Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông, phủ nhận chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố
Chuyển động - Ngày đăng : 17:01, 23/02/2018
Vị sĩ quan giấu tên nói tàu sân bay Carl Vinson sẽ tiến hành hoạt động theo quyền tự do hàng hải, trương cờ Mỹ và hải quân Mỹ, làm việc với các đồng minh và đối tác để phát thông điệp trên.
Vị sĩ quan còn khẳng định chắc chắn tàu chiến Trung Quốc sẽ bám đuôi chiếc tàu sân bay cùng các tàu chiến hộ tống trong hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở các đảo tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã quân sự hóa các thực thể nhân tạo trái phép, gồm Bãi Scarborough Shoal thuộc Philippines nhưng do Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.
Theo AP, siêu tàu sân bay Carl Vinson cũng sẽ ghé cảng Đà Nẵng ở Việt Nam. Đây là tàu sân bay Mỹ đầu tiên đến Việt Việt Nam kể từ năm 1975 sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Nhóm tàu tấn công theo chiếc Carl Vinson có các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Michael Murphy, Wayne E. Meyer và Lake Champlain. Nhóm vừa hoàn tất chuyến thăm 4 ngày và rời khỏi Philippines hôm 20.2.
Chuẩn Đô đốc John Fuller, chỉ huy nhóm tàu tấn công nói với các nhà báo được mời đi theo chiếc Carl Vinson: “Chúng tôi sẽ tuân theo luật lệ quốc tế và chúng tôi sẽ tôn trọng những luật lệ đó, ngay tại khu vực tranh chấp chủ quyền”. Ông nói sự hiện diện của tàu sân bay dài 333 m là biện pháp trấn an hữu hiệu nhất cho các đồng minh đang hoang mang tại khu vực.
Theo Washington Times, hoạt động của tàu sân bay Carl Vinson tiếp sau một sự cố liên quan đến tàu chiến Mỹ-Trung hồi đầu tháng 1. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói một tàu chiến đã đuổi khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Hopper khỏi Biển Đông. Lầu Năm Góc phủ nhận chiếc Hopper bị đuổi khỏi Biển Đông, nơi tàu này tiến hành tuần tra FONOP.
Nhóm tàu tấn công cùng chiếc Carl Vinson được triển khai từ đầu tháng 1, theo sắp xếp cơ cấu chỉ huy mới có tên “Hạm đội 3 xung phong”. Cơ chế chỉ huy mới do Hạm đội 3 của hải quân Mỹ điều hành. Hạm đội này có nhóm tàu đóng ở vùng biển phía tây nước Mỹ và bang Alaska.
Trong quá khứ, Hạm đội 3 sẽ tự động chuyển quyền chỉ huy Hạm đội 7 (đóng ở Nhật Bản) khi đến châu Á. Nay, theo một sĩ quan, cơ chế “Hạm đội 3 xung phong” sẽ được nới rộng quyền kiểm soát tàu chiến và máy bay của Hạm đội 3 đến phía tây Thái Bình Dương và đến gần hải phận Ấn Độ, cho phép hai Hạm đội 3 và 7 hoạt động chung ở nhiều nhiệm vụ hải quân. Ông nói cơ chế chỉ huy mới này cho phép Mỹ “duy trì sức ép lên các thế lực cạnh tranh, và trấn an các đồng minh”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói từ việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể xây trái phép trên Biển Đông, ông đã quyết thay đổi chiến lược phòng thủ từ chống khủng bố sang đối phó Nga và Trung Quốc.
Ông Mattis nói: “Sự tranh đua dễ hiểu này là từ việc chuyển đổi các bãi và thực thể tự nhiên trên Biển Đông thành những chốt quân sự tiền tiêu”.
Theo Washington Times, hiện hai Bộ Ngoại giao - Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận việc Mỹ đưa tàu sân bay Carl Vinson đến Biển Đông. Tờ báo này cho rằng xem ra Bắc Kinh sẽ chỉ lên tiếng sau khi nhóm tàu Mỹ kết thúc cuộc tuần tra FONOP.
Nhưng Hoàn cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự cáo buộc việc Mỹ triển khai nhóm tàu tấn công. Nhà nghiên cứu Lưu Vệ Đông thuộc Viện nghiên cứu Mỹ (ở Học viện khoa học xã hội Trung Quốc) nói: “Chính quyền Trump đang cố gắng ép Trung Quốc, bằng cách gây ra nhiều vấn đề, gồm vấn đề Biển Đông vì cảm thấy khó chịu và không hài lòng với sự cạnh tranh đang tăng của Trung Quốc. Những động thái khiêu khích của Mỹ như đi vào Biển Đông sẽ còn nữa trong tương lai”.
Tuần trước, thiếu tá hải quân Tim Hawkins hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra FONOP, cùng các chuyến bay tuần tra và rèn luyện tại khu vực mà luật quốc tế cho phép.
Trên đường băng của siêu tàu sân bay 95.000 tấn, vị sĩ quan phụ trách mảng truyền thông của chiếc Carl Vinson nói: hoạt động tuần tra FONOP đã được thực hiện từ 70 năm qua, nhằm bảo đảm an ninh và hoạt động thương mại quan trọng của kinh tế châu Á và kinh tế Mỹ.
Thiếu tá Hawkins cũng nói Mỹ sẵn sàng thực hiện các hoạt động như giúp đỡ nhân đạo, giảm thiểu thiên tai lúc xảy ra tình trạng khẩn cấp, và cũng sẽ phải tiến hành các hoạt động đòi hỏi tung chiến đấu cơ lên trời. Ông còn nói việc duy trì các tuyến hàng hải trên Biển Đông là việc quan trọng của tất cả mọi người, không riêng của Mỹ.
Trung Trực (theo Washington Post)