Indonesia vận động khối ASEAN tuần tra Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 15:50, 16/03/2018
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc họp với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu của Indonesia nói: “Về vấn đề Biển Đông, tôi đã gặp các đồng nhiệm ASEAN, kêu gọi mỗi nước đối diện Biển Đông tiến hành tuần tra khoảng 230 km (200 hải lý) và nếu chúng ta quan sát vùng biển hải từ Việt Nam đến Indonesia và đến Philippines, chúng ta có thể thấy chúng tôi đã bảo đảm tuần tra gần một nửa Biển Đông”.
Bộ trưởng Ryacudu nói Indonesia chú trọng 3 khu vực gồm Biển Sulu, Eo biển Malacca và vùng biển giáp Thái Lan, ám chỉ việc hợp tác với các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Philippines.
Indonesia không thuộc nhóm quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng có va chạm với Trung Quốc về quyền đánh cá quanh quần đảo Natuna. Indonesia cũng đã mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó, đồng thời đặt tên mới ở mỏm phía bắc Vùng đặc quyền kinh tế Indonesia để khẳng định chủ quyền lãnh hải.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, và đã xây nhiều đảo nhân tạo trái phép trên các đá, vài nơi có cả cảng và đường băng cho máy bay quân sự cất - hạ cánh. Những hành động này khiến có sự tranh chấp giữa Trung Quốc với Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Đài Loan.
Trung Quốc cũng nhanh chóng tăng cường triển khai quân sự trên Biển Đông, không quân nước này hồi tháng 2 nói chiến đấu cơ Su-35 đã tham gia một cuộc tuần tra trên bùng biển tranh chấp này.
Tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, và các thế lực nước ngoài đang âm mưu “khuấy đục” vùng biển.
Trước đây, khi Mỹ tổ chức tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, Trung Quốc phản ứng giận dữ, gọi đó là sự khiêu khích của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần đầu tiên tổ chức ở Úc, với chủ đề chính là thương mại, nhưng những hoạt động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực được cho sẽ là đề tài nóng trong các cuộc nói chuyện giữa Úc với các nước ASEAN.
Úc không là thành viên ASEAN, nhưng Úc muốn tăng cường quan hệ chính trị - thương mại với khu vực nhằm đề phòng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Úc nói không nghiêng về phe nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng ủng hộ việc Mỹ tuần tra FONOP.
Trước đây, Úc nói không có kế hoạch tham gia các cuộc tuần tra chung. Khi được hỏi cuộc gặp thượng đỉnh này có nhằm trực tiếp đối đầu quyền lợi Trung Quốc ngày càng lớn tại khu vực, Ngoại trưởng Bishop nói Úc tin tưởng ASEAN sẽ đạt được hòa bình, ổn định và an ninh.
Bà Bishop nói với kênh ABC trước lễ khai mạc hội nghị: “Chúng tôi không tìm kiếm một vai trò cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Nhương, thay vào đó là tìm sự hợp tác với các nước khác".
Theo Reuters, nhiều nước ASEAN phản đối hoạt động tuần tra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến có sự phân hóa trong khối ASEAN. Ông nói: “Đang có sự thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng về kinh tế và sức mạnh, và các quyền lợi của họ trong và ngoài khu vực này”.
Trên danh nghĩa chính thức, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ chú trọng nuôi dưỡng quan hệ kinh tế giữa Úc với các nước thành viên ASEAN, và đề phòng mối đe dọa khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) từ Trung Đông tìm đến khu vực ASEAN.
Nữ Ngoại trưởng Úc Bishop cũng nói Úc đang xem xét nghiêm túc đề nghị của Tổng thống Joko Widodo: sẽ là một ý tưởng hay nếu Úc đồng ý gia nhập ASEAN.
Khi trả lời phỏng vấn hãng tin Fairfax Media ngày 16.3, Tổng thống Widodo nói việc này sẽ “giúp ổn định chính trị - kinh tế ASEAN. Chắc chắc sẽ tốt hơn cho khu vực”.
Trung Trực (theo Reuters)