Sau khi hủy gặp Triều Tiên, Mỹ sẽ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 06:37, 25/05/2018

Mỹ đã không còn cần đến ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vấn đề bán đảo Triều Tiên lúc này. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cứng rắn hơn với mọi hành động của Trung Quốc trên mọi phương diện trên bàn cờ thế giới, dù là cuộc chiến thương mại hay là trên Biển Đông.
Mỹ không thể kiên nhẫn hơn với Trung Quốc - Ảnh: Internet

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.5 đã viết thư thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vốn được lên kế hoạch vào ngày 12.6. Trong thư, ông Trump viết: "Tôi kỳ vọng gặp ông. Đáng tiếc, dựa trên tuyên bố thể hiện sự thù địch và giận dữ của ông gần đây, tôi cảm thấy đây không phải là thời điểm thích hợp để có cuộc gặp gỡ theo kế hoạch".

Ông Trump cũng để ngỏ cánh cửa thương lượng khi viết thêm: “Nếu ông đổi ý về việc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng này, hãy viết thư hay gọi điện cho tôi”. Ông Trump gọi đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" và nhiều người theo dõi tình hình Đông Bắc Á cũng cảm thấy cơ hội "hòa bình trong tầm tay" bị bỏ lỡ. Nhưng với những người kỳ vọng Mỹ sẽ quyết đoán hơn ở Biển Đông trước sự leo thang của Trung Quốc gần đây thì việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ tạo ra những thay đổi căn bản ở khu vực hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Không biết cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể nối lại hay không nhưng chắc chắn một điều là sau khi nhấn nút hủy cuộc gặp Mỹ - Triều thì Washington sẽ lấy lại tư thế cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Một chi tiết đáng chú ý là một ngày trước khi Mỹ nhấn nút hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau khi tham vấn với Nhà Trắng, đã quyết định loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC có chu kỳ 2 năm, dự định tổ chức vào tháng sau với sự góp mặt của hơn hai chục nước. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Christopher Logan đã tuyên bố quyết định trên kèm theo lý do ngắn gọn: "Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC".

Phản ứng của Lầu Năm Góc đến khá muộn so với thời điểm mà Trung Quốc liên tục leo thang ở Biển Đông nhưng lại trùng ngay với thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Mỹ.

Có thể hình dung sự kiện thế giới trong những tháng gần đây như sau: Khi thế giới bị hút theo vấn đề Triều Tiên thì Trung Quốc liên tục tìm cách thủ lợi cho mình. Ngoài việc tạo áp lực với Mỹ trong các tranh chấp thương mại thì Bắc Kinh còn lén lút tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông từ việc triển khai tên lửa, hệ thống làm nhiễu điện tử và hạ cánh cả máy bay ném bom chiến lược trên một loạt đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép). Những hành động ở Biển Đông là kiểu leo thang theo chiến thuật "cắt từng lát xúc xích" hay còn gọi là tằm ăn dâu.

Mỹ tức giận trước từng lát cắt của Trung Quốc nhưng Washington vẫn phải kiên nhẫn chịu đựng, thậm chí ông Trump cách đây chục ngày còn đảo thái độ thông báo muốn cứu tập đoàn Trung Quốc, ZTE. Sở dĩ Mỹ chịu đựng Trung Quốc suốt mấy tháng qua là vẫn còn cậy nhờ Bắc Kinh tạo áp lực với Bình Nhưỡng giải quyết bài toán hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.

Và khi ngoại trưởng Vương Nghị sang Mỹ hôm 23.5 thì không biết ông mang theo thông điệp gì đã khiến cho sự kiên nhẫn của Mỹ với Trung Quốc trở thành giọt nước tràn ly. Giọt nước tràn đầu tiên là quyết định loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC ngay khi chiếc ghế mời ông Vương Nghị ngồi ở phòng khách Bộ ngoại giao Mỹ vẫn còn nóng. Và thông điệp mạnh mẽ tiếp theo của Tổng thống Trump là việc hủy luôn cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều và đòi phía Triều Tiên phải liên hệ trực tiếp nếu muốn nối lại cuộc gặp mặt.

Mọi thứ đã đổ vỡ, sự kiên nhẫn cũng đã trôi đi. Mỹ đã không còn cần đến ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vấn đề bán đảo Triều Tiên lúc này. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cứng rắn hơn với mọi hành động của Trung Quốc trên mọi phương diện trên bàn cờ thế giới, dù là cuộc chiến thương mại hay là trên Biển Đông.

Anh Tú