến nhất. Trong số đó phải kể đến như, làm tình tập thể, làm tình trái đồng thuận (consensual non-consent), bị đau khi làm tình. Hai phần ba phụ nữ và một nửa nam giới được phỏng vấn cho biết ý nghĩ bị ép buộc khiến họ hứng tình.

Điều này hoàn toàn KHÔNG chứng minh phụ nữ hay đàn ông muốn bị bạo hành, bị cưỡng hiếp, mà chỉ ra rằng những mộng tưởng như vậy hoàn toàn bình thường, nhưng khi nói ra lại bị coi là quái gở trong xã hội ngày nay.

Ngọc King (Tri Thức Trẻ)