Úc phản đối máy bay ném bom Trung Quốc đến Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 12:04, 22/05/2018
Bên lề cuộc họp cấp Ngoại trưởng của khối G-20 ở Argentina, bà Bishop có cuộc nói chuyện dài với ông Vương Nghị. Sau đó bà xác nhận đã nêu việc Úc phản đối các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, sau khi không quân Trung Quốc hôm 18.5 đã cho biết nhiều máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân H-6K đã tập cất-hạ cánh trên một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cuộc tập cất-hạ cánh này ở đường băng có ký hiệu 23, trên một đảo được giấu tên ở vùng biển phía nam, sau khi một chiếc H-6K mang số hiệu 41175 tập tấn công các mục tiêu trên biển.
Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định đó là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Chiếc này có thể bay tối đa 3.500km và phóng các tên lửa hành trình đạt tầm xa 4.000km.
Bà Bishop cho kênh thời sự ABC biết: “Lập trường của Úc rất kiên định và rõ ràng, Trung Quốc cũng biết rõ. Mối quan ngại của chúng tôi về hoạt động quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông đã là chủ đề nhiều cuộc nói chuyện, và hôm nay được nhắc lại”.
Vị Ngoại trưởng nói Úc đã liên tục bày tỏ sự quan ngại về những hoạt động trên vùng biển tranh chấp, như một phần “đối thoại lâu dài với Trung Quốc, và tôi không tin Trung Quốc bị bất ngờ khi hôm nay tôi lại nêu vấn đề”.
Bà Bishop khẳng định cuộc nói chuyện giữa bà với Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra “ấm áp, thẳng thắn và trên tinh thần xây dựng”, và bà sẽ sớm thăm Bắc Kinh. Bà còn nói Úc sẽ tiếp tục thực hiện quan hệ song phương với tinh thần thiện chí và liên lạc mở”.
Bà Bishop cũng đã bàn chuyện Biển Đông với Mỹ, và Úc sẽ tiếp tục tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này, đồng thời ủng hộ quyền thực hiện các cuộc tuần tra tương tự của các nước khác. Bà cũng đã thông báo cho Trung Quốc quan điểm chung này.
Trung Trực (theo Guardian)