Mỹ: Đau đầu vì tiêm kích F-22 và F-35 không thể liên lạc với nhau
Chuyển động - Ngày đăng : 17:22, 03/04/2018
Với F-22 Raptor và F-35 Lightning II, Mỹ có hai máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất thế giới. Cả hai đều đóng vai trò “người dẫn dắt”, sử dụng những hệ thống hiện đại của mình để thông tin về các mối đe dọa cũng như mục tiêu trên đất liền lẫn trên không. Tuy vậy, cả hai lại không thể liên lạc với nhau.
Chiếc F-22 được thiết kế từ giữa những năm 1980, với nguyên mẫu là máy bay chiến đấu. Mỹ muốn tiêm kích này là “đòn tấn công vô hình” với các mục tiêu Liên Xô.
Yêu cầu đạt được khả năng tàng hình tối đa được đặt ra với cả hệ thống liên lạc của chúng. Tuy nhiên, những cân nhắc ngân sách và tâm trạng lạc quan về thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đã cắt ngắn việc sản xuất hệ thống liên lạc tối ưu. Đến năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Robert Gates đã cho chấm dứt chương trình.
Vì vậy, F-22 hiện chỉ sử dụng hệ thống IFDL, cũ hơn hệ thống Link 16 của F-35, mặc dù cả hai đều là máy bay thế hệ thứ 5. Dù có thể nhận dữ liệu từ F-35 và các máy bay khác, như F-16 và Typhoon (của châu Âu), nhưng IFDL lại không thể truyền tải được lượng dữ liệu lớn mà nó thu thập được.
Trong một bài báo đăng trên Air Force Magazine gần đây, nhà phân tích quốc phòng David Rockwell nhận định “có rất nhiều cải tiến đáng ra phải được áp dụng từ 15 năm trước”, và không quân Mỹ đã trì hoãn nhiều dự án nâng cấp tiêm kích tàng hình F-22.
Billie Flynn, một cựu sĩ quan không quân Canada đang là phi công thử F-35 của tập đoàn Lockheed Martin, cho biết trong thời điểm hiện tại, phi công lái F-22 và F-35 để liên lạc phải sử dụng bộ đàm như một giải pháp tạm thời. Giải pháp này hoạt động hiệu quả trong các cuộc huấn luyện và tập trận tác chiến.
Không quân Mỹ chưa có kế hoạch khắc phục vấn đề này cho đến năm 2021, thời điểm F-22 được nâng cấp hệ thống theo kế hoạch. Tuy nhiên, Bethesda, Lockheed Martin cùng nhiều đối tác đang tìm cách xử lý trong ngắn hạn.
Cẩm Bình (theo Bloomberg)