Trung Quốc mua thêm tiêm kích Su-35 để tuần tra Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 14:25, 10/03/2018

Nhiều nguồn tin của Asia Times từ Nga và không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) cho biết Bắc Kinh đã đặt mua thêm nhiều chiến đấu cơ Sukhoi-Su 35 do Nga sản xuất, với điều kiện Nga chuyển giao công nghệ để Trung Quốc có thể sản xuất trong nước, ít tốn tiền hơn.
Đồ họa phi công Trung Quốc lái Su-35 - Ảnh: Modelling News

Các nguồn tin nhận định việc đặt hàng thêm này cho thấy Bắc Kinh hài lòng, sau khi PLAAF ngày 7.2 cho biết đã sử dụng Su-35 vào hoạt động tuần tra trên Biển Đông, cùng với các chiếc Su-30, máy bay ném bom H-6K.

Tuyên bố của không quân Trung Quốc không cho biết số máy bay, thời hạn và vị trí tuần tra, chỉ nói các chiếc Su-35 “tham gia diễn tập chiến đấu sẽ củng cố khả năng hoạt động tầm xa của lực lượng”.

Theo Newsweek, PLAAF tung Sukhoi Su-35 để tuần tra biển Hoa Nam, tên do Trung Quốc đặt để gọi vùng biển mà Mỹ đã phản đối Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền và xây dựng-quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc xây trái phép các đảo nhân tạo và lập cơ sở quân sự để thể hiện quan điểm bá chủ hàng hải của Bắc Kinh.

Nhưng ngày 8.3, Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ nhiệm Học viện quân sự Trung Quốc, nói các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông là để củng cố chủ quyền toàn vẹn trên vùng biển này, và Trung Quốc cần xây dựng cơ sở phòng thủ trên các đảo nhân tạo để khẳng định chủ quyền hầu hết Biển Đông.

Trung Quốc đã xây đường băng cất-hạ cánh cho máy bay quân sự, nhà chứa máy bay, tháp không lưu, bãi đậu trực thăng, trạm radar cùng nhiều tòa nhà cao tầng trên các đảo này.

Theo Asia Times, Bắc Kinh cũng đã nói rõ, sẽ chỉ đặt mua thêm nhiều chiếc Su-35, nếu Nga chịu chuyển giao công nghệ, và để Trung Quốc sản xuất một số hệ thống phụ. Đây là một chiến thuật “sao chép” công nghệ nước ngoài để có thể sản xuất trong nước, ít tốn tiền hơn mua trực tiếp.

Nhưng các nhà phân tích nói có thể Nga sẵn sàng “chiều” Trung Quốc, vì hai thế lực Nga-Trung đang có quan hệ hữu hảo, ủng hộ ý tưởng cùng phát triển-cùng sản xuất máy bay và vũ khí, từ tên lửa đển máy bay thân rộng.

Nguyệt san quân sự Kanwa Defense Review (Hồng Kông) hồi tháng 2 đưa tin đợt giao Su-35 thứ hai đã được chuyển đến các căn cứ PLAAF ở miền Nam Trung Quốc, gồm căn cứ Toại Khê ở tỉnh Quảng Đông và thuộc Quân khu phía nam.

Trang tin này dẫn các nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói công ty Komsomolsk-on-Amur đã được Bắc Kinh đặt mua thêm các chiếc Su-35, sau khi PLAAF báo cáo về chất lượng và tốc độ bay của đợt giao hàng đầu tiên.

Trong khi đó, không quân Indonesia cũng đã chấp thuận ký hợp đồng mua 11 chiếc Su-35 hồi tháng 2. Đợt giao hàng đầu tiên sẽ vào tháng 10 tới. Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đã tỏ ý quan tâm mua chiếc Su-35.

Chiến đấu cơ Su-35 do Công ty Komsomolsk-on-Amur (Nga) đóng, và hãng tin nhà nước Nga TASS nêu Su-35 là một trong những loại chiến đấu cơ hiện đại nhất Nga, trang bị súng 30 ly, mang được 12 tấn bom hoặc tên lửa, được trang bị ra đa mảng pha và có khả năng cất cánh lên thẳng.

Chiếc Su-35 có thể đạt tốc độ tối đa 2.500 km/giờ và có thể bay xa 3.400km mà không cần tái nạp nhiên liệu. Chiếc này là phiên bản hiện đại của chiếc Su-27 vốn được xuất khẩu hồi cuối thập niên 1980, nhưng việc Liên Xô sụp đổ và lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây đã khiến chiếc Su-27 bị xếp cánh, cho đến khi Bắc Kinh thổi sức sống mới với đơn đặt hàng.

Bảo Vĩnh (theo Asia Times)