Cảnh giác trước việc Trung Quốc mở cửa Hải Nam cho công dân 59 nước

Chuyển động - Ngày đăng : 07:47, 24/04/2018

Báo chí Trung Quốc ca ngợi việc mở cửa Hải Nam trong dịp hè này như nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy du lịch hòn đảo này, biến Hải Nam thành Hawaii của châu Á. Thế nhưng các chuyên gia nghi ngờ có động cơ chính trị đằng sau.
Trung Quốc cho du khách đặt chân phi pháp lên Hoàng Sa năm 2014 - Ảnh: Internet

Chính quyền Trung Quốc quyết định bắt đầu từ 1.5 tới sẽ mở cửa cho phép công dân 59 nước được nhập cảnh và lưu trú tự do đến tỉnh Hải Nam trong vòng 30 ngày. Danh sách công dân các nước cũng được thông báo rộng rãi gồm cả công dân Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Brunei.

Danh sách cụ thể: Nga, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Ukraine, Italy, Áo, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ, CH Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Ireland, Síp, Bulgaria, Romania, Serbia, Croatia, Bosnia & Herzegovina, Montenegro, Macedonia, Albania, Mỹ, Canada, Brazil, Mexico, Argentina, Chile, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Kazakhstan, Philippines, Indonesia, Brunei, UAE, Qatar, Monaco, Belarus.

Trước đó, danh sách này chỉ có 21 nước (năm 2000) rồi 26 nước (năm 2010) với 15 ngày tự do lưu trú tại đảo Hải Nam.

Báo chí Trung Quốc ca ngợi việc mở cửa Hải Nam trong dịp hè này như nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy du lịch hòn đảo này, biến Hải Nam thành Hawaii của châu Á, cạnh tranh với các điểm du lịch ven biển nhiệt đới trong khu vực nhu Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)...

Tuy nhiên, việc mở cửa đảo Hải Nam lại gây lo ngại cho các chuyên gia nghiên cứu tình hình khu vực. Nếu tỉnh Hải Nam chỉ có đảo Hải Nam thì sẽ không có vấn đề gì đáng bàn. Nhưng điều đáng lo nằm ở chỗ năm 2007, Trung Quốc lại thành lập cái gọi là "Tam Sa" như một đô thị cấp huyện (huyện cấp thị) thuộc tỉnh Hải Nam có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Một khi Trung Quốc đã mở cửa du lịch tỉnh Hải Nam thì e rằng họ sẽ không chỉ cho du khách ở trên đảo Hải Nam mà còn liệu tình thế để đẩy mạnh xuống phía nam Biển Đông. Zhao Xijun đến từ trường Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng một số du khách có thể bắt đầu quan tâm đến việc đặt chân lên các hòn đảo và rạn san hô phía nam đảo Hải Nam.

Danh sách các nước được mở cửa tới Hải Nam

Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh khu vực tại trường Nanyang (Singapore) cảnh báo Trung Quốc có thể cho du khách đặt chân (phi pháp) lên Hoàng Sa như một động thái chính trị nhằm củng cố quan điểm chủ quyền (phi pháp) của họ ở khu vực. "Nếu đưa được nhiều người nước ngoài đến đó thì nó sẽ khiến nước khác giảm sút cơ hội khi hành động chống lại họ", Koh ám chỉ rằng việc Trung Quốc có thể đưa nhiều du khách các nước trên thế giới đến Hoàng Sa như hình thức tuyên truyền với thế giới về chủ quyền (phi pháp) của họ tại đó".

Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp Hoàng Sa và đẩy mạnh xây dựng trên 3 hòn đảo, đặc biệt là Phú Lâm, nơi có sân bay, bệnh viện, trường học và dĩ nhiên là cả hệ thống quân sự phục vụ cho 1.000 người đang cư trú bất hợp pháp.

Tàu du lịch đầu tiên của Trung Quốc đến Hoàng Sa năm 2013. Ba năm sau, Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu từ Hải Khẩu đến Phú Lâm. Tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc đưa 300 du khách đến Hoàng Sa. Tất cả các hành động trên đều phi pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam cực lực phản đối.

Sau khi mở cửa Hải Nam cho du khách 59 nước, Trung Quốc có dự tính gì với Hoàng Sa? Một quan chức của cái gọi là thành phố Tam Sa cuối tuần trước cho biết chính quyền sẽ đăng thông tin những người "được phép" đến thăm Biển Đông.

Hy vọng tình hình Biển Đông không phức tạp thêm trước các động thái từ Hải Nam.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam quản lý 03 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên.

Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực.

Anh Tú