Báo động tình trạng ‘nô lệ nail’ người Việt ở Anh
Chuyển động - Ngày đăng : 14:10, 13/09/2017
Theo báo Guardian ngày 11.9, báo cáo khẳng định các tiệm nail Anh có nguy cơ sử dụng "nô lệ thời hiện đại" nên Ủy ban trên cần có quy trình cấp giấy phép nhằm phòng chống người Việt Nam nhập cư lậu được sử dụng làm thợ nail và họ phải sống, làm việc như nộ lệ.
Báo cáo do ủy viên Kevin Hyland trình lên cho thấy hình ảnh chi tiết về việc lợi dụng công dân Việt Nam bị đưa đến Vương quốc Anh làm thợ nail, cùng với việc người Việt Nam phải làm việc trong các nông trại trồng cần sa.
Trong khi nhiều lao động từ làng quê Việt Nam trả tiền cho bọn buôn người để được đưa đến Anh, thì những người khác gồm trẻ em lại bị lừa, bị lợi dụng sang nước này làm việc. Báo cáo nói rằng có bằng chứng cho thấy một số người bị bắt cóc và bị đưa đến Anh.
Dù không có số liệu chỉ ra tầm cỡ vấn nạn này, nhưng thống kê cho thấy công dân Việt Nam thường bị cảnh sát chống buôn người bắt nhiều nhất, trong đó gần một nửa là trẻ vị thành niên.
Báo cáo có tựa đề "Đấu tranh chống nô lệ thời hiện đại mà công dân Việt Nam ở Anh phải trải qua", đề nghị Bộ Nội vụ Anh kết hợp với Hiệp hội kỹ thuật viên nail “có những biện pháp chống nô lệ thời hiện đại ở mảng dịch vụ này. Các hướng dẫn chi tiết cần được xuất bản, để chỉ dẫn cảnh sát về “tiềm năng lạm dụng nô lệ thời hiện đại ở lĩnh vực nail”.
Theo ủy viên Hyland (người đầu tiên được nữ Thủ tướng Anh Theresa May chỉ định làm lãnh đạo nhiệm vụ chống buôn người ở Anh), trong 10 năm qua, cộng đồng Việt Nam ở Anh đã tham gia vào việc kinh doanh, chủ yếu là mở tiệm nail. Đa số các tiệm nail này chỉ thu tiền mặt và không báo cáo tài chính. Không có số liệu về hoạt động dịch vụ này, nhưng cộng đồng Việt nam tại Anh được ghi nhận là mở nhiều tiệm nail nhất.
Ủy viên Hyland viết trong báo cáo: “Đây là một dạng tội phạm có tổ chức nghiêm trọng, con người bị bán như một món hàng. Chúng tôi đã chứng kiến có sự liên quan giữa các tiệm nail với dòng người nhập cư trái phép. Chúng tôi biết vài người đang nuôi dưỡng tội phạm có tổ chức. Chúng ta cần làm gì đó để loại bỏ loại tội phạm này”.
Báo cáo còn viết: “Thợ nail sẽ bị bắt làm việc 6 ngày/tuần và ít nhất 8 giờ/ngày. Việc phân tích báo cáo của đơn vị cảnh sát chống buôn người cho thấy các tiệm nail không chỉ là nơi cung cấp việc làm trái phép mà còn là nơi bóc lột sức lao động, dựa trên trải nghiệm của hơn 10 cá nhân bị trải nghiệm "nô lệ hiện đại" trong một tiệm nail, đa số là thiếu niên. Một nạn nhân bị bắt làm việc 7 ngày/tuần, từ sáng đến 6, 7 giờ tối. Họ được trả công 30 bảng/tuần”.
Một nạn nhân khác cho biết từng là trẻ mồ côi ở Việt Nam, bị bọn buôn người đưa đến Anh. Chúng nhốt cậu bé trong một căn phòng và chỉ dẫn kỹ thuật làm nail. Rồi cậu bé phải làm việc cho hai tiệm nail, mỗi nơi đều trả công 6,50 bảng/giờ. Nhưng thay vì được giữ tiền, em phải nộp cho bọn buôn người đưa đón em mỗi ngày và liên tục bị nhốt.
Hồi tháng 3.2017, một tiệm nail ở trung tâm thành phố Bath bị đóng cửa. Chủ tiệm người Việt bị buộc tội kiểm soát đồng bào để bóc lột sức lao động và thu xếp hoặc tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam đến Anh nhằm bóc lột sức lao động của họ.
Báo cáo khẳng định nỗ lực chấm dứt tình trạng bóc lột sức lao động ở lĩnh vực này không đạt kết quả, vì “dù phổ biến và nhiều người tham gia, nghề nail vẫn là một ngành không được quản lý tương đối chặt ở Anh”.
Trong khi đó, tại New York (Mỹ), các thị trưởng có biện pháp nhằm bảo đảm thợ nail không bị bóc lột sức lao động, được trả lương tối thiểu.
Ủy viên Hyland kêu gọi người dân đến tiệm nail nên cảnh giác vì có khả năng họ đến những tiệm lậu và sử dụng "nô lệ nail". Ông cho biết các dấu hiệu để cảnh giác là thợ nail quá trẻ, giá "bèo", thay đổi nhân viên rất nhanh và những hành vi kiểm soát của nhân viên cấp cao, hoặc thợ nail không biết tiếng Anh.
Ông Hyland đề nghị khách vào tiệm nếu thấy các dấu hiệu này thì hãy báo cho cảnh sát, chính quyền địa phương và các đường dây nóng giúp nạn nhân của nạn nô lệ thời hiện đại. Ông cũng thừa nhận không có thông tin chỉ rõ nạn sử dụng nô lệ nail và đề nghị phải hợp thức hóa các tiệm nail, những tiệm có thợ bị đối xử như nô lệ thì không được hoạt động.
Báo cáo của ủy viên Hyland đề nghị Bộ Nội vụ Anh xem xét khả năng cấp kinh phí để lập một dịch vụ tư vấn qua điện thoại thí điểm, nhằm giúp nạn nhân người Việt trong những giờ đầu họ bị phát hiện nhập cảnh lậu vào Anh. Báo cáo cũng đề nghị huấn luyện chuyên gia chống buôn lậu trẻ em để giúp người Việt Nam.
Theo Guardian, các tổ chức thiện nguyện chống buôn người ngày càng lo ngại về tình trạng người Việt Nam bị đưa đến Anh.
Hồi năm 2015, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã đến Việt Nam để bàn về việc chống buôn người Việt qua Anh. Tuy nhiên, dù liên tục khám xét các nông trại trồng thuốc phiện sử dụng nhân công người Việt và ngày càng có nhiều chứng cứ về việc bóc lột sức lao động ở các tiệm nail tại Anh, nhưng vẫn chưa có tên buôn người nào bị truy tố ra tòa.
Vĩnh Thụy (theo Guardian)