Máy bay ném bom Trung Quốc đến Biển Đông, Philippines ‘chờ xem’

Chuyển động - Ngày đăng : 12:59, 21/05/2018

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 21.5 tuyên bố Philippines đang chờ xem các diễn biến, sau khi máy bay ném bom tầm xa H-6K của không quân Trung Quốc hạ cánh trên một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Chiến đấu cơ hộ tống máy bay ném bom H - 6k - Ảnh: SCMP

Hành xử của không quân Trung Quốc với cớ các cuộc cất - hạ cánh trên các đảo nhân tạo này là một phần cuộc tập trận tuần trước đã khiến các nghị sĩ đối lập ở Manila phản ứng giận dữ, trong khi Mỹ cũng đã đưa tàu chiến đến Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines nói đang theo dõi các diễn biến, và “Chúng tôi đang tiến hành những hoạt động ngoại giao thích đáng cần thiết để bảo vệ chủ quyền của quốc gia chúng tôi trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục như thế trong tương lai. Chúng tôi tái cam kết bảo vệ lãnh thổ và các khu vực mà chúng tôi có chủ quyền”.

Nhưng Bộ không lên án hành động của Trung Quốc, trong khi Mỹ nói hành xử của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực Biển Đông.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm. Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.

Trung Quốc đã xây trái phép 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và chuyển chúng thành những chốt quân sự có cả dàn radar, đường và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bắc Kinh nói các cơ sở quân sự trên quần đảo Trường Sa chỉ nhằm phòng thủ, và Trung Quốc có thể làm bất kỳ điều gì trên lãnh thổ nước mình.

Các nghị sĩ Philipines đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte không dám đối đầu với Bắc Kinh, chỉ vì ông muốn lập tình bạn với Trung Quốc, dù Tòa án trọng tài quốc tế The Hague năm 2016 đã xử Philippines thắng trong vụ kiện yêu sách Biển Đông.

Theo Reuters, Tổng thống Duterte nói ông sẽ không liều lĩnh đối đầu với Trung Quốc, và ông nhắc đi nhắc lại đề nghị Philippines cùng Trung Quốc khai thác và phát triển vùng Biển Đông nhiều dầu thô và khí tự nhiên.

Bích Ngọc (theo Reuters)