Tên lửa S-500 Nga dư sức bắn tan chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 19:02, 26/05/2018
Theo nguồn tin tình báo giấu tên của kênh tin tức CNBC, quả S-500 đã bắn trúng mục tiêu cách xa 481 km, tức xa hơn những lần phóng thử trước khoảng 80 km.
Nga tuyên bố S-500 có thể ngăn chặn tên lửa siêu thanh, máy bay không người lái và chiến đấu cơ tàng hình như F-22, F-35 và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cao độ cận vũ trụ, tức cách bề mặt Trái đất hơn 96 km. Cao độ cận vũ trụ là nơi mà hầu hết vệ tinh quân dụng của nước đang hoạt động.
Quả tên lửa này được cho là phiên bản tên lửa đất đối không S-300 V4, còn được cho là có khả năng phóng 10 đầu đạn bay ở vận tốc 6,5km/giây, được trang bị vài hệ thống radar riêng có thể phát hiện nhiều mục tiêu khác nhau như chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa của địch.
Nếu tuyên bố của Nga là đúng, quả S-500 sẽ đánh bại lợi thế lớn trong khả năng chiến đấu của Mỹ. Hiện chương trình F-35 tốn tiền nhất thế giới với khoảng 400 tỉ USD, đã bị chỉ trích vì giá cao và tính hiệu quả trong chiến đấu. Không quân Israel vừa tự nhận là lực lượng đầu tiên của thế giới tung F-35 vào một phi vụ chiến đấu.
Trong khi đó, chiếc F-22 hoạt động chiến đấu lần đầu tiên năm 2014, khi Mỹ bắt đầu chiến dịch tấn công bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trước đó, các chiến đấu cơ không tàng hình của Mỹ đã chịu không nổi hệ thống phòng không của Nga. Năm 2017 nổi lên tin tên lửa S-400 của Nga ở Syria (cũng đã được dàn cho các đối thủ khác của Mỹ) trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho máy bay “thế hệ 4” như chiếc F-16 của hãng Lockheed Martin, chiếc F-15 và F/A-18 của Boeing.
Các nhà phân tích và sĩ quan quân đội Mỹ cho rằng chỉ có F-22, F-35 và máy bay ném bom B-2 mới có thể đánh bại S-400 nhờ khả năng tàng hình của chúng. Trung tướng Jerry Harris, chỉ huy phó mảng lập kế hoạch chiến lược của không quân Mỹ nói: “Máy bay thế hệ 4 sẽ tiếp tục giữ một vai trò trong vài lĩnh vực. Nhưng vì các mối đe dọa từ Syria, Iran và các địa điểm khác, thế hệ này sẽ sớm bị về vườn nhanh hơn dự kiến”.
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin nói ông muốn sản xuất đại trà S-500, giúp Moscow có khả năng tấn công nhiều mục tiêu. Ông cũng tuyên bố Nga sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược, tái trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars cho 14 trung đoàn kể từ cuối năm 2018.
Trước đó, CNBC được tiếp cận nhiều báo cáo tình báo, nhận định từ năm 2020, Nga sẽ có thể triển khai quả tên lửa siêu thanh RS-26 Tiên Tiến (Avangard) có thể mang đầu đạn hạt nhân, sau khi phóng sẽ dùng lực khí động học để trượt ở tầng trên bầu khí quyển.
Tiên Tiến có thể đạt vận tốc nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành cũng phải bất lực. Ông Alexei Leonkov, tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, không một quốc gia nào có thể ngăn chặn Tiên Tiến, kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang dàn ở châu Âu.
Ông Leonkov giải thích: "Các tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng thủ Mỹ, gồm cả Aegis, chỉ có thể bay tối đa ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Để chặn một tên lửa bay ở tốc độ Mach 10, họ cần có tên lửa đánh chặn với tốc độ Mach 15. Mỹ hiện không có tên lửa nào như vậy, vì thế, trong trường hợp này họ hoàn toàn bất lực".
Chuyên gia Leonkov nhấn mạnh rằng, ngoài tốc độ khủng khiếp, tên lửa Avangard còn có thể cơ động với độ chính xác cao. Điều đó khiến nó trở thành hệ thống vũ khí "bất khả chiến bại" và là một mục tiêu "không thể chế ngự" đối với bất cứ hệ thống phòng thủ nào của Mỹ.
Trung Trực (theo Yahoo News)